Kết quả phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch cần triển khai thời gian tới được Quốc hội dành trọn ngày 25/6 để thảo luận trên hội trường.
Một ngày sau khi nghe Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo về tình hình dịch Covid-19, nhiều đại biểu Quốc hội đồng loạt đề xuất nhiều quyết sách mạnh mẽ để chống dịch.
Biện pháp đặc biệt chỉ được áp dụng để chống dịch
Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành với việc Quốc hội cần xem xét, quyết định, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ áp dụng một số biện pháp đặc biệt chưa từng quy định trong luật để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), nhìn nhận đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư kể từ cuối tháng 4 đến nay khiến nhiều người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều địa phương phải giãn cách xã hội. Vì vậy, việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), nhìn nhận đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư khiến nhiều người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Ảnh: Hồng Phong. |
Song vị đại biểu nhấn mạnh phải tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội giao Thủ tướng quyền quyết định áp dụng các biện pháp chưa có trong luật hoặc khác với quy định hiện hành, để chủ động, linh hoạt, kịp thời ứng phó với đại dịch chưa có tiền lệ hiện nay.
Nêu quan điểm về đề xuất bổ sung biện pháp chống dịch đặc biệt trong tình thế cấp bách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng đề xuất này là đúng đắn trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay.
Theo bà Mai, nhiều biện pháp có những điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách, tài chính quốc gia nhưng rất cần những cách thức đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong chống dịch.
Song bà lưu ý phạm vi của các biện pháp được đề xuất chỉ áp dụng với nhiệm vụ chống Covid - 19, cần khống chế thời hạn, xác định cụ thể trách nhiệm để tránh tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát cho ngân sách.
Quốc hội dành trọn ngày 25/7 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Hồng Phong. |
"Mọi kế hoạch dù có hay, hoàn hảo đến đâu vẫn cần những người có năng lực, phẩm chất để vận hành bộ máy. Người dân hy vọng bản lĩnh, trí tuệ Chính phủ được phát huy để điều hành, thực hiện được các nội dung của nghị quyết, hoàn thành các kế hoạch”, bà Mai nói và tin tưởng Chính phủ sẽ làm được điều đó.
Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận định “6 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn”. Do vậy, để có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của cả năm trước hết phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt. “Nấn ná, chậm một ngày là mất người, mất của và khó khăn sẽ theo cấp số nhân”, ông Lâm nhấn mạnh.
Khó khăn, thách thức đang bủa vây
Ghi nhận kết quả tăng trưởng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng qua, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và kế hoạch 2021-2025 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài.
Nhận định dịch Covid-19 kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại, nữ đại biểu góp ý Chính phủ, Quốc hội cần có chiến lược lâu dài để “sống chung với dịch bệnh” và sớm đưa tình trạng bình thường mới trở lại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) góp ý cần có chiến lược lâu dài để “sống chung với dịch bệnh” và sớm đưa tình trạng bình thường mới trở lại. Ảnh: Hồng Phong. |
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Tâm cho rằng bên cạnh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp để không đứt gãy chuỗi sản xuất, rất cần đảm bảo quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly để họ yên tâm sản xuất.
Song song với đó, phải đảm nguồn lực chống dịch lâu dài, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cần huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, xã hội.
Bà Tâm cũng kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 vì một số văn bản, quy định trong phòng chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, rất cần thay đổi để phù hợp với thời điểm hiện tại
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng nhận định năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường thời gian qua khá nhiều.
Từ thực tế đó, ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu giải pháp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn mà còn họ có khả năng phục hồi và bứt phá khi đại dịch đi qua.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định khó khăn, thách thức đang bủa vây do tác động của đại dịch Covid-19. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chia sẻ ba nhiệm kỳ liên tục tham gia Quốc hội nhưng chưa có nhiệm kỳ nào mà ngay ở kỳ họp thứ nhất đã tiếp cận những báo cáo, kế hoạch chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức lớn đến vậy.
Quốc hội họp khi dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng trước đó, theo ông Đồng, ảnh hưởng của dịch bệnh đã bào mòn cả sức khoẻ của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.
Ông dự báo tăng trưởng quý III khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn kế hoạch do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới, khiến triển vọng kinh tế Việt Nam cả năm 2021 trở nên kém lạc quan. “Dịch bệnh đợt 4 đang diễn biến rất phức tạp, có thể sẽ ngăn cản Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% năm nay”, ông Đồng nêu quan điểm.
Nhận định “khó khăn, thách thức đang bủa vây”, ông Đồng góp ý trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, ngay từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội có thể dùng một luật để sửa các quy định đang gây khó khăn cho công cuộc hồi phục kinh tế sau đại dịch.