116 học giả và 27 cựu quan chức ngoại giao từ 19 nước đã cùng ký tên vào lá thư kêu gọi chính phủ Trung Quốc trả tự do cho hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, theo South China Morning Post.
Lá thư nhấn mạnh "mối lo ngại sâu sắc" về ý định thật sự phía sau quyết định bắt giam các công dân Canada. Thư gửi ông Tập Cận Bình được ký bởi nhiều cựu đại sứ từng làm việc tại Trung Quốc, gồm các nước: Mỹ, Canada, Anh, Australia, Đức, Thụy Điển và Mexico. Lời kêu gọi còn nhận được sự ủng hộ của cựu ngoại trưởng Anh, Australia và hai cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ.
Michael Krovig (trái) và Michael Spavor bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vào tháng 12/2018, làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Ottawa. Ảnh: AFP. |
Kovrig, một cựu quan chức ngoại giao Canada, và doanh nhân Spavor đã bị giam giữ gần sáu tuần qua. Giới chức Trung Quốc cáo buộc hai người này tham gia "những hoạt động đe dọa an ninh quốc gia". Diễn biến này xảy ra vài ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, bị bắt giam ở Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Lá thư khẳng định ông Kovrig thường gặp gỡ công khai các quan chức, nhà nghiên cứu và học giả Trung Quốc với mong muốn hiểu rõ hơn về lập trường của nước này trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Trong khi đó, Spavor được mô tả đã "cống hiến thời gian cho nỗ lực xây dựng quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc, Canada, Mỹ và nhiều nơi khác".
Các học giả và cựu quan chức lo ngại việc hai ông Kovrig và Spavor bị bắt giam sẽ "gửi đi thông điệp rằng những nỗ lực xây dựng không được hoan nghênh mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro" tại Trung Quốc.
"Chúng tôi - những người cùng chia sẻ với Kovrig và Spavor mong muốn xây dựng những cầu nối quan hệ chân thành, bền vững và hiệu quả - giờ cần phải cẩn trọng hơn nhiều mỗi khi du lịch hay làm việc tại Trung Quốc, tiếp cận những đối tác người Trung Quốc", lá thư nhấn mạnh.
"Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm đối thoại và tăng sự hoài nghi, làm suy yếu những nỗ lực hạn chế bất đồng và nhận diện điểm tương đồng. Trung Quốc và thế giới sẽ chịu hệ quả tiêu cực".
Bà Mạnh Vãn Châu hiện được bảo lãnh tại ngoại. Thời hạn bắt giữ bà sẽ kết thúc vào ngày 30/1. Ảnh: Bloomberg. |
Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu (GPPI) ở Berlin, đánh giá sự ủng hộ rộng lớn dành cho lá thư cho thấy vụ bắt giữ Kovrig và Spavor "đã làm rúng động cộng đồng ngoại giao và nghiên cứu về Trung Quốc, đặc biệt là tại châu Âu".
"Các nhà ngoại giao và chuyên gia sốc trước thực tế rằng chính phủ Trung Quốc đã chọn bắt giữ tùy tiện hai cá nhân vốn dành sự nghiệp của mình chỉ để hiểu rõ hơn về Trung Quốc, xây dựng cầu nối giữa Trung Quốc và quê hương của họ", ông Benner nhận định.
Ông cho biết nhiều nhân vật ngoại giao bắt đầu cảm thấy lo sợ rủi ro bị bắt giữ nếu nước họ xảy ra bất đồng với Trung Quốc. "Nhiều người, trong đó có bản thân tôi, rất quan ngại khi Bắc Kinh sử dụng hình thức bắt con tin như một công cụ để thể hiện quyền lực", ông cho biết
"Với trường hợp hai công dân Canada, nhiều người lo Bắc Kinh muốn thị uy rằng: mọi quốc gia chắn đường Trung Quốc sẽ bị đáp trả tối đa cho đến khi nhân nhượng và chấp nhận những yêu cầu của họ", ông Benner cảnh báo.