Cửa mở và 7 phụ nữ lặng lẽ bước vào sảnh lộng lẫy của khách sạn Koryo tại thành phố Bình Nhưỡng. Khuôn mặt của họ vô cảm. Phần lớn nhóm phụ nữ trang điểm nhẹ hoặc không trang điểm, mặc áo khoác đen và đeo huy hiệu màu đỏ trên ve áo.
Một cô gái trong nhóm nhân viên nhà hàng Triều Tiên ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc khóc khi kể với CNN câu chuyện các đồng nghiệp trốn sang Hàn Quốc. Ảnh: CNN |
Nhóm phụ nữ, đều ở độ tuổi đôi mươi, đại diện cho những công dân mẫu mực nhất ở thủ đô của Triều Tiên. Họ xuất thân từ những gia đình có nền tảng tốt. Chính phủ Triều Tiên chọn họ để giao nhiệm vụ làm việc ở nước ngoài. Sứ mệnh của họ là kiếm tiền cho chính phủ.
Hồi đầu tháng 4, họ vẫn là những nhân viên phục vụ tại một nhà hàng của chính phủ Triều Tiên tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Giờ đây nhà hàng đã đóng cửa và cuộc sống của nhóm phụ nữ trở nên phức tạp theo cách khó tin.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ cha mẹ, đất nước và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Không ai trong chúng tôi muốn làm việc đó", Han Yun Hui, một cô gái trong nhóm, tâm sự.
Tuần trước người phát ngôn của chính phủ Hàn Quốc thông báo 12 phụ nữ và một nam giới Triều Tiên đào tẩu do "không chịu nổi áp lực từ chính quyền Triều Tiên" về việc gửi ngoại tệ về quê hương.
"Những người lao động ấy nói rằng họ biết thực tế tại Hàn Quốc thông qua các chương trình tivi, nhạc kịch, phim Hàn Quốc và Internet", ông Jeong Joon Hee, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói.
Ngay sau đó, hãng thông tấn KCNA dẫn lời người phát ngôn của Tổ chức Chữ Thập Đỏ Triều Tiên tuyên bố vụ đào tẩu thực chất là hành động "bắt cóc cả nhóm người lao động Triều Tiên giữa ban ngày".
Người quản lý nhà hàng lập kế hoạch đào tẩu
Giới chức Triều Tiên cho phép một nhóm phóng viên của CNN phỏng vấn 7 nữ nhân viên nhà hàng tại Bình Nhưỡng. Đây là lần đầu tiên họ nói chuyện công khai từ khi trở về từ Trung Quốc. Họ khẳng định người quản lý nhà hàng đã lừa 12 nữ nhân viên trốn bằng cách nói dối về điểm đến.
"Hồi giữa tháng 3, người quản lý nhà hàng tập hợp chúng tôi và nói rằng nhà hàng sẽ chuyển tới một nơi khác ở Đông Nam Á", Choe Hye Yong, người từng đứng đầu nhóm nhân viên phục vụ, kể.
Choe nói rằng, khi người quản lý tiết lộ với cô rằng họ sẽ tới Hàn Quốc, cô chỉ kịp cảnh báo vài nhân viên.
"Lúc ấy xe hơi đã đợi chúng tôi", Choe vừa nói vừa khóc.
Nhóm nhân viên nhà hàng cáo buộc người quản lý và một doanh nhân Hàn Quốc đã sắp đặt cuộc đào tẩu dưới sự chỉ đạo của giới chức từ Seoul.
"Tôi nghĩ họ lừa gạt và kéo các đồng nghiệp của chúng tôi sang Hàn Quốc để chịu đựng tình cảnh khốn quẫn ở đó. Ý nghĩa đó khiến chúng tôi đau khổ", Han Yun Hui, một cô trong nhóm, nhận định.
Để đáp trả, Bộ Thống nhất Hàn Quốc gửi một thông điệp tới CNN như sau: "13 người Triều Tiên tình nguyện rời khỏi Trung Quốc và trốn mà không nhờ tới bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Sau khi nhận thỉnh cầu tự nguyện của họ về việc đào tẩu, chính phủ chúng tôi chấp nhận họ vì quan điểm nhân đạo".
Phản ứng lạ của Trung Quốc
Nếu tuyên bố của Seoul chính xác, sự việc sẽ là đòn đau đối với giới lãnh đạo Triều Tiên, đặc biệt là khi Trung Quốc, đồng minh lớn nhất và cũng là đối tác thương mại thân thiết, cho phép việc đó xảy ra. Trước đây Trung Quốc thường đưa những người Triều Tiên đào tẩu về quê hương. Nhưng hôm 11/4, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bình luận công khai về vụ việc.
"Sau khi điều tra, chúng tôi kết luận 13 công dân Triều Tiên đã rời biên giới Trung Quốc với hộ chiếu hợp lệ vào sáng sớm ngày 6/4. Chúng tôi nhấn mạnh rằng tất cả những người đó có giấy tờ tùy thân hợp lệ và họ rời biên giới Trung Quốc theo đúng quy định của luật pháp", ông Lục nói.
Nhiều nhà phân tích tin rằng động thái của Trung Quốc có thể là dấu hiệu về tình trạng căng thẳng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Hiện tại chính phủ Triều Tiên đang đối mặt với sự cô lập tăng dần và những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc sau khi họ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa. Những cáo buộc về tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng mà Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng tức giận.
Khi phóng viên CNN hỏi Choe Hye Yong rằng cô muốn gửi thông điệp nào tới các đồng nghiệp vừa sang Hàn Quốc, người phụ nữ nói:
"Đồng chí Kim Jong Un đang mong tất cả các bạn trở về. Chúng tôi chờ các bạn và không thể ăn hay ngủ. Các bạn hãy cố gắng chịu đựng, giành chiến thắng và trở về đất nước chúng ta".
Sau khi gạt nước mắt, nhóm nữ nhân viên nhà hàng quay trở lại sảnh khách sạn và bước qua cánh cửa mà họ vừa bước qua. Cuộc sống của họ đã thay đổi mãi mãi. Giờ đây, họ phải đối mặt với áp lực của việc giải thích lý do khiến những đồng nghiệp của họ trốn và không trở lại.