Sáng 21/7, sau quy trình nhân sự, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Trước khi thảo luận nội dung chính, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) dành thời gian chia sẻ về giải pháp phòng, chống dịch tại kỳ họp Quốc hội, đặc biệt với đại biểu các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Ông Ngân cho rằng 19 đoàn đại biểu Quốc hội phía Nam với khoảng 180 người hầu hết đã được tiêm chủng, đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong khu vực họp Quốc hội. Hơn nữa, đại biểu chỉ đến Quốc hội và quay về khách sạn nên đảm bảo an toàn.
Song, ông chia sẻ “vẫn cảm thấy chưa yên tâm” vì biến chủng Delta lây lan rất nhanh, có nhiều đường lây so với các biến chủng trước đây, trong đó có cả lây qua đường không khí. Vì thế, ông mong tất cả đại biểu Quốc hội chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K và quy định phòng, chống dịch.
Phải quan tâm hậu giám sát
Cho ý kiến vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với 4 chuyên đề Ủy ban TVQH đưa ra.
Theo ông, hai chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch rất cần thiết nên cần giám sát tối cao. Còn chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì giám sát chuyên đề.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Quốc hội giám sát 2 gói hỗ trợ 62.000 tỷ và 26.000 tỷ của Chính phủ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từ thực tiễn dịch Covid-19 xuất hiện từ năm 2020 và đến nay vẫn rất khốc liệt, đại biểu Ngân cho rằng dịch được dự báo có thể kéo dài, tái đi tái lại, kể cả ở các nước đã tiêm vaccine. Vì thế, bên cạnh thần tốc thực hiện chiến lược vaccine, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội là rất quan trọng.
Ông Ngân kiến nghị Quốc hội giám sát 2 gói hỗ trợ của Chính phủ về hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gồm gói 62.000 tỷ năm 2020 và gói 26.000 tỷ trong năm 2021.
Cùng với đó, các đoàn giám sát phải có kịch bản cho việc giãn cách, đi lại, bố trí nhân sự khi đi giám sát trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Nêu thực tế sau khi giám sát xong không biết đơn vị, địa phương thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào, vị đại biểu TP.HCM đề nghị lưu ý vấn đề hậu giám sát.
Đồng tình, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đề nghị khi lập chương trình giám sát phải quan tâm hậu giám sát, giao đơn vị, cá nhân cụ thể thực hiện để theo dõi, báo cáo Quốc hội xem các địa phương, đơn vị thuộc đối tượng giám sát đã làm ra sao, đạt kết quả gì.
“Nếu giám sát như lưỡi dao chặt xuống nước thì không ăn thua gì”, ông Kim ví von.
Nhấn mạnh giám sát tối cao của Quốc hội rất cần thiết, song ông Kim cho rằng cũng phải “liệu cơm gắp mắm” trong lựa chọn nội dung giám sát.
Vi phạm nhiều nhưng ít kiểm tra, giám sát
Có góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Quốc hội cân nhắc thay 2 chuyên đề giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Thay vào đó, ông đề xuất 2 chuyên đề mà theo ông, nhân dân rất bức xúc. Đầu tiên là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm, luận chuyển, điều động cán bộ.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề xuất giám sát việc bổ nhiệm, luận chuyển, điều động cán bộ và quản lý, sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Hải Quân. |
Dẫn câu chuyện thời sự một phó chủ tịch phường ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) với nhận thức cứng nhắc trong chống dịch đã xử phạt công dân đi mua bánh mì, chỉ vì cho rằng bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, ông Vân lo ngại về vị trí trụ cột của một phường như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước.
Một dẫn chứng khác ông nêu ra là vừa qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã phải loại một người trúng cử đại biểu Quốc hội vì không đủ tư cách, do có vi phạm rất nhiều năm trước đó.
“Điều đó cho thấy, công tác triển khai quy định về tổ chức nhân sự còn thiếu nhất quán và không chọn đúng người. Nếu giám sát chuyên đề nội dung này sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho Quốc hội, Chính phủ ‘sốc’ lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy”, ông Vân nêu quan điểm.
Chuyên đề thứ hai ông đề xuất Quốc hội giám sát là việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông Vân, thời gian qua vi phạm rất nhiều nhưng ít kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tài sản công ở trong các đơn vị được chuyển hóa bằng nhiều thủ đoạn. Ví dụ thông qua đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng để biến từ công sang tư.
Ông Vân cho rằng nếu giám sát hai nội dung này sẽ tạo động lực cho Quốc hội, Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Bình luận