Vụ khủng bố liên hoàn 11/9 tại Mỹ đã khiến khoảng 3.000 người thuộc 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. Ảnh: Daily Mail |
Gần 13 năm đã trôi qua nhưng cả thế giới nói chung và người Mỹ nói riêng vẫn không thể quên 102 phút kinh hoàng, kể từ thời khắc chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tòa tháp thứ nhất (tháp phía bắc) thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC). Hôm 11/9/2001, 19 tên không tặc cướp 4 máy bay chở khách hiệu Boeing và tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, khiến khoảng 3.000 người tới từ hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng.
102 phút chấn động lịch sử nước Mỹ
Tháp đôi WTC tọa lạc tại quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Năm 1993, một quả bom với sức công phá tương đương 1,1 tấn thuốc nổ TNC đã phát nổ tại nơi này nhưng hai tòa tháp vẫn đứng vững. Tuy nhiên, 8 năm sau, câu chuyện đã hoàn toàn khác.
8h46 ngày 11/9/2001 theo giờ địa phương, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc WTC. Lucio Caputo, một nhân viên làm việc tại tầng 78 của tháp phía bắc, cho biết khi vụ việc xảy ra, anh đang ở trong văn phòng.
"Tòa tháp lắc lư, còi báo động bật lên và đèn tắt. Tôi bước ra khỏi văn phòng xem chuyện gì đang xảy ra. Tiếng khóc và tiếng la hét ở khắp mọi nơi nhưng tôi không nhìn thấy gì bởi lớp bụi dày đặc. Tôi nghĩ, những tiếng ồn phát ra từ một chỗ nào đó trong tòa nhà. Vụ nổ có thể đã xảy ra ở đó. Sau khi trở lại văn phòng, tôi lấy một số thứ cần thiết như đèn pin, điện thoại, khăn và chai nước rồi chạy về phía cầu thang", Caputo nói.
Người đàn ông này cho hay, trên đường đi, một người bạn đã gọi điện và thông báo chuyện máy bay đâm vào tòa tháp, nơi anh làm việc. "Khi chạy xuống tầng 50, tôi gặp rất nhiều người đến từ các tầng khác nhau. Những người đi xuống từ tầng phía trên bị thương rất nặng", Caputo chia sẻ.
Khoảng 200 người mắc kẹt trong tòa nhà sau vụ máy bay đâm vào Tháp Đôi WTC đã chọn cách tự tử để thoát khỏi sự khó chịu mà mùi nhiên liệu, sức nóng và khói bụi từ đám cháy gây ra. Ảnh: AP |
Sau đó 17 phút, phi cơ mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía nam. Mùi nhiên liệu máy bay, sức nóng và khói bụi từ đám cháy kinh khủng đến mức khoảng 200 người đã chọn cách tự tử để thoát khỏi chúng. Jack Gentul cho biết người vợ quá cố của ông, Alayne Gentul, đã rất đau khổ trước khi qua đời.
"Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Alayne đã gọi điện cho tôi và nói rằng cô ấy sợ. Hơi thở nặng nhọc của cô khiến tôi rất lo. Cô ấy không phải là một người hay sợ hãi, sống rất thực tế và có thể làm bất cứ điều gì để tồn tại", Jack nói. Người ta sau đó đã tìm thấy thi thể của Alayne ở phía bên kia đường.
Mike Smith, một người lính cứu hỏa, nói: "Khắp nơi tràn ngập hỗn loạn. Từ cảnh sát đến người đi đường, lính cứu hỏa,... ai cũng gào thét, khóc lóc và chạy loạn. Cảnh tượng hệt như một trận chiến ác liệt. Rất nhiều người bị thương".
New York ở trong tình trạng báo động. Giới chức ra lệnh phong tỏa tất cả các đường hầm và cầu trong phạm vi toàn thành phố. Mọi chuyến bay ngang qua hoặc tới New York đều bị cấm, hủy hoặc đổi đường bay.
Hiện trường vụ máy bay mang số hiệu 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc trong sự kiện 11/9. Ảnh: Wikipedia |
9h37 cùng ngày, chuyến bay mang số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc khiến 125 người thiệt mạng, gồm 70 dân thường và 55 nhân viên quân sự. Một nhân chứng cho biết anh rất sốc khi chứng kiến cảnh tượng máy bay đâm vào Trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. "Khi đó, tôi đang nghe tin về những gì xảy ra ở thành phố New York. Bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng máy bay đến gần. Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy một máy bay đang bay rất thấp và đâm thẳng vào Lầu Năm Góc", nhân chứng này cho hay.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường trên nước Mỹ. Mọi chuyến bay đều bị hoãn. Những chuyến bay đang thực hiện hành trình đều phải hạ cánh khẩn cấp. Cơ quan an ninh tổ chức sơ tán tại nhiều khu vực quan trọng như Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở Liên Hiệp Quốc...
9h59, tòa tháp phía nam của WTC sụp đổ.
10h07, chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống một cánh đồng gần quận Shanksville, hạt Somerset, bang Pennsylvania khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng (bao gồm cả nhóm không tặc). Những gì ghi lại trong hộp đen cho thấy các hành khách trên máy bay đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát từ tay bọn không tặc.
