Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Làm sao để cách ly nhưng không làm đứt gãy nền kinh tế'

Nêu thực tế nhiều địa phương áp dụng biện pháp thái quá gây khó cho người dân, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh phải làm sao để cách ly nhưng không làm đứt gãy nền kinh tế.

Sáng 25/7, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp cho 6 tháng cuối năm.

“Covid-19” là cụm từ được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và coi là điểm nhấn trong bài phát biểu của mình. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) dành toàn bộ thời gian phát biểu để điểm lại những vấn đề nổi lên trong các đợt phòng, chống dịch vừa qua.

Mỗi tỉnh mỗi quy định gây khó cho người dân

Trước hết, nữ đại biểu nhấn mạnh “phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan”. Bà nêu thực tế tại một số địa phương xuất hiện những biện pháp gây tranh cãi, khó khăn cho người dân, doanh nhiệp như không cho xe nông sản đi qua.

“Có doanh nghiệp phản ánh đã thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định”, bà Thủy dẫn chứng thực tế.

cach ly nhung khong lam dut gay nen kinh te anh 1

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh “phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan”. Ảnh: Hồng Phong.

Ví von cả nước giống như một cơ thể sống có quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, bà Thủy cho rằng không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời tất cả. “Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, bà Thủy nói và đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này.

Vấn đề thứ hai nữ đại biểu ghi nhận là việc xử lý nghiêm các vi phạm vừa qua đã khắc phục tâm lý chủ quan, coi thường, nhờn các quy định trong phòng, chống dịch.

“Rất nhiều hành vi vi phạm, kể cả khai báo y tế không trung thực đã được xử lý trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, và đã có nhiều biện pháp, chế tài được đặt ra, bao gồm cả xử lý kỷ luật về Đảng và công vụ”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu vấn đề.

Bà cũng dẫn chứng những vụ việc điển hình như cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Hancinco ở Hà Nội hay rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND như tại Hà Nam, thậm chí khởi tố nhiều vụ án hình sự làm lây lan dịch ra ngoài cộng đồng.

“Thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh đã có tác dụng răn đe”, bà Thủy khẳng định. Theo bà, ghi nhận tại các trạm y tế phường thời gian qua cho thấy số người đến khai báo y tế đã tăng mạnh, khắc phục được tình trạng khai báo qua quýt như trước đây vì sợ phải đối diện với chế tài xử lý.

Vấn đề thứ ba về công khai lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp ủng hộ yêu cầu các đơn vị không công khai danh tính và lịch trình di chuyển chi tiết của bệnh nhân. Thay vào đó, chỉ công khai địa điểm có bệnh nhân đến để người dân và các cơ quan y tế có biện pháp bảo vệ.

“Việc công khai lịch trình khiến nhiều người bệnh trở thành tâm điểm của việc thêu dệt, suy diễn, thậm chí bị ném đá trên mạng xã hội, gây tổn thương và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống gia đình họ”, bà Thủy nói và cho rằng đây không phải cách chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.

Đánh giá sức chống chịu của doanh nghiệp trong đại dịch

Vấn đề thứ tư, bà Thủy ghi nhận sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch và sự sẻ chia của các địa phương, giúp nhiều nơi có dịch vơi bớt phần khó khăn.

Cuối cùng là bài học về huy động sức dân, mà theo đại biểu Thủy, vẫn còn nguyên giá trị.

Nữ đại biểu phân tích trong suốt thời gian chống dịch, nhiều oạt động kinh tế bị chậm lại, nhưng phong trào tương thân tương ái đóng góp cho phòng chống dịch lại nở rộ khắp nơi.

Từ đó, bà cho rằng Covid-19 thực sự đã trở thành phép thử với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm của công dân.

“Những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngàng càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp nên quyết định của Đảng, Nhà nước trong tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là một quyết sách kịp thời và hợp lòng dân”, nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn đánh giá.

Bà kiến nghị Chính phủ giao các bộ triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp việc rà soát chính xác, nhanh chóng với các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Cho phép Chính phủ chủ động xử lý việc phát sinh trong chống dịch

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong phòng, chống dịch, có những việc chưa được quy định trong luật nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm