Vụ khủng bố liên hoàn 11/9 tại Mỹ đã khiến khoảng 3.000 người thuộc 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. Ảnh: Daily Mail |
Sáng 11/9/2001, hai máy bay chứa hàng nghìn gallon xăng như hai quả bom đâm thẳng vào hai toà tháp thuộc WTC gây ra một đám cháy lớn. Giới chức New York ra lệnh phong toả và điều động toàn bộ lực lượng trong thành phố tới hiện trường dập lửa, cứu người.
Kevin Murray, một người lính cứu hoả làm việc trong tháp Bắc WTC ngày hôm đó, nhớ lại: "Toà nhà bốc cháy, mảnh vỡ và mùi xăng ở khắp nơi. Chúng tôi không thể chiến đấu chống lại ngọn lửa hung tàn và chỉ có thể cứu người ra ngoài".
Trong vòng hơn một tiếng kể từ vụ tấn công, hai toà tháp lần lượt sụp đổ với tốc độ tương đương một vật rơi tự do, tạo nên đám mây khói và bụi khổng lồ. "Đám bụi dày vây kín xung quanh và tôi không thể thở. Tôi cảm thấy như đang vùi mặt vào trong bồ hóng", Murray nói với Telegraph.
Lực lượng cứu hộ thành phố New York liên tục dùng trực thăng và xe cứu hoả trong nỗ lực dập tắt đám cháy. Theo CNN, trong 10 ngày đầu tiên, họ đã dùng 4 triệu gallon nước.
Đám cháy lịch sử
Lực lượng cứu hoả đã dùng tới 36 triệu gallon trong 100 ngày để dập tắt đám cháy tại khu WTC. Ảnh: Getty Images |
Cháy ngầm diễn ra trong nhiều tháng. Dù điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa lớn vào hôm 14 và 21/9/2001, lực lượng cứu hoả phải mất 100 ngày mới có thể kiểm soát ngọn lửa. Các nhà điều tra cho rằng kim loại nóng chảy dưới đống đổ nát là nguyên nhân khiến đám cháy kéo dài.
Nhiều nhân chứng cho biết, họ thấy dòng kim loại nóng chảy tại nơi toà tháp đôi WTC từng toạ lạc. Một nhân viên cố vấn sức khoẻ cộng đồng cho hay, khi tới hiện trường vào hôm 12/9/2001, ông cảm thấy như đang đứng gần một ngọn núi lửa đang hoạt động.
"Bất chấp nỗ lực xối nước vào đám cháy của lực lượng cứu hoả, nhiệt độ tại trung tâm của đống đổ nát vẫn đủ nóng để làm tan chảy kim loại", một quan chức nói.
Greg Meeker, chuyên gia tới từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tiết lộ: "Nhiệt độ đám cháy lên đến hơn 1.000 độ C và nguội dần trên bề mặt. Tuy nhiên, giữa tháng 10, khi lực lượng cứu hộ kéo một miếng dầm ra khỏi đống đổ nát, phần cuối của nó phát ra ánh sáng đỏ, nhiệt độ rơi vào khoảng 500 đến 600 độ C. Vào tháng 12, những mảng bê tông vẫn bốc cháy. Nhiệt độ ngọn lửa khi ấy khoảng 300 độ C".
Hôm 19/12/2001, lực lượng cứu hoả dập tắt ngọn lửa. Nhà chức trách nhận định, đám cháy phát ra từ đống đổ nát của tháp đôi thuộc WTC là đám cháy lâu nhất trong lịch sử.
Nỗi đau âm ỉ
Carrie Bergonia khóc khi nhớ về vị hôn phu xấu số. Ảnh: Getty Images |
Carrie Bergonia là vị hôn phu của Joseph J.Ogren, một người lính cứu hoả làm nhiệm vụ tại khu WTC hôm 11/9/2001. Cô và Ogren gặp nhau vào năm 1993, trong một chuyến du lịch. Sau gần 10 năm gắn bó, cặp đôi này quyết định sẽ kết hôn vào ngày 10/8/2002 tại bang Pennsylvania. Tuy nhiên, dự định đó không thể nào thành hiện thực.
Không từ ngữ nào có thể mô tả nỗi đau và sự mất mát mà Bergonia cảm thấy sau khi nhận ra quãng đời còn lại của cô đã thay đổi. “Em yêu anh và nhớ anh rất nhiều, cho đến khi chúng ta gặp lại”, cô khóc và nói khi nhắc đến tên anh.
Jay Jonas, một người lính cứu hoả làm việc trong tháp Bắc WTC, cho biết, khi toà nhà chuẩn bị sập, nhóm của ông vội vã thoát ra ngoài. "Bạn muốn hạnh phúc nhưng lại không thể. Thật khó để tìm thấy cảm giác của niềm vui hay sự tự hào nào sau khi trải qua những chuyện như thế".
"Một buổi sáng tháng 9 trong xanh và đầy nắng. Hơn 100 bạn bè của tôi đã vĩnh viễn ra đi trong ngày hôm đó", William Eisengrein, 51 tuổi, nói với ABC News.
Theo Daily Mail, khoảng 343 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 11/9/2001 tại thành phố New York là lính cứu hoả.