10h28, tòa tháp phía bắc của WTC sụp đổ. Những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên bầu trời. Người dân xung quanh nháo nhác tìm nơi ẩn nấp. Một số nơi, tro bụi dày tới 20 cm.
Những vết thương không bao giờ lành
Andy Card thông báo tin "nước Mỹ bị tấn công" với cựu tổng thống Bush hôm 11/9/2001. Ảnh: Reuters |
Gần 13 năm trôi qua kể từ "ngày đen tối của nước Mỹ", hàng trăm thi thể nạn nhân vẫn chưa được nhận dạng. Nhiều người nói rằng 11/9 là ngày nước Mỹ đánh mất "sự ngây thơ".
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết trừ đám cưới con gái, vụ khủng bố 11/9 là sự kiện sâu sắc nhất trong cuộc đời ông. Khi đó, Bush đang tham dự một sự kiện giáo dục ở bang Florida. Sau khi biết tin về sự việc xảy ra với Tháp Bắc WTC, ông nghĩ đó chỉ là một tai nạn nhưng sau khi Andy Card, lúc đó là Chánh văn phòng Nhà Trắng, thông báo chiếc phi cơ thứ hai đâm vào Tháp Nam WTC, cựu tổng thống biết nước Mỹ đang bị tấn công.
"Khi đó, tôi thực sự rất bàng hoàng và giận dữ. Nhưng trên cương vị là người đứng đầu một đất nước, tôi phải tỏ ra bình tĩnh", Bush nói.
Vị Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ cho hay, sau khi rời khỏi lớp học, ông muốn trở về thành phố Washington nhưng các cố vấn an ninh đã ngăn cản vì lý do an toàn. Ông chia sẻ tâm trạng thất vọng vì phải bay quanh nước Mỹ nhiều giờ liên tục trong khi quốc gia chìm đắm trong đại họa. "Tôi cảm thấy bất lực khi chứng kiến trên màn hình cảnh những người trên Tháp Đôi WTC nhảy khỏi tòa nhà và tôi, người đứng đầu nước Mỹ, chẳng thể làm gì giúp họ", Bush nói.
Cindy Rodriguez, một nhà báo, cho biết cô không bao giờ quên cảnh tượng hàng trăm người dân của thành phố New York ngẩn ngơ đi không mục đích và mang theo hình ảnh của những người thân yêu đang mất tích. "Hình ảnh một người phụ nữ với những vệt mascara lem trên khuôn mặt in đậm trong tâm trí tôi. Cô ấy nói rằng người ta sẽ tìm thấy chồng chưa cưới của cô. Trong những ngày đầu tiên, chúng tôi nghĩ rằng đội cứu hộ sẽ tìm thấy những người còn sống mắc kẹt trong đống đổ nát. Đám đông phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đứng ngoài bệnh viện, chờ đợi những câu chuyện kỳ diệu mà chúng ta đang rất muốn nghe. Tất cả mọi người chờ đợi trong vô vọng. Những phép lạ đã không bao giờ đến", Rodriguez chia sẻ.
Mẩu giấy dính máu của một nạn nhân đã chết trong Tháp Đôi WTC hôm 11/9/2001. Ảnh: New York Daily News |
"Tầng 84, văn phòng phía tây, 12 người mắc kẹt", đó là nội dung viết vội trên một mảnh giấy vào ngày 11/9/2001. Tờ giấy dính máu đã bay xuống đường phố từ tầng 84 của tháp đôi WTC. Kết quả giám định pháp y cho biết, máu dính trên nó là của Randy Scott.
Denise Scott, vợ của Scott, vừa khóc vừa nói: "Tôi đã dành nhiều năm để hy vọng rằng Randy đã không mắc kẹt trong tòa nhà. Nhưng giây phút tôi nhìn thấy mảnh giấy, tôi biết đó là chữ viết của anh ấy. Mọi hy vọng đều sụp đổ".
Những căn bệnh mãn tính
Lớp bụi từ hiện trường Tháp Đôi WTC hôm 11/9 chứa các hóa chất độc hại như amiang, chì, dioxin, PVC, thủy ngân,... cùng lượng khí chất thải của hàng trăm nghìn gallon dầu diesel bốc cháy. Theo ước tính, khoảng 90.000 người đã tiếp xúc với đám bụi độc này. Hơn 60.000 người vẫn đang phải tham gia một chương trình theo dõi sức khỏe.
Glenn Garamella là một trong những người tham gia cứu hộ hiện trường 11/9. Người đàn ông 61 tuổi này đã mắc bệnh suyễn, ngừng thở khi ngủ và đang phải điều trị ung thư. "Các cơn ho trở nên tồi tệ hơn. Cuối cùng, họ phát hiện ra tôi bị ung thư cổ họng", Garamella nói.
Bác sĩ Michael Crane, người vận hành Chương trình Sức khỏe WTC tại bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York, cho biết: "Những người tiếp xúc với đám bụi độc ngày hôm đó có nguy cơ mắc bệnh ung thư".
Các quan chức y tế cho biết, khoảng 2.000 chẩn đoán ung thư liên quan đến sự kiện 11/9. Nhóm người này chủ yếu là những người làm việc trực tiếp tại hiện trường và trong thời gian dài như nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, các tình nguyện viên... Những vấn đề họ gặp phải chủ yếu là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.