Chuyên gia cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia khoanh vùng địa điểm được cho là nơi QZ8501 có thể rơi. Ảnh: AP |
1. Điều gì đã xảy ra với chuyến bay QZ8501?
Chiếc Airbus A320-200 cất cánh rời sân bay ở Surabaya, Indonesia, vào sáng 28/12 lúc 5h36 (giờ địa phương), chở 155 hành khách và 7 phi hành đoàn. Điểm đến là Singapore, với hành trình bay hơn 2 tiếng. Sau đó chưa đầy 1 tiếng, một phi công nói với đài không lưu (ATC) ở Indonesia rằng anh muốn thay đổi lộ trình và bay cao hơn để tránh thời tiết xấu. Vài phút sau, tín hiệu của máy bay biến mất trên màn hình radar của ATC.
Lúc 7h55 (giờ địa phương), giới chức Indonesia chính thức tuyên bố chuyến bay 8501 mất tích. Vị trí cuối cùng được ghi nhận của nó là ở biển Java, giữa đảo Belitung và Borneo.
2. Nếu phi công yêu cầu bay cao hơn, vì sao ATC không hướng dẫn lộ trình khác?
ATC đã chấp thuận đề nghị rẽ trái của cơ trưởng, nhưng không cho phép bay cao hơn (từ 32.000 feet lên 38.000 feet) do có một máy bay khác đang bay ở độ cao này.
Ông Djoko Murjatmodjo, Cục trưởng Cục hàng không thuộc Bộ Giao thông Indonesia, cho biết cơ trưởng của chuyến bay QZ8501 vẫn nâng độ cao của máy bay bất chấp ATC không cho phép.
Người thân đau đớn chờ tin các hành khách trên chuyến bay QZ8501. Ảnh: Xinhua |
3. Liệu có yếu tố khủng bố trong vụ mất tích?
Đến nay cả chính quyền Indonesia lẫn các chuyên gia hàng không đều chưa đề cập đến giả thiết một vụ không tặc xảy ra. Ông Geoffrey Thomas, một chuyên gia hàng không, nói trên CNN rằng dữ liệu màn hình mà một nhân viên ATC ở Indonesia tiết lộ cho thấy QZ8501 đã tăng độ cao nhưng mất dần tốc độ tới mức quá chậm để duy trì bay.
4. Liệu máy bay có thể hạ cánh an toàn xuống nước?
Các chuyên gia cho rằng vẫn có khả năng cơ trưởng trên chuyến bay QZ8501 đã lèo lái phi cơ hạ cánh trên mặt nước an toàn như sự việc của máy bay hãng US Airways trên sông Hudson nổi tiếng năm 2009. Các máy bay A320 của hãng Airbus được xây dựng để có thể trở thành những thuyền nổi. "Nếu họ hạ cánh an toàn trên mặt nước, nhiều khả năng máy bay sẽ có thể nổi", Alan Diehl, cựu sĩ quan không quân và là nhà điều tra cơ quan an toàn vận tải Mỹ, nói trên CNN.
Tuy nhiên, chuyên gia Christine Dennison không lạc quan về khả năng máy bay hạ cánh trên biển an toàn. Bà hy vọng đội tìm kiếm sẽ tìm thấy một số người sống sót.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia, Bambang Sulistyo, thừa nhận vào ngày 29/12 rằng máy bay có thể "đã chìm xuống đáy biển".
5. Phi công trên QZ8501 có phải "tay non"?
Hãng AirAsia khẳng định cơ trưởng lái trên QZ8501 đã có kinh nghiệm hơn 20.537 giờ bay, trong đó có 6.100 giờ điều khiển chiếc Airbus A320 của AirAsia Indonesia. Phi công phụ lái cũng có kinh nghiệm 2.275 giờ bay. Tất cả những con số này đều là số liệu ấn tượng đối với các phi công.
Ông Iriyanto, cơ trưởng của chuyến bay QZ8501, là một phi công giàu kinh nghiệm. Ảnh: Daily Mail |
6. Những điểm tương đồng và khác biệt trong 2 vụ mất tích MH370 và QZ8501 là gì?
Điểm giống nhau chung là cả 2 máy bay đều đột ngột ngừng liên lạc với ATC, sau đó tín hiệu biến mất khỏi màn hình, dấy lên cuộc tìm kiếm quy mô quốc tế.
Bên cạnh đó là những khác biệt cơ bản: (1) phi công trên MH370 không thông báo thay đổi lộ trình bay như QZ8501; (2) biển Java, vùng biển mà máy bay của AirAsia Indonesia gặp nạn, nông hơn là vùng biển phía nam của Ấn Độ Dương là nơi các nước đang nỗ lực tìm kiếm MH370.
7. Khủng hoảng QZ8501 áp dụng những bài học gì rút ra từ vụ MH370?
Bài học chính là vấn đề truyền thông. Khi xảy ra vụ MH370, chính phủ Malaysia bị chỉ trích vì đưa ra những thông tin nhầm lẫn và mâu thuẫn. Người nhà các nạn nhân giận dữ về cách đối xử mà họ nhận được.
Trong sự việc QZ8501, cả chính phủ lẫn hãng hàng không đều tỏ ra sốt sắng và phối hợp nhịp nhàng. Tổng giám đốc AirAsia, ông Tony Fernandes, ngay lập tức thông báo công ty sẽ quan tâm đến từng người nhà của các hành khách và phi hành đoàn.
Cuộc tìm kiếm QZ8510 cũng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Indonesia sớm phát động tìm kiếm và được sự trợ giúp đắc lực từ các tàu hải quân của Malaysia, Singapore và Australia.
8. Nếu điều kiện thời tiết tương tự xảy ra ở Mỹ, liệu các hãng có tiếp tục bay?
Cựu tổng thanh tra Bộ Giao thông Mỹ và hiện là chuyên gia hàng không của CNN, Mary Schiavo, khẳng định: "Các chính phủ trao quyền quyết định cho các hãng hàng không. ATC không đóng cửa làn bay hay đóng cửa hàng lang bay". Theo Schiavo, tất cả những hãng hàng không đều có bộ phận nghiên cứu khí tượng để giúp phi công đưa ra quyết định.
Les Abend, một cựu phi công từng điều khiển Boeing 777, nói: "Các phi công luôn cố gắng tránh điều kiện những cơn giông bão có sấm sét. Nhưng điều không may là những hạn chế lộ trình, các máy bay khác cũng hoạt động xung quanh và hạn chế độ cao khiến các chuyến bay không thể đi vòng đủ xa như mong muốn".
Đội tìm kiếm của Indonesia trong ngày tìm kiếm QZ8501 thứ hai. Ảnh: AP |
9. Nếu radar theo dõi máy bay, tại sao chúng ta không biết nó đi đâu sau khi hạ độ cao?
Theo ông Abend, "chúng ta có thể biết được những thông tin này, nhưng chúng cần thời gian phân tích".
Ông Sulistyo, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia, thừa nhận vào ngày 29/12 rằng những thông tin theo dõi lộ trình máy bay cho thấy có khả năng phi cơ của AirAsia Indonesia đang ở dưới đáy biển.
Peter Goelz, cựu quan chức Ủy ban an toàn giao thông Mỹ (NTSB) nói: "Họ đã có hơn 24 giờ thu thập mọi dữ liệu radar từ các nguồn, từ đó kết hợp các dữ liệu này cùng dữ liệu vệ tinh để đưa ra định vị chính xác địa điểm tìm kiếm".
10. Tại sao bộ ghi âm trong buồng lái không thể hoạt động ngay thời điểm sự cố?
"Đây là vấn đề chi phí. Chúng ta thực sự có vấn đề về việc truyền tải dữ liệu dưới hình thức ADS-B (phương tiện mà máy bay có thể tự động phát và nhận dữ liệu về nhận dạng, vị trí) thông qua vệ tinh", ông Aben nói. Nhưng không phải tất cả hãng hàng không đều sử dụng dịch vụ này. Những người lo ngại viện dẫn một số nguyên nhân, như chi phí cao, giới hạn đường truyền, các vấn đề an ninh, riêng tư và làm cồng kềnh bộ máy.
Vụ mất tích của MH370 dấy lên yêu cầu các hãng phải cải thiện việc theo dõi trong chuyến bay. Trong báo cáo sơ bộ về MH370, cơ quan hàng không Malaysia khuyến nghị ICAO tuyên bố áp dụng tiêu chuẩn theo dõi chuyến bay trong suốt hành trình đối với mọi chuyến bay thương mại.
Một người dân Ấn Độ cầu nguyện cho chuyến bay QZ8501. Ảnh: AFP |
11. Có bao nhiêu vụ máy bay mất tích bí ẩn?
Những tình huống máy bay mất tích rất hiếm. Tuy nhiên, một số vụ việc vẫn chưa có lời giải đáp trong nhiều thập kỷ qua. Điển hình là vụ mất tích của máy bay Boeing 727 sau khi cất cánh từ thủ đô Luanda của Angola, đến nay người ta vẫn chưa biết nó ở đâu.
Trường hợp thứ 2 là vụ tai nạn của chuyến bay 990 của hãng hàng không EgyptAir ở bờ biển bang Massachusetts năm 1999 khiến 217 người thiệt mạng. Các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích thống nhất về nguyên nhân tai nạn.
Bên cạnh đó, nhiều thuyết âm mưu nổi lên về việc chuyến bay TWA800 của hãng Trans World Airlines nổ tung giữa bầu trời thành phố New York năm 1996 bất chấp một cuộc tìm kiếm chính thức đã diễn ra.
12. Tai nạn xảy ra liên tiếp, hàng không châu Á có còn an toàn?
Dù năm 2014 chứng kiến nhiều thảm kịch hàng không xảy ra, những các chuyên gia khẳng định đây vẫn là hình thức vận chuyển an toàn nhất. Cơ quan dữ liệu tai nạn hàng không (Geneva, Thụy Sỹ) cho biết số vụ tai nạn máy bay trong năm 2014 ở mức thấp nhất kể từ cuối thập niên 1920 đến nay. Cơ quan này cho biết 111 máy bay gặp nạn trong năm 2014, thấp hơn 139 vụ so với năm ngoái.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo một tin xấu khác: nếu hành khách trên QZ8501 đã thiệt mạng thì số người tử vong năm 2014 đến 1320 người, con số cao nhất trong 9 năm qua.