Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 trận bao vây đẫm máu nhất trong lịch sử (kỳ 2)

Chiến dịch vây hãm lâu nhất trong lịch sử nhân loại diễn ra trong hơn 3 năm tại thành phố Ostend của Bỉ khiến hơn 200.000 người chết.

Quân Tây Ban Nha vây đối thủ hơn 3 năm

Chiến tranh Tám mươi năm hay Chiến tranh giành độc lập Hà Lan (1568-1648) là cuộc nổi dậy của 17 tỉnh để chống lại vua Felipe đệ nhị của Tây Ban Nha.

Ostend, nằm trên lãnh thổ Bỉ ngày nay, là nơi mà một trong những trận vây hãm lâu nhất trong lịch sử nhân loại từng diễn ra. Nó cũng là trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Tám mươi năm. Do lực lượng nổi dậy của 17 tỉnh vừa gia cố thành Ostend, nó trở thành nơi lý tưởng để phòng thủ. Lực lượng trong thành vào khoảng gần 50.000 người - bao gồm cả quân Hà Lan và lính Anh. Tướng Francis Vere, người chỉ huy thành Ostend, cảm thấy rằng họ có thể đập tan quân Tây Ban Nha bên ngoài thành do hoàng tử Albrecht chỉ huy.

Hơn 65.000 người đã mất mạng bởi cuộc chiến tại Ostend. Ảnh: Listverse

Cuộc vây thành bắt đầu vào ngày 5/7/1601, với sự tham gia của khoảng 80.000 lính Tây Ban Nha. Phần lớn họ là bộ binh. Trong trận chiến, cả hai phe đều sử dụng những mưu hiểm hòng hạ gục đối phương. Albrecht gần như đã thành công trong việc thuyết phục một nội gián trong thành Ostend kích động quân Hà Lan chống lại tướng Vere, nhưng kế hoạch bại lộ vào phút chót. Vere cũng từng muốn đàm phán với Albrecht để chấm dứt tình trạng đổ máu, nhưng cuối cùng ông rút lui do phía Tây Ban Nha nghi ngờ ý định của ông.

Cuối cùng, quân Hà Lan và Anh đầu hàng quân Tây Ban Nha vào ngày 20/9/1604. Hoàng tử Albrecht cùng cô vợ Isabella tiến vào thành trong tư thế của người chiến thắng. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh hoang tàn của Ostend, Isabella đã khóc.

10 trận bao vây đẫm máu nhất trong lịch sử (kỳ 1)

30.000 lính Ottoman tử trận khi vây một pháo đài với gần 3.000 quân, còn trong số 50.000 người ở thành Kiev, chỉ khoảng 2.000 người sống sót khi họ chống quân Mông Cổ.

Vó ngựa Mông Cổ nghiền nát Baghdad

Vào năm 1258, vó ngựa Mông Cổ đã tiến về phía Baghdad - trung tâm của thế giới Ả rập thời đó. Người dẫn đầu đội quân này là Húc Liệt Ngột, một cháu nội của Thành Cát Tư Hãn. Húc Liệt Ngột coi Hồi giáo là mối đe dọa lớn nhất đối với đế chế Mông Cổ. Vì thế, ông quyết tâm phá hủy một trong những thành phố lớn nhất và nổi tiếng nhất của người Hồi giáo. Hơn 100.000 quân Mông Cổ bao vây Baghdad sau khi vua Al-Musta’sim không chấp nhận yêu cầu đầu hàng của Húc Liệt Ngột. Những người Hồi giáo dòng Shiite vốn có thù với Al-Musta’sim nên họ hỗ trợ quân Mông Cổ. Chiến dịch công thành bắt đầu vào ngày 29/1/1258 và thành Baghdad thất thủ vào  ngày 10/2 cùng năm.

Hơn 200.000 người thiệt mạng vì cuộc chiến Baghdad vào năm 1258. Ảnh: Listverse

Ngay sau khi quân Mông Cổ tiến vào thành, họ giết tất cả những người Ả rập mà họ gặp, trừ những người Cơ đốc. Húc Liệt Ngột (hoặc vợ ông) ra lệnh cho quân lính đưa những người Cơ đốc tới một nhà thờ. Lính Mông Cổ cuộn vua Musta’sim vào một tấm thảm rồi để ngựa giẫm lên cơ thể vị vua cho tới khi ông chết. Ngôi nhà Tri thức, một trong những trung tâm học thuật nổi tiếng nhất trong thế giới Hồi giáo thời bấy giờ, trở thành mục tiêu mà quân Mông Cổ tàn phá. Lính Mông Cổ vứt mọi quyển sách trong thành xuống sông Tigris. Nhiều nhân chứng kể lại rằng số lượng sách dưới sông Tigris lớn đến nỗi ngựa Mông Cổ có thể bước qua sông một cách dễ dàng.

