Đồng thời, HNBVN cũng thông tin về sự kiện khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Tham dự và chủ trì cuộc họp báo có các ông: Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải BCQG; Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, Trưởng Ban Thư ký Tổng hợp giải BCQG...
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải BCQG lần thứ XIV, cho biết các tác phẩm đã phản ánh kịp thời, đậm nét những sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019 như:
Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng giải BCQG phát biểu tại họp báo. Ảnh: Sơn Hải/Nhà báo & Công luận. |
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2019; các hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam trong năm 2019; các vấn đề xử lý cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, quản lý giáo dục, nạn tín dụng đen; những đề tài truyền thống lịch sử, văn hoá, an ninh, quốc phòng; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; những vấn đề mới xây dựng đô thị thông minh, Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động của cuộc sống…
“Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm. Các tác phẩm được chọn vào chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội”, nhà báo Hồ Quang Lợi đánh giá.
Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng cho biết bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục, nhất là về chất lượng. Các tác phẩm báo in tham dự giải chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Nhóm bình luận còn thiếu dấu ấn, một số bài chuyên sâu chưa sâu, tính chuyên luận chưa cao; thể loại ký báo chí còn ít.
Tại buổi họp báo, các đồng chí chủ trì đã trả lời giải đáp đầy đủ, chi tiết các câu hỏi mà phóng viên đặt ra xung quanh chất lượng giải, những điểm mới, ưu điểm cũng như hạn chế... của giải.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - 2019. Ảnh: Sơn Hải/Nhà báo & Công luận. |
Hội đồng chung khảo giải năm nay đã chấm 140 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được chọn từ 1.602 tác phẩm đủ điều kiện tham gia vòng sơ khảo.
Năm nay, hơn 110 đơn vị cấp hội và 230 cộng tác viên tham dự. Theo đó, Hội đồng đã chấm chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc ở 11 thể loại, trong đó có 9 giải A, 21 giải B, 41 giải C, 32 giải Khuyến khích.
Dự kiến lễ tổng kết và trao giải BCQG lần thứ XIV năm 2019 sẽ được tổ chức vào 20h ngày 21/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam và một số Đài Truyền hình địa phương.
Cũng tại buổi họp báo, bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chia sẻ về sự kiện khai trương trưng bày bảo tàng Báo chí Việt Nam. Theo đó, dự kiến, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đón khách tham quan từ ngày 19/6.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết bảo tàng nhằm tôn vinh các thế hệ nhà báo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền Báo chí Việt Nam, đặc biệt là các nhà báo cách mạng, các nhà báo - chiến sĩ đã có những cống hiến xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh các hiện vật tại bảo tàng sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn cảm hứng tinh thần yêu nghề và quan trọng hơn hết là khẳng định lại sứ mệnh về vai trò của báo chí Việt Nam trong đời sống xã hội hiện tại; giúp các nhà báo trẻ xác định trách nhiệm của người cầm bút ngày hôm nay.
Lễ Ký kết Bản ghi nhớ giữa Bảo tàng Báo chí Việt Nam với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại hội Khoa học Xã hội & Nhân văn) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Sơn Hải/Nhà báo & Công luận. |
Bên cạnh đó, lãnh đạo bảo tàng mong muốn các nhà báo không ngừng tìm kiếm, chắt chiu quay trở lại hỗ trợ bảo tàng trong việc thu thập những kỷ vật và sẽ xây dựng bảo tàng phát triển mở rộng hơn nữa.
Cũng tại buổi họp báo, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Bảo tàng Báo chí Việt Nam với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại hội Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các bên sẽ hỗ trợ nhau trong việc đào tạo và trao đổi học thuật, cũng như thực tiễn hoạt động nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ lẫn nhau về giảng dậy, nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình hợp tác khác.