Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chúng ta đừng sợ nói với con trẻ về tiền và việc kiếm tiền'

Dạy con về tiền không phải để con đặt nặng giá trị đồng tiền vượt trên mọi giá trị khác, mà nên coi kỹ năng quản lý tài chính như bao kỹ năng sinh tồn khác.

Trẻ con sống phụ thuộc vào bố mẹ, vậy các con có cần học cách kiếm tiền; và nên dạy cho cách tiêu tiền không khi mà ở tuổi nhỏ, trẻ chưa thể tự lập? Đó là băn khoăn của nhiều phụ huynh khi đến với buổi tọa đàm “Dạy con về tài chính và tạo lập tính cách”. Chương trình diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội chiều 19/5, xoay quanh nội dung dạy con quản lý tài chính trong hai cuốn sách Chú chó mang tên Money, Kira và nhân bánh donut. Đây là hai cuốn sách của Bodo Schäfer - một tác giả thành công viết về tài chính và gây dựng sự nghiệp cho cả người lớn và trẻ em.

Day con quan ly tien sao cho hop ly anh 1

Trước câu hỏi dạy con về tiền từ tuổi nào là hợp lý, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, việc giáo dục tài chính có thể bắt đầu cho con từ sớm. Khi 5 tuổi, giai đoạn tiền học đường, chúng ta có thể giới thiệu cho con các khái niệm về tiền, dạy cho con nhận mặt số trên tiền, lúc này phụ huynh có thể dạy cho con giá trị đồng tiền, quý trọng đồng tiền, cần giúp con hiểu phải chi tiêu đúng mức. Dạy con tiết kiệm (ví dụ tắt điện khi không sử dụng) đó cũng là cách dạy con về tiền.

Đối với lứa tuổi mầm non, cha mẹ dạy con về tiền nên đưa ra phần thưởng cho các việc làm tốt của con. Phần thưởng không nhất thiết là tiền. Ta có thể tặng cho con những điểm thưởng, ngôi sao để tượng trưng. Sau đó dùng những điểm thưởng ấy quy đổi thành món quà mà con mong muốn có được, như bao nhiêu ngôi sao thì sẽ được mua món đồ chơi mà con thích, bao nhiêu điểm thưởng thì con sẽ được đi chơi xa như con mong muốn…

Khi con bắt đầu vào giai đoạn tiểu học, lên đầu THCS, các kỹ năng mà cha mẹ dạy con phải nâng cao lên. Lúc này phụ huynh cần trang bị kỹ năng quản lý tài chính. Khi có mục đích làm một việc gì đó cần đến tiền, con phải đặt ra mục tiêu, cách thức để hoàn thành mục tiêu ấy. Con cũng cần lên kế hoạch tài chính, sử dụng điểm thưởng một cách thông minh. Khi lên học cấp 3, con có thể học quản lý tài chính cá nhân. Tài chính lúc này là số tiền thực mà con có, tức là con học cách quản lý tiền của mình, và có thể đầu tư. Hiện nay, khi học cấp 3, một số bạn đã có thể khởi nghiệp riêng.

“Chúng ta đừng sợ nói về tiền, mà cần thay đổi nhận thức về việc giáo dục tài chính, giáo dục tiền bạc. Cha mẹ không giáo dục ở khía cạnh làm cho đứa trẻ quá đặt nặng giá trị đồng tiền vượt trên giá trị khác, để rồi trở nên quá thực dụng. Ở đây, cha mẹ hướng dẫn con những kỹ năng để quản lý tài chính. Qua việc quản lý kỹ năng tài chính ấy, có thể rèn cho con em một số tính cách”, TS Trần Thành Nam nói.

Day con quan ly tien sao cho hop ly anh 2
TS tâm lý Trần Thành Nam.

Để con có nguồn tài chính, cần dạy con yêu lao động, phải kiếm tiền từ những nguồn rất nhỏ. Để con quản lý tốt tài chính, con phải tiết kiệm, kiên trì, ứng xử tốt với mọi người để được những quyền lợi mà mọi người trả cho mình... 

Các bài học thiết thực về quản lý tài chính cho trẻ em được đưa ra trong hai cuốn sách Chú chó mang tên MoneyKira và nhân bánh donut. Thông qua câu chuyện của cô bé Kira, những bài học trong truyện đem lại cho độc giả hiểu biết về lĩnh vực tài chính, cũng như nhãn quan mới để xử lí thành công các thách thức về quản lý tiền bạc.

Được viết dưới hình thức câu chuyện văn học dễ tiếp nhận, lối viết lôi cuốn, những trải nghiệm của nhân vật Kira khiến người đọc được khích lệ trong việc tiếp nhận các bài học. Hai cuốn sách không chỉ dành cho độc giả nhỏ, mà còn hữu ích với các bậc cha mẹ trong việc dạy con về tài chính và hình thành tính cách.

8 cuốn sách tài chính đáng đọc nhất

Đây là những cuốn sách được đánh giá là "kinh thánh" với những ai muốn trở thành chuyên gia trong ngành tài chính.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm