Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

1.000 cây cóc trắng được trồng tại khu dự trữ sinh quyển thế giới

1.000 cây cóc trắng từ chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” được kỳ vọng góp phần mở rộng mảng xanh cho rừng ngập mặn Cần Giờ, duy trì sự đa dạng sinh học của nơi này.

Ngày 21/1/2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được Tổ chức Văn hóa Giáo dục và Khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam. Cột mốc đặc biệt này đánh dấu cho sự hồi sinh diệu kỳ của vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn và chất độc da cam, đồng thời mở đầu cho chuỗi công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam sau này.

Đến nay, trải qua hơn 45 năm phục hồi và 22 năm được công UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ không ngừng gia tăng. Dưới những tán rừng xanh tốt, hệ động thực vật cũng ngày càng trở nên đa dạng. Từ “vùng đất chết”, nơi đây trở thành điểm nghiên cứu yêu thích của các nhà khoa học và là khu du lịch hút khách với nhiều loại hình khám phá thiên nhiên thú vị.

Can Gio,  trong rung anh 1

Rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Cần Giờ còn còn được ví là “lá phổi xanh” của TP.HCM, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc hạn chế sạt lở bờ biển và chống xâm nhập mặn. Giáo sư khoa học Trái Đất Cyril Marchand thuộc Đại học New Caledonia từng nhận xét: "Hạn chế xói mòn bờ biển là vai trò chính của rừng ngập mặn. Cần Giờ có thể bảo vệ TP.HCM trước nước biển dâng. Tốc độ bồi lắng trong rừng ngập mặn cao nên có khả năng theo kịp sự thay đổi của mực nước biển”.

Vì vậy, việc khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ theo hướng bền vững luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng, cần sự chung tay của chính quyền, người dân địa phương và cộng đồng. Trong đó, trồng cây gây rừng là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần gia tăng mảng xanh và tạo môi trường sống lý tưởng cho động vật sinh sôi, phát triển. Qua đó, rừng ngập mặn Cần Giờ duy trì đa dạng sinh học của một khu dự trữ sinh quyển.

Can Gio,  trong rung anh 2

Diện tích rừng trồng tại Cần Giờ liên tục gia tăng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Diện tích cây được trồng để phủ xanh ở rừng ngập mặn Cần Giờ là hơn 31.000 ha, trong đó có gần 20.000 ha rừng trồng, hơn 11.000 ha được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác. Để góp phần giúp các con số này tiếp tục gia tăng, Zing News cùng Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia thực hiện chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”.

Theo đó, chương trình sẽ đóng góp 1.000 cây cóc trắng tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Đây là loài cây đặc trưng của hệ sinh thái nơi này, có khả năng sinh tồn, thích ứng và phát triển nhanh. Với chiều cao cây trưởng thành từ 4 đến 10 m, tán lá rộng và bộ rễ bám sâu, cóc trắng thường được trồng ở bờ sông, ven biển để chống xói mòn, sạt lở hay tác động của bão lũ. Bên cạnh đó, quần thể cóc trắng còn mang đến môi trường lý tưởng cho tôm cá sinh sôi và tạo nên cảnh quan đẹp qua các mùa để góp phần thu hút du lịch.

Can Gio,  trong rung anh 3

1.000 cây cóc trắng được trồng giúp rừng ngập mặn Cần Giờ mở rộng mảng xanh.

Cùng với trồng cây, người tham gia chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” còn được khám phá hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, từ đó hiểu rõ về vai trò của rừng ngập mặn Cần Giờ đối với biến đổi khí hậu và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Thông qua hành trình trải nghiệm giàu ý nghĩa này, Giao Hàng Tiết Kiệm mong muốn thể hiện trách nhiệm đến môi trường cũng như lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến cộng đồng, từ đó góp sức xây dựng một tương lai bền vững và tươi sáng cho thế hệ mai sau.

Zing News cùng Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm đồng hành trong chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn” đóng góp 1.000 cây xanh tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.

GHTK là công ty công nghệ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính với ưu thế tốc độ, mạng lưới khắp toàn quốc và có thế mạnh trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động của mình.

Để biết thêm thông tin về chương trình “Góp sức nhỏ, xây rừng lớn”, độc giả truy cập tại đây. Tham khảo thông tin về GHTK và các hoạt động đóng góp cho cộng đồng tại website https://giaohangtietkiem.vn/.

Giang Hoàng Lam - Phan Châu Giang

Bình luận

Bạn có thể quan tâm