Quân Nga chống Anh, Pháp, Thổ tại Sevastopol

Sevastopol là một trong hai thành phố cảng trực thuộc trung ương của Ukraina ngày nay. Nó nằm phía tây nam bán đảo Crimean thuộc Biển Đen.

Chiến tranh Crimean là một cuộc chiến bắt đầu từ năm 1853 và kết thúc vào năm 1856. Trong cuộc chiến đó, quân Anh, Pháp và Thổ chống lại quân Nga. Cuộc bao vây Sevastopol – diễn ra từ năm 1854 tới năm 1855 – là một trong những cuộc chiến tranh hầm hào đầu tiên trong lịch sử. Nó là cuộc chiến sinh tồn đối với cả quân Nga lẫn liên minh Anh - Pháp - Thổ. Sau khi các tướng Nga nhận ra rằng họ không thể đánh bại đối phương trên trận địa trống trải, họ ra lệnh cho quân lính đào hào, hầm để phòng thủ. Ban đầu quân Nga hứng chịu tổn thất từ các đợt tấn công của liên quân, nhưng sau đó họ đào đường ngầm và chiến hào mỗi đêm để củng cố trận địa.

Mùa đông lạnh kỷ lục và sự khốc liệt của cuộc chiến Sevastopol khiến hơn 200.000 người chết. Ảnh: Listverse

Trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ở thế giằng co, kẻ thù chung của cả hai bên đã xuất hiện. Đó là mùa đông khắc nghiệt. Nhiệt độ giảm xuống mức thấp kỷ lục khiến lính của hai bên chết dần vì bệnh tả và kiết lị. Quân Pháp hứng chịu tổn thất lớn nhất, bởi số lượng binh sĩ chết vì bệnh chiếm tới gần một nửa tổng số người tử trận của Pháp. Sau khi bảo vệ thành công Sevastopol, người Nga vẫn phải rút lui. Vì thế, quân liên minh dù thua nhưng vẫn tiến vào pháo đài hôm 9/9 cùng năm. Cái giá của cuộc bao vây là hơn 200.000 sinh mạng của cả hai bên. Chẳng bao lâu sau chiến tranh Crimean cũng kết thúc.

Chiến dịch bao vây thủ đô của đế chế Aztecs

Aztecs từng là một nền văn minh trên lãnh thổ thuộc Mexico ngày nay. Đế chế Aztecs bắt đầu từ năm 1248 và kết thúc vào năm 1521, sau khi thực dân Tây Ban Nha đánh bại quân đội Aztecs.

Trận bao vây Tenochtitlán, thủ đô của đế chế Aztecs, vào năm 1521 là trận chiến quyết định giữa quân Aztecs và quân Tây Ban Nha. Những thổ dân châu Mỹ chiếm phần lớn lực lượng của Tây Ban Nha. Họ chiến đấu cho Tây Ban Nha vì căm phẫn sự áp bức của đế chế Aztecs đối với họ. Hernan Cortes, vị tướng của Tây Ban Nha, chỉ huy 200.000 quân trong trận bao vây Tenochtitlán. Trong khi đó, gần 300.000 chiến binh Aztecs bảo vệ thủ đô. Dù thua kém về quân số, lực lượng Tây Ban Nha lại sở hữu những vũ khí hiện đại hơn. Lợi thế về vũ khí giúp họ đảo ngược tình thế trong giai đoạn sau của cuộc chiến.

Hơn 200.000 người, trong đó khoảng một nửa là dân thường, đã chết trong chiến dịch bao vây thủ đô của đế chế Aztecs vào năm 1521. Ảnh: Listverse

Ban đầu lợi thế nghiêng về quân Aztecs. Nhưng bệnh đậu mùa đã tấn công lính Aztecs, khiến khả năng chiến đấu của họ giảm mạnh. Nhận thấy kiểu chiếm từng nhà không phải là chiến thuật hay, Cortes ra lệnh nã đại bác vào thành phố, hủy diệt mọi tòa nhà tới khi quân Aztecs đầu hàng. Chiến dịch bao vây diễn ra trong vỏn vẹn 3 tháng, nhưng nó gây nên tổn thất cực lớn về nhân mạng. Hơn 200.000 người của cả hai bên đã mất mạng. Các tài liệu cho thấy dân thường trong thành phố chiếm tới khoảng một nửa số người chết trong trận chiến.

 

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm