Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

18 nguyên tắc trò chuyện với trẻ

Trẻ em luôn cần lời khuyên và hướng dẫn của cha mẹ. Nhưng để tiếp thu tốt hơn, trước tiên, trẻ cần được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu.

Theo tác giả cuốn sách “Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con - Linh Phan - giao tiếp và trò chuyện với con là một trong những kỹ năng quan trọng trong việc làm cha mẹ. Tuy nhiên, theo khảo sát mà tác giả thực hiện năm 2017 ở miền Bắc đối với những em học lớp 6 đến lớp 12, khoảng 22% trẻ thấy rằng việc giao tiếp trong gia đình của mình là tích cực.

Các em đều cảm thấy tiếc nuối vì không thể nói chuyện một cách cởi mở và nhẹ nhàng với cha mẹ mình.

Theo tác giả, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Cuốn sách “Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con ra đời, là nỗ lực của Linh Phan để chia sẻ những kiến thức, thực hành dành cho phụ huynh liên quan tới việc giao tiếp, trò chuyện, ứng xử với con.

Từ những lời ăn tiếng nói trong đời sống thường ngày và các tình huống cụ thể, cuốn sách cung cấp những thông tin đơn giản mà cần thiết về các giai đoạn phát triển của trẻ. Từ đó, phụ huynh hiểu được cách tác động và giao tiếp với con sao cho hiệu quả.

"Go loi" cha me trong giao tiep voi con anh 1

Sách "Gỡ lỗi" cha mẹ trong giao tiếp với con. Ảnh: Saigonbooks.

Cách giao tiếp phù hợp lứa tuổi của con

Nội dung cuốn sách được triển khai trong 4 chương: Hiểu con sao cho đúng; Nói sao cho con nghe; Không thể tin tôi đã nói với con như vậy và Những đứa trẻ cần được quan tâm đặc biệt.

Trong chương sách Hiểu con sao cho đúng, tác giả đã đưa ra những kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ trong ba giai đoạn quan trọng là từ 0-6 tuổi, từ 7-11 tuổi, từ 12 tuổi trẻ lên.

Ở mỗi giai đoạn ấy, tâm, sinh lý của trẻ có sự thay đổi liên tục. Bởi thế, cha mẹ cần nắm vững những đặc điểm phát triển nổi bật của trẻ để có được sự giao tiếp phù hợp.

Ứng với mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, Linh Phan phân tích những điểm cần lưu ý cho cha mẹ. Đồng thời, tác giả cũng cung cấp một số trò chơi âm thanh mà cha mẹ có thể thực hiện để kích thích giao tiếp với con.

Theo người viết, trẻ mẫu giáo thích trò chơi và ba phút chơi đùa có thể tiết kiệm cho cha mẹ mười phút nói chuyện đầy khó khăn. Hoặc nếu muốn yêu cầu con làm việc gì đó, cha mẹ cũng có thể biến công việc đó thành trò chơi. Điều này có thể giúp cha mẹ và con cái tránh được những cuộc tranh cãi và thay vào đó là những giây phút vui vẻ.

Chương hai cung cấp 18 nguyên tắc mà cha mẹ cần nắm vững khi giao tiếp với con. Đây cũng là nội dung cốt lõi của cuốn sách. Có thể kể một số nguyên tắc: Chọn phương tiện giao tiếp phù hợp độ tuổi; Cho con cảm thấy an toàn; Giao tiếp dựa trên điểm mạnh của trẻ; Giao tiếp hợp tác, chủ động và có dự đoán; Phản hồi chứ không phải ứng…

Mỗi nguyên tắc đều được triển khai mạch lạc, rõ ràng, cung cấp cách thức thực hiện dễ hiểu, dễ thực hành cho phụ huynh.

Như trong nguyên tắc Phản hồi chứ không phản ứng, tác giả hướng dẫn năm cách giúp cha mẹ gia tăng khả năng phản hồi: Trước hết, cha mẹ cần chăm sóc bản thân mình thật tốt, cười nhiều hơn, tận hưởng nhiều hơn. Thay đổi thói quen, hãy phiêu lưu, khám phá và tự do. Cha mẹ càng vui vẻ, con cũng sẽ cảm thấy được khuyến khích trở nên như vậy.

Ngừng việc giao tiếp tiêu cực

Giao tiếp được với con là hành trình khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì của cha mẹ. Giao tiếp đúng cách và tích cực sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình phá triển của trẻ.

Cuốn sách này sẽ giúp phụ huynh nắm bắt được các nguyên tắc, hướng dẫn, cũng như những ví dụ minh họa cho việc giao tiếp hiểu quả với trẻ để nuôi dưỡng, truyền cảm hứng, khuyến khích, giáo dục trẻ và cả chữa lành.

Trong chương ba, chương bốn, sách “Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con cũng đã chia sẻ về những điều phụ huynh nên tránh khi nói chuyện với con, đồng thời, đưa ra những căn bệnh mà trẻ có nguy cơ bị mắc phải nếu gặp vấn đề về giao tiếp trong gia đình.

Cuốn sách là tài liệu ý nghĩa dành cho các bậc phụ huynh, cũng là lời cảnh tỉnh mỗi người, trong quá trình làm cha mẹ. Như lời tác giả: “Hãy chú ý và thay đổi cách bạn nói chuyện với con ngay từ khi con được sinh ra, hoặc ngay từ bây giờ! Không bao giờ là quá muộn!”.

Sách “Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con do Saigonbooks xuất bản năm 2020.

Giúp cha mẹ đồng hành cùng con trong giai đoạn dậy thì

“Bí quyết thương lượng cho tuổi dậy thì” tổng hợp nhiều kiến thức thú vị, giải đáp băn khoăn của phụ huynh với con cái ở giai đoạn vị thành niên.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm