Những nội dung về việc triển khai chính sách an sinh xã hội và gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo trước Quốc hội cuối phiên thảo luận sáng 25/7, về tình hình kinh tế xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong những tháng đầu năm 2021, nhất là từ khi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 (từ 27/4 đến nay), dịch bệnh lan rộng ở mức độ toàn quốc, số ca nhiễm tăng cao, tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế.
Việc này cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, lữ hành, vận tải. Ngoài ra, 70.000 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường.
Đặc biệt, dịch lần này đã tấn công vào thành trì quan trọng của nền kinh tế là khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều người lao động, nơi đóng góp nhiều cho thu ngân sách, nơi tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết hàng trăm nghìn người bán vé số từ Đã Nẵng đến Cà Mau đã nhận được tiền hỗ trợ. Ảnh: Hồng Phong. |
Với tinh thần phải đảm bảo an sinh, đời sống người dân, duy trì và không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, Chính phủ chỉ đạo “chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng”, tổ chức sản xuất theo nguyên tắc “3 tại chỗ”, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.
Đến nay, cả nước đã hỗ trợ hơn 168.000 tỷ đồng cho các đối tượng. “Riêng việc thực hiện Nghị quyết 42 với gói 62.000 tỷ triển khai trong điều kiện chưa có tiền lệ, trong thời gian gấp gáp. Tuy kết quả sau cùng chưa được như mong muốn, cả nước đã hỗ trợ 39.000 tỷ cho 14,4 triệu người thụ hưởng”, Bộ trưởng Dung khái quát.
Sau khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ. Đặc biệt, lần này đã giảm 1/2 thủ tục và 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42, giúp các đối tượng tiếp cận chính sách một cách thông thoáng, dễ dàng hơn nhiều.
Qua 15 ngày triển khai, Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả người lao động là F0 phải điều trị, những F1 phải cách ly tập trung. Ngoài ra, 52.000 người bị tạm dừng lao động, dừng việc không hưởng lương đã được hỗ trợ; 5.500 hộ sản xuất kinh doanh cũng đã được nhận tiền.
Về chính sách hỗ trợ nhóm lao động tự do - đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất vì dịch bệnh, ông Dung cho biết hàng trăm nghìn người bán vé số từ Đã Nẵng đến Cà Mau đã nhận được tiền hỗ trợ.
Ở TP.HCM, trong điều kiện giãn cách xã hội toàn thành phố, chỉ trong 15 ngày, các cơ quan chức năng đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, hỗ trợ cho 248.000 lao động tự do với 426 tỷ đồng.
Theo ông Dung, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan điều chỉnh, bổ sung chính sách mới cho kịp thời, sát thực tế với phương châm “càng khó khăn càng phải quan tâm phúc lợi xã hội”, “không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, như Tổng bí thư đã chỉ đạo.