Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vùng biển nơi QZ8501 mất tích có gì khác biệt?

Vùng biển Java, nơi chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia mất tích bí ẩn, là khu vực biển nông song nhiều vụ tai nạn tàu và máy bay từng xảy ra tại đây.

Thành viên đội tìm kiếm và cứu hộ Indonesia chuẩn bị trước khi tới khu vực tìm kiếm ở biển Java. Ảnh: Xabryna Kek

Chuyến bay QZ8501 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu tại khu vực giữa đảo Kalimantan và đảo Java, thuộc vùng biển Java, Indonesia hôm 28/12. Theo thông tin về hoạt động tìm kiếm, Singapore đã cử 4 tàu hải quân cùng một máy bay C-130 tới khu vực nghi vấn. Malaysia cũng đưa 3 tàu hải quân vùng một máy bay vận tải C-130 Hercules đến tìm QZ8501. Indonesia cũng cử ít nhất 7 tàu từ Jakarta cùng trực thăng ở căn cứ không quân trên đảo Kalimantan tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Tờ Straits Times đã đưa ra 5 điều cần biết về khu vực biển nơi máy bay của hãng AirAsia mất tích. Thứ nhất, biển Java là một phần của khu vực phía tây Thái Bình Dương, giữa hai đảo Java và Borneo của Indonesia. Phía đông, nó giáp biển Bali, phía tây giáp đảo Sumatra, phía nam giáp đảo Java và phía bắc giáp đảo Borneo. Biển Java thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Sunda.

Thứ hai, khu vực biển Java là vùng nước nông, độ sâu trung bình khoảng 46 m. Tổng diện tích bề mặt của khu vực này vào khoảng 414.000 km vuông. Thứ ba, khu vực này chủ yếu chịu ảnh hưởng của kiểu khí hậu gió mùa. Mùa mưa thường diễn ra vào khoảng giữa của trung tuần tháng 12 và tháng 3. Gió mạnh, mưa nhiều và kéo dài là đặc trưng của mùa này. Mùa khô tại biển Java thường từ tháng 6 đến tháng 9 trong năm.

 

Java là vùng biển nông nhưng nhiều tai nạn máy bay và tàu thuyền từng xảy ra tại khu vực này. Ảnh: redbubble.com

Thứ tư, Java là vùng biển nông song nhiều tai nạn máy bay và tàu từng xảy ra tại khu vực này. Năm 1981, 580 người thiệt mạng khi tàu chở khách Tamponas II, Indonesia bốc cháy và đắm tại khu vực biển Java. Chưa dừng ở đó, tháng 12/2006 hơn 400 người cũng bỏ mạng tại một vụ đắm tàu tại đây. Tháng 1/2007, một máy bay của hãng Adam Air mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu khi đang bay trên khu vực biển Java. Chiếc máy bay Boeing 737-400, chở 102 người, chủ yếu mang quốc tịch Indonesia, đang trên hành trình từ thành phố Surabaya tới thành phố Manado. Sau đó 10 ngày, người ta tìm thấy mảnh vụn của máy bay tại khu vực ngoài khơi bờ biển phía tây Sulawesi, Indonesia. Kết quả điều tra cho thấy các phi công đã vô tình tắt hệ thống lái tự động khi đang cố khắc phục một lỗi khác. Hai năm sau, một tàu cũng bốc cháy giữa biển Java khi nó chở 350 hành khách và phi hành đoàn. Tuy nhiên, mọi người đều an toàn sau sự cố. 

Điều cuối cùng trong 5 điều mà Straits Times chỉ ra đó là phế tích của những tai nạn trên. Xác tàu đắm vẫn hiện diện tại khu vực biển Java, biến nơi đây thành điểm lặn nổi tiếng cho các du khách. Biển Java cũng là nơi chứng kiến trận thủy chiến hao tiền tốn của nhất trong Thế chiến II, trận chiến biển Java. Lực lượng hải quân của Hà Lan, Anh, Australia và Mỹ gần như bị tiêu diệt khi họ cố gắng bảo vệ đảo Java khỏi sự tấn công của Phát xít Nhật.

Indonesia triển khai máy định vị dưới nước, truy tìm QZ8501

Sau khi một quan chức Indonesia cho rằng chuyến bay QZ8501 của AirAsia có thể đã rơi xuống đáy biển, hệ thống định vị dưới mặt nước được huy động để tìm kiếm các mảnh vỡ máy bay.

Nguyễn Thái

Bạn có thể quan tâm