Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

95 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam

Triển lãm giới thiệu trên 100 hình ảnh, tư liệu, tài liệu góp phần tái hiện chặng đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong 95 năm qua.

Sáng 13/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu" nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 187 nhà báo tiêu biểu từ các cơ quan thông tấn, báo chí, tới dự hội nghị, tham quan triển lãm.

95 nam Bao chi Cach mang anh 1

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan gian trưng bày 95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Việt Tú.

Triển lãm giới thiệu trên 100 hình ảnh, tư liệu, tài liệu được chọn lựa từ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam và của các cơ quan báo chí đã góp phần tái hiện chặng đường phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong 95 năm qua, chia làm 4 giai đoạn chính:

Báo chí Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1925-1945: Dấu mốc đầu tiên của giai đoạn này là báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên ngày 21/6/1925.

Cũng trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc này, hàng loạt cơ quan báo chí ra đời. Ngoài báo Thanh Niên, có thể kể đến những tờ báo, tạp chí ghi dấu ấn đậm nét như: Búa Liềm, Đỏ, Tranh đấu, Dân chúng, Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng

95 nam Bao chi Cach mang anh 2

Báo Thanh Niên số ra ngày 3/10/1925. Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Báo chí Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1946-1975: Đây là giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với nhiều cơ quan báo chí lớn ra đời. Đó là Sự thật, Độc lập, Lao động, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam

Các cơ quan báo chí thời kỳ này cùng hướng đến một mục tiêu chung là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Báo chí Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1976-1986: Đây là thời kỳ tiến hành khôi phục và xây dựng đất nước. Báo chí có nhiệm vụ phản ánh một cách đầy đủ và hợp lý mọi vấn đề của hai miền. Chủ đề trung tâm được báo chí phản ánh là “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.

95 nam Bao chi Cach mang anh 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy in Tiến bộ, ngày 13/5/1959. Nguồn: Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch.

Báo chí Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1987 đến nay: Giai đoạn này, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước.

Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, báo chí đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Trao giải cho các tác phẩm về chủ đề Học tập và làm theo Bác

Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” diễn ra tối 13/5.

Việt Tú

Bạn có thể quan tâm