Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

12 giờ ác mộng tại sân bay lớn nhất châu Âu

Hàng chục chuyến bay bị hủy và trì hoãn khiến nhiều hành khách ở sân bay Heathrow, London, phải chờ đợi trong mệt mỏi, một số bị thất lạc hành lý nhưng không được giải quyết.

tac nghen tai san bay anh 1

Hành khách ở sân bay Heathrow, London. Ảnh: Wall Street Journal.

Vào lúc 5h30, bảng thông tin ở sân bay Heathrow đang nhấp nháy với hàng trăm chuyến bay theo đúng lịch trình. Chưa đầy vài giờ sau, sân bay lớn nhất châu Âu này chật kín hành khách chen chúc nhau, cố gắng đến quầy bán vé hay tìm kiếm hành lý.

Đến đầu giờ chiều, nhiều du khách bị mất đồ đạc mắc kẹt bên ngoài một văn phòng xử lý hành lý thất lạc, đang đóng cửa dù không có một lời giải thích.

Ngày hôm đó, các hãng hàng không đã hủy tất cả 23 chuyến bay, tương đương 2% tổng số chuyến bay đến và đi từ sân bay Heathrow. Gần 1/3 số chuyến bay cũng bị hoãn.

Đây là tình trạng thường thấy ở các sân bay quốc tế trong mùa hè này. Du khách đổ xô đến sân bay, háo hức được lên máy bay lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, rồi thất vọng vì trải qua những giờ đồng hồ chờ đợi đầy mệt mỏi.

"Không thể chấp nhận được"

Các hãng hàng không và sân bay đang phải vật lộn để thuê nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ hiện tại. Hôm 13/7, Heathrow, một trong những sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới, cho biết họ sẽ giới hạn số hành khách di chuyển qua các nhà ga và yêu cầu các hãng hàng không ngừng bán vé khởi hành từ sân bay này, trong thời gian còn lại của mùa hè.

“Vài tuần qua, chúng tôi đã thấy tình trạng dịch vụ giảm xuống mức không thể chấp nhận được”, Giám đốc điều hành sân bay Heathrow John Holland-Kaye cho biết hôm 12/7.

tac nghen tai san bay anh 2

Hàng người chờ đợi ở sân bay Heathrow. Ảnh: Wall Street Journal.

Các sân bay đã kêu gọi hành khách không đến quá sớm để tránh làm tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Nhưng chỉ vài phút sau 5h sáng 5/7, một chuyến tàu nhanh từ trung tâm London đến sân bay này đã chật kín người.

45 phút sau, loa của sân bay thông báo một trong những chuyến bay đầu tiên bị hủy của hãng Turkish Airlines đến Istanbul. Đến 9h, số chuyến bay bị hoãn đã lên đến 21. Hàng người chờ đợi ở khắp mọi nơi.

“Đây là điều bình thường mới”, một nhân viên sân bay Heathrow cho biết. Cô nói thêm rằng vào cuối tuần qua, hàng người kiểm tra an ninh kéo dài qua cả khu vực làm thủ tục, ra bên ngoài nhà ga.

Carla Leone, một sinh viên 20 tuổi chuẩn bị trở về nhà ở San Francisco, đang xếp hàng chờ làm thủ tục. Cô đã ở Copenhagen một ngày trước đó, khi các phi công của hãng hàng không lớn nhất Scandinavia SAS tổ chức đình công. SAS sau đó cho biết sẽ cắt giảm 50% số chuyến bay mỗi ngày do cuộc đình công.

“Mọi người đang chụp ảnh đám đông”, Leone nói về Copenhagen. “(Chúng tôi) không thể biết dòng người kết thúc hoặc bắt đầu từ đâu”.

Tình trạng hỗn loạn

Các sân bay đã đổ lỗi sự thiếu hụt nhân viên gây ra tình trạng hỗn loạn. Các hãng hàng không châu Âu bắt đầu thuê lại tất cả nhân viên mà họ đã cho nghỉ việc trong suốt đại dịch.

Sân bay Heathrow cũng tăng cường tuyển dụng từ tháng 11/2021, dự kiến đảm bảo đủ số lượng nhân viên an ninh giống như trước đại dịch vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, nhiều nhân viên chưa được đào tạo đầy đủ và những thiếu sót, đặc biệt trong quá trình vận hành trên mặt đất, vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.

