Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cha mẹ bắt con đi học trong kỳ nghỉ hè là tội ác'

Đó là quan điểm của nhà giáo, nhà báo Thái Phỉ nêu ra trong sách "Gia đình giáo dục". Ra đời gần 70 năm trước, tới nay cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị.

Ấn bản mới của cuốn sách được thực hiện dựa theo bản in Gia đình giáo dục của Nhà xuất bản Đời Mới năm 1951. Ngoài một số chỉnh sửa về cách viết nhằm thống nhất với quy tắc chính tả hiện nay kèm các chú thích cần thiết, mọi điểm khác đều giữ nguyên.

Với luận điểm và cách hành văn sắc bén, trong cuốn sách này nhà báo Thái Phỉ chỉ rõ nhiều điểm yếu trong giáo dục gia đình của người Việt xưa mà liên hệ đến ngày nay vẫn chưa được khắc phục. Đồng thời những lời khuyên ông đưa ra còn nguyên giá trị áp dụng trong thực tiễn.

Cuốn sách bao gồm quan điểm không còn phù hợp bởi những tân tiến của thời đại, như cách thưởng phạt trẻ bằng đòn roi. Tuy nhiên, đi vào những giá trị hiện thời để thấy rõ thực tế nhiều bất cập trong giáo dục gần một thế kỷ qua vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Qua đó, cuốn sách cũng khẳng định để phát triển giáo dục nói riêng và xã hội nói chung, một quá trình quan trọng và cần thực hiện đầu tiên đó là giáo dục gia đình.

Quan điểm về giáo dục gia đình còn nguyên giá trị

Trong cuốn sách Gia đình giáo dục, nhà giáo, nhà báo Thái Phỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nền giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành cả về thể chất và trí tuệ của trẻ.

“Gia đình thế nào và cha mẹ thế nào thì con cái học hành thế ấy”, Thái Phỉ nêu quan điểm. Ông cũng chỉ rõ, nhiệm vụ thiết yếu của gia đình trong xã hội là việc giáo dục thanh niên. “Không một cơ quan xã hội nào tổ chức khôn khéo và đầy đủ đến đâu nữa, có thể thay thế gia đình trong cái việc tế vi và phiền phức ấy”. Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần không ngừng tự học, tự nhận thức, trở thành tấm gương sáng cho con trong học tập, cuộc sống.

Tam quan trong cua viec giao duc trong gia dinh anh 1
Sách Gia đình giáo dục.

“Trong việc giáo dục thanh niên, có hai thầy giáo và hai học trò: Nói thế có nghĩa là các bậc cha mẹ vừa dạy con cái vừa học, mà con cái thì vừa là học trò vừa là thầy dạy của cha mẹ”. Đây là lời khuyên luôn còn giá trị dù xã hội phát triển đến cấp độ nào.

Tác giả cũng nhấn mạnh, nuôi dạy con là nuôi con trở thành những con người toàn diện, có sức khỏe, trí tuệ và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Mà trước tiên, các cha mẹ phải chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe cho con thông qua chuyện ăn, mặc, ngủ của chúng. Theo ông, "cơ thể người ta không khác gì ngân sách của một nước”. “Con trẻ không khác gì cái bánh đa nướng. Chỉ sơ ý một chút, cái bánh đa sẽ rơi xuống đất và vỡ tan tành. Nhưng nếu người ta biết chăm chút nó cho đúng phép, nghĩa là biết điều hòa sự ăn, học, tập và nghỉ của nó cho hợp lẽ tự nhiên, nhất là trong thời kỳ trưởng thành thì không những nó học hành được kết quả mà nó lại còn thừa khí lực để hoạt động sau này, lúc nó bước vào cuộc đời gió bụi”.

Theo ông, việc nghỉ hè như thế nào cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của con. Kỳ nghỉ hè là thời gian để học sinh sống hoàn toàn cho thể chất. Vì vậy, “cha mẹ bắt con cái đi học trong vụ nghỉ hè là một việc trái với sinh lý, nếu không là một tội ác”.

'Đọc sách là một cách học' - quan điểm chưa bao giờ cũ

Từ hơn nửa thế kỷ trước, tác giả Thái Phỉ đã chú ý đến văn hóa đọc và việc rèn luyện thói quen cũng như phương pháp đọc sách cho con. Quan sát xã hội hiện nay dễ thấy, văn hóa đọc vẫn chưa phổ biến rộng rãi và nhiều cha mẹ, giáo viên chưa thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển của trẻ.

Tam quan trong cua viec giao duc trong gia dinh anh 2
Cuốn sách nêu tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình.

Theo ông, đọc sách là một cách học. Tuy nhiên, việc quan trọng trước tiên là phải lựa chọn sách. Chọn sách phải dựa trên hai phương diện là hình thức và tinh thần. Hình thức là “chọn những thứ sách báo in bằng chữ lớn để trẻ đọc khỏi mỏi mắt và khỏi bị kích thích ở bộ thần kinh”. Tinh thần là sách phải phù hợp với độ tuổi, cần cấm ngặt sách khiêu dâm. 

Đặc biệt, trong cuốn sách này, ông chỉ rõ ý nghĩa của việc đọc sách đối với học sinh và đưa ra gợi ý các phương pháp đọc cụ thể. Theo ông, “muốn đọc sách cho được lợi, phải đọc thong thả và ngẫm nghĩ. Đọc xong, phải kể tóm tắt câu chuyện và nói về cái chủ ý của tác giả. Nếu có thể thì phụ thêm những ý kiến của mình về cái phương pháp kết cấu của tác giả, về hành động của những nhân vật chính trong truyện. Cách ấy giúp cho học sinh tập luyện dần dần cái óc phê bình là một đức tính rất cần trong sự học”. Đây là phương pháp đọc cũng là phương pháp học vẫn còn nguyên giá trị với ngày nay.

Bên cạnh đó, tác giả Thái Phỉ còn chỉ ra tác hại của việc xem vô tuyến truyền thanh, xem chiếu bóng (phim rạp ngày nay). Bởi đây là “lối tiêu khiển thụ động vì không phải suy nghĩ”, “nếu không làm mệt trí óc của trẻ thì lại làm cùn ý chí của chúng”.

Thái Phỉ tên thật là Nguyễn Đức Phong, sinh ngày 3/12/1903 tại Thái Bình. Ông là một trong nhiều nhà tri thức tại đất Hà thành thời kỳ trước năm 1945. Từ 1921 đến 1934, ông dạy học tiểu học ở nhiều nơi như Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Móng Cái… Ông tham gia tổ chức Hướng đạo sinh. Ông là chủ nhiệm cùng một lúc hai tờ báo - báo Cậu ấm (dành cho bé trai), báo Tin Văn, tòa soạn đặt tại 82, phố Hàng Bông, Hà Nội.

Ông cũng là tác giả của sách Một nền giáo dục Việt Nam mới.


Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm