Theo Infobae, WADA đang dần làm rõ những bê bối doping trong môn cử tạ nhờ vào sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, tổ chức, qua đó vạch trần các hành vi giúp đồng đội vượt qua xét nghiệm nước tiểu, hối lộ, thông báo trước về các cuộc kiểm tra hoặc có sự che mắt của huấn luyện viên và lãnh đạo.
18 vận động viên cử tạ tới từ 6 quốc gia đã được xác định bằng xét nghiệm ADN vì nghi ngờ đổi nước tiểu của người khác. Những trường hợp này sẽ được chuyển cho Cơ quan Kiểm soát Quốc tế (ITA), một cơ quan độc lập hiện chịu trách nhiệm quản lý chống doping và Liên đoàn Cử tạ Quốc tế (IWF).
Cử tạ từng mang về cho Thái Lan 2 HCV tại Olympic Rio 2020, nhưng bị cấm dự Olympic Tokyo. Ảnh: Getty Images. |
Theo 4 cuộc điều tra từ bộ phận tình báo của WADA bắt đầu vào năm 2017, các hoạt động gian lận doping gồm: Sử dụng thiết bị để lọc nước tiểu "bẩn" thành nước tiểu "sạch", sử dụng các VĐV "sạch" (không dùng doping) thay thế khi lấy mẫu, sử dụng hormone tăng trưởng không thể phát hiện, sử dụng dịch truyền để làm sạch máu trước khi thi đấu, hối lộ của quan chức, huấn luyện viên để bảo vệ vận động viên, thông báo trước cho VĐV về lịch kiểm tra doping.
"Việc này giống như bạn bước vào một nhà tù và tìm kiếm những người vô tội. Có những trường hợp ngoại lệ, nhưng trong môn thể thao này, ngoại lệ là một trên một triệu", một người nói với WADA về vấn nạn doping trong môn cử tạ.
Hôm 22/10, WADA tiết lộ các cuộc điều tra cho thấy vấn nạn doping trong môn cử tạ "vượt ra ngoài khuôn khổ của các vận động viên và có sự hỗ trợ từ những nhân viên, huấn luyện viên và quan chức".
Những tiết lộ này được công khai 2 tuần sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) gửi lời cảnh tỉnh tới IWF về sự chậm chạp trong việc quản lý và chống doping. IOC cảnh báo môn cử tạ có thể bị loại khỏi Olympic Paris 2024 vì vấn nạn doping.
Ở Olympic Tokyo, đã có gần 20 quốc gia bị giới hạn thi đấu khi có các trường hợp vi phạm doping. Tính riêng tại Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia bị IWF cấm tham dự Olympic Tokyo khi có quá nhiều trường hợp vi phạm.