Đến 11h, số chuyến bay trễ giờ ở Heathrow đã tăng lên 52. Tại khu vực nhận hành lý, đồ đạc được xếp la liệt gần băng chuyền và trên sàn. Hành khách cho biết tình trạng tồn đọng hành lý ở đây là điều tồi tệ nhất họ từng thấy.

tac nghen tai san bay anh 3

Hành lý ngổn ngang ở sân bay Heathrow hôm 18/6. Ảnh: Twitter.

Trong khi đó, Victoria Hammersten đang chờ nói chuyện với nhân viên tại quầy hành lý thất lạc của Heathrow ở nhà ga số 2 lúc 13h. Tuy nhiên, nhân viên đã đóng cửa văn phòng mà không hề giải thích.

Cô gái 23 tuổi này đã lỡ chuyến bay từ Oslo đến London một ngày trước đó vì sự chậm trễ khi làm thủ tục và kiểm tra an ninh. Hammersten đã cố gắng lên một chuyến bay khác vào cuối ngày hôm đó, nhưng hành lý của cô đã biến mất.

Cô đã từ bỏ hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ nhân viên sau 4 giờ chờ đợi, đó là lúc 17h.

Heathrow bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hành lý hỗn loạn. Cơ sở này đã gặp sự cố băng chuyền vào tháng 6, buộc phải lưu trữ hàng trăm hành lý ở phòng chờ bên ngoài khu vực đón hành khách. Băng chuyền đã được sửa chữa, nhưng sự cố này khiến nhiều hành khách không lấy được hành lý suốt nhiều tuần.

Trong đó có Siebe Schoneveld, 23 tuổi và bạn gái Milena Rendon, 22 tuổi. Họ đang ở Heathrow cố gắng tìm câu trả lời về những chiếc vali bị mất 3 tuần trước đó, khi Rendon có chuyến đi từ Mexico đến Đức. Sau đó, cô đã bay đến London, nơi hãng hàng không cam kết sẽ trả lại những chiếc túi bị thất lạc.

Cặp đôi đã gọi cho hãng hàng không mỗi ngày, nhưng không gặp may mắn. “Tôi không còn nhiều niềm tin”, Schoneveld nói.

Trong khi đó, Ttiana Chapire, 44 tuổi, đang đi du lịch từ London đến San Francisco cùng với hai con trai nhỏ. Chuyến bay của cô đã bị hoãn 2 giờ vì những gì được thông báo là vấn đề về nhân lực.

“Chúng tôi thấy (các chuyến bay bị hoãn) ở khắp mọi nơi”, Chapire nói. Tháng trước, gia đình cô cũng phải chờ 7 giờ để lên chuyến bay đến Bồ Đào Nha.

Sự chậm trễ và hủy chuyến tại Heathrow bắt đầu tăng lên sau 14h, hàng người làm thủ tục, gửi hành lý và kiểm tra an ninh ngày càng dài hơn.

British Airways đã hủy 16 chuyến bay đến và đi trong ngày hôm đó - một phần kế hoạch cắt giảm mà hãng đồng ý thực hiện để giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại sân bay.

Eurowings cũng hủy chuyến bay khứ hồi giữa London và Hamburg, vì một thành viên phi hành đoàn gặp vấn đề về sức khỏe và không còn người thay thế.

Ông Rick Delaney, 51 tuổi, người Canada, đang ở sân bay Heathrow để chuẩn bị đến Italy cùng một nhóm gia đình khác. Chuyến đi dài 11 ngày ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 3/2020. Giờ đây, cả nhóm đã bỏ lỡ 2 ngày ở Venice và một ngày ở Florence, do bị hủy chuyến và lỡ chặng bay nối.

Họ đã thức suốt 30 giờ đồng hồ để tìm đường đến Italy. “Thành thật mà nói, tôi không biết chúng tôi sẽ đi đến đâu vào tối nay”, ông chia sẻ. "Nếu có thể về nhà ngay bây giờ, tôi nghĩ tôi sẽ chấp nhận lựa chọn đó".

Các sân bay ở Mỹ kẹt cứng

Kỳ nghỉ cuối tuần dịp quốc khánh đang khiến các sân bay Mỹ kẹt cứng với lượng khách đông nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu tại nước này vào năm 2020.

Cơn ác mộng hành lý chồng chất tại sân bay khắp thế giới

Hành lý chồng chất ở các sân bay từ Canada đến châu Âu đang thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng thêm nhân viên mặt đất và làm tăng thêm sự hỗn loạn vốn có của mùa du lịch hè.

Hải Linh

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm