Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những diễn biến chính vụ QZ8501 sau gần 2 ngày mất tích

Chuyến bay QZ8501 đã mất tích hơn 36 giờ (từ khoảng 8 giờ sáng ngày 28/12). Các chuyên gia hàng không tin rằng việc tìm kiếm lần này sẽ không phức tạp như sự việc MH370.

qq
Chuyên gia Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia khoanh vùng tìm kiếm QZ8501 trên bản đồ. Ảnh: AP

Tìm QZ8501 sẽ không phức tạp như MH370

So với vụ mất tích của MH370, các chuyên gia hàng không chỉ ra hai điểm tương đồng cơ bản: tín hiệu máy bay đột ngột mất tích khỏi màn hình, phi công không thông báo với đài kiểm soát để cập nhật tình hình. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản là tín hiệu lần cuối của QZ8501 thu được khi máy bay còn trong không phận Indonesia, trong khi MH370 biến mất vào thời điểm sắp đi vào không phận Việt Nam. 

Ngoài ra, bộ phát tín hiệu trên MH370 khi đó được cho là có người cố ý tắt. Do vậy, một trong những giả thiết nổi cộm hồi tháng 3/2014 là có thể chuyến bay đã bị không tặc. 

Giả thiết này không nảy sinh trong trường hợp QZ8501, mà các quan chức đề cập nhiều đến yếu tố thời tiết xấu. Điều này được củng cố một phần do tin nhắn cuối cùng của cơ trưởng QZ8501 là yêu cầu chuyển hướng bay để tránh thời tiết xấu. Trong khi đó, lời cuối cùng của phi công trên MH370 chỉ là "chúc ngủ ngon", cho thấy tình hình máy bay có vẻ bình thường. 

Tờ Straits Times cho biết khu vực tìm kiếm chủ yếu ở vùng biển Java, giữa đảo Borneo và phía nam Sumatra là nơi thu được tín hiệu radar lần cuối của QZ8501 trước khi nó biết mất. Khu vực này cũng là nơi mà các ngư dân báo cáo những thông tin khác nhau có thể liên quan đến chiếc máy bay.

Trong ngày 29/12, đội tìm kiếm quyết định mở rộng khu vực về hướng bắc so với ngày đầu. Mực nước biển ở khu vưc này không sâu, khoảng 40 - 50 mét. Đây là một trong những điểm chính để các chuyên gia tin rằng công tác tìm kiếm mảnh vỡ của QZ8051 (nếu có) sẽ không phức tạp và kéo dài như vụ MH370 (vốn được xác định là có thể rơi ở giữa lòng Ấn Độ Dương). Tuy nhiên, Phó tổng thống Indonesia, ông Jusuf Kalla, nói tìm kiếm máy bay mất tích trong điều kiện thời tiết xấu trên biển là việc không dễ.


Lực lượng tìm kiếm hùng hậu

Ngày 29/12, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia đã thừa nhận chiếc Airbus A320 của hãng AirAsia Indonesia có thể "đã rơi xuống đáy biển". Cuộc tìm kiếm quy mô quốc tế do Indonesia dẫn đầu, với sự tham gia trợ lực hiện tại chủ yếu là từ Singapore với 2 máy bay C-130 và 2 tàu và Malaysia cử 1 máy bay C-130 và 3 tàu. Ngoài ra còn có Australia điều một máy bay giám sát AP-3C Orion. Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ với Indonesia. 

Khoảng 16h ngày 29/12, máy bay Australia thông báo phát hiện vật thể lạ gần hiện trường tìm kiếm. Tuy nhiên giới chức Indonesia nhanh chóng khẳng định đây không phải mảnh vỡ từ máy bay Airbus A320-200 mất tích.

Trước đó, người phát ngôn không quân Indonesia cho biết đội tìm kiếm đã phát hiện "vệt dầu loang" nhưng chưa thể xác định nó từ thùng chứa nhiên liệu của máy bay mất tích hay do dầu từ các tàu hoạt động trong khu vực.

Một điểm đáng chú ý trong cuộc tìm kiếm QZ8501 lần này so với MH370 là sự kết hợp nhịp nhàng và thông điệp xuyên suốt giữa chính quyền Indonesia và hãng hàng không AirAsia, theo CNN.

Trong khi đó, vào những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, chính phủ Malaysia và hãng Malaysia Airlines thường đưa ra những thông tin mâu thuẫn. "Điều mà ông Fernandes (tổng giám đốc AirAsia) đang nỗ lực hiện tại là điều mà Malaysia Airlines không làm được, đó là công khai thông tin minh bạch và thừa nhận đây là một tình huống tồi tệ", CNN nhận định.

Việc tìm kiếm đang phải tạm dừng lần thứ hai và sẽ được khôi phục vào ngày mai.

Vùng biển nơi QZ8501 mất tích có gì khác biệt?

Vùng biển Java, nơi chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia mất tích bí ẩn, là khu vực biển nông song nhiều vụ tai nạn tàu và máy bay từng xảy ra tại đây.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm