Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mất việc vì Covid, 11 triệu dân châu Á có thể rơi vào cảnh nghèo đói

Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cảnh báo Covid-19 có thể thổi bay thành quả xóa nghèo đói trong suốt hai thập kỷ qua tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đại dịch Covid-19 đang đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái nghiêm trọng. Đây là nhận định của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm ở các nước đang phát triển.

that nghiep,  Covid-19,  ngheo doi anh 1

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hơn 2 triệu người nhiễm trên toàn cầu. Ảnh: Straist Times.

Theo Vivek Pathak, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC, kể từ cuối tháng 1 năm nay, 96 tỷ USD đã bị thổi bay khỏi các nền kinh tế mới nổi châu Á, và ngành du lịch - động lực tăng trưởng chính của Campuchia, Fiji và một số quốc gia khác trong khu vực - “đang tiến dần đến cửa tử”.

“Mối quan tâm lớn nhất hiện tại của chúng tôi là tình trạng thất nghiệp”, Pathak nói với tờ South China Morning Post. “Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, sẽ có tới 11 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo”.

11 triệu người này sẽ nằm trong số 24 triệu người mà Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính không thể thoát khỏi tình trạng nghèo đói bởi dịch bệnh tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm nay.

Covid-19, còn được biết đến là virus corona chủng mới SARS-CoV-2, đã khiến hơn 2 triệu người nhiễm trên toàn cầu và buộc chính phủ nhiều nước phải ra lệnh phong tỏa các thành phố nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 137.000 người chết vì dịch bệnh này.

Hôm 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định thế giới đang đối mặt cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng những năm 1930 và vượt qua mức suy giảm kinh tế và thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

“Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi một phần trong năm 2021, nhưng tăng trưởng GDP ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh. Và viễn cảnh tồi tệ hơn hoàn toàn có thể xảy ra”, Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, nhận định trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất.

Riêng tại Mỹ, khoảng 22 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 4 tuần qua. Charles Dumas, nhà kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu độc lập TS Lombard, nhận định tình trạng dịch bệnh tại các quốc gia đang phát triển ngoài Trung Quốc - nơi phát hiện ca nhiễm virus đầu tiên vào cuối năm ngoái - đang diễn tiến chậm hơn ít nhất ba tuần so với các nước đang phát triển.

“Điều kiện tiên quyết then chốt trong việc đánh bại virus tại các nền kinh tế mới nổi vẫn còn vài tuần nữa - thậm chí vài tháng”, Dumas cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 15/4. “Ẩn số lớn nhất là các quốc gia này sẽ ứng phó trong giai đoạn đó ra sao”.

Trong khi đó, Pathak, Giám đốc khu vực của IFC, cho biết các nhà sản xuất tại châu Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề. “Chuỗi cung ứng sản xuất phức tạp và đa dạng đã khiến hầu hết lĩnh vực chịu ảnh hưởng”, Pathak nói. Ông lấy ví dụ về việc gián đoạn vận chuyển do virus khiến các nhà sản xuất dệt may đang đối mặt với lượng hàng tồn kho khổng lồ.

IFC có kế hoạch bơm 8 tỷ USD cho nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại cá nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Được công bố vào tháng 3, loạt chương trình của IFC sẽ cấp khoảng 6 tỷ USD cho các ngân hàng và trung gian tài chính để hỗ trợ khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Việt Nam, tháng trước, IFC đã nới giới hạn tín dụng thương mại thêm 294 triệu USD cho 4 ngân hàng để họ có thể tiếp tục cấp khoản vay cho các công ty gặp khó khăn.

IFC cũng sẽ cấp thêm tín dụng 2 tỷ USD cho các công ty trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng như các công ty đang hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong lĩnh vực y tế. Khoản vốn hỗ trợ này sẽ được cấp dưới dạng khoản vay hoặc đầu tư cổ phần.

Phương Ly

Bạn có thể quan tâm