Theo Bloomberg, sau khi bị buộc thôi học, Abdul Kareem kiếm sống bằng một vài nghề lặt vặt như sửa xe đạp. Sau đó, anh chuyển sang chở hàng bằng chiếc xe tải nhỏ để giúp gia đình thoát cảnh nghèo khó.
Với Abdul Kareem, công việc này là bước đệm giúp cả nhà có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng giấc mơ của anh tan tành khi dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Ấn Độ. Kareem mất việc và bị mắc kẹt tại ngôi làng ở miền bắc Uttar Pradesh với vợ và hai con.
Số tiền tiết kiệm ít ỏi của họ sớm cạn kiệt. Anh thậm chí không còn tiền để mua sách và đồng phục học sinh cho các con.
“Tôi chẳng biết gì về tình hình công việc ở Delhi khi chúng tôi quay trở lại. Tôi sẽ làm bất cứ thứ gì để gia đình mình không chết đói”, Kareem than thở.
Theo Ngân hàng Thế giới, ít nhất 49 triệu người trên toàn thế giới sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói với mức sống dưới 1,9 USD/ngày vì ảnh hưởng của đại dịch. Trong số đó, chỉ riêng Ấn Độ đã có đến 12 triệu người.
"Không chết vì virus mà chết vì đói”
Theo ước tính của Trung tâm Theo dõi Kinh tế Ấn Độ (CMIE), khoảng 122 triệu công dân nước này bị buộc thôi việc hồi tháng trước. Người lao động tự do nhận lương theo ngày hoặc làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nền kinh tế trượt dốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh cũng tạo ra rủi ro chính trị lớn đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi tái đắc cử hồi năm ngoái chủ yếu nhờ các chương trình xã hội hướng đến người nghèo, bao gồm cung cấp bình gas, điện và nhà ở công cộng.
Vết thương kinh tế mới này sẽ làm tăng áp lực lên chính phủ Ấn Độ khi tìm cách lèo lái nền kinh tế trở lại đúng hướng.
12 triệu người Ấn Độ sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói với mức sống dưới 1,9 USD/ngày. Ảnh: Bloomberg. |
“Phần lớn nỗ lực giảm nghèo của chính phủ Ấn Độ suốt những năm qua có thể bay hơi trong vỏn vẹn vài tháng. Nhiều người sẽ chết vì đói hơn vì virus”, Bloomberg dẫn lời ông Ashwajit Singh, Giám đốc điều hành IPE Global, nhận định.
Một nghiên cứu của Đại học Liên Hợp Quốc ước tính 104 triệu người Ấn Độ sẽ rơi xuống mức nghèo khổ, tức mức sống chỉ 3,2 USD/ngày. Điều này sẽ đưa tỷ lệ người nghèo đói tại quốc gia này từ 60%, tương đương 812 triệu người, lên 68%, tương đương 920 triệu người.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy Ấn Độ đã đạt những tiến bộ đáng kể và gần thoát khỏi tình trạng quốc gia có người dân nghèo nhất. Tuy nhiên, tác động của lệnh phong tỏa có khả năng xóa sạch thành tích này.
Sau báo cáo trên, tình hình của Ấn Độ ngày càng ảm đạm. Trung tâm Đổi mới Khu vực Xã hội Rustandy của Trường Kinh doanh Đại học Chicago đã phân tích dữ liệu thất nghiệp từ CMIE thông qua khảo sát trên khoảng 5.800 hộ gia đình tại 27 bang ở Ấn Độ.
Các chuyên gia nhận thấy khu vực nông thôn bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề nhất bởi lệnh phong tỏa. Hơn 80% hộ gia đình Ấn Độ bị giảm thu nhập và không còn cái ăn nếu không có viện trợ.
Chính phủ Ấn Độ hứa hẹn cho nông dân vay tiền với lãi suất thấp, trao tiền trực tiếp đến tay người nghèo và giúp họ tiếp cận các chương trình an ninh lương thực. Tuy nhiên, nhiều người nghèo nhất không có hồ sơ và không nhận được sự trợ giúp.
Tình hình an ninh lương thực ở Ấn Độ trở nên tệ hại với hàng triệu người nghèo khổ trên khắp cả nước. Hình ảnh người nghèo bới trái cây thối rữa, ăn lá cây được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông.
Tình hình an ninh lương thực ở Ấn Độ ngày càng tồi tệ. Ảnh: Bloomberg. |
Kinh tế suy yếu
Dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 25/3 làm đình trệ các hoạt động kinh tế, đẩy nền kinh tế trượt đến bờ vực suy yếu lần đầu tiên trong hơn 40 năm.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, Ấn Độ hiện là điểm nóng virus châu Á với số ca nhiễm vượt quá 151.000 người.
Thủ tướng Modi tuyên bố chính phủ sẽ chi 265 tỷ USD, tức khoảng 10% GDP, để giúp nền kinh tế thứ ba châu Á vượt qua cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, giới chuyên gia bình luận chỉ một phần nhỏ trong gói kích thích là kích thích tài khóa trực tiếp. Điều này là không đủ để bù đắp thiệt hại kinh tế trong thời gian phong tỏa.
Người lao động xa quê trở về làng vì dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg. |
“Điều đặc biệt đáng lo ngại là phản ứng của chính phủ Ấn Độ. Dịch bệnh sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng vốn đã sâu sắc tại Ấn Độ”, Bloomberg dẫn lời giáo sư kinh tế Reetika Khera tại Viện Công nghệ Ấn Độ nhận định.
Các biện pháp kinh tế sẽ không thể có hiệu quả ngay lập tức. Ngành công nghiệp có thể phải chật vật khởi động lại vì thiếu hụt lao động.
“Không có nhà máy hay các ngành công nghiệp, ở đây chỉ có những ngọn đồi”, Surendra Hadia Damor, một người lao động mất việc, tuyệt vọng. Anh đã đi gần 100 km từ Ahmedabad, Gujarat, trước khi một tổ chức tình nguyện đưa anh trở về làng.
“Chúng tôi chỉ có thể sống sót trong một hoặc hai tháng trước khi tìm được một công việc khác gần đây”, anh nói thêm.