Đã 10 ngày trôi qua kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Dư luận chuyển từ trạng thái bất ngờ trước chiến thắng của tỷ phú New York sang hồi hộp theo dõi quá trình chuyển giao quyền lực và xây dựng chính quyền Donald Trump.
Cả thế giới đang chờ đợi bộ máy chính quyền của Trump để có hình dung rõ hơn về các chính sách ông có thể theo đuổi. Ảnh: AFP. |
Ồn ào đội ngũ chuyển giao quyền lực
“Quả bom” đầu tiên phát nổ là việc Trump sa thải người đứng đầu đội ngũ chuẩn bị chuyển giao quyền lực của mình, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie. Trong thời gian tranh cử, các nhóm chuẩn bị thường hoạt động tương đối độc lập với nhóm vận động tranh cử. Phó tổng thống Mike Pence đảm nhận vị trí này.
Ba con ruột của Trump, gồm Ivanka, Eric và Donald Jr., cùng con rể Jared Kushner đều được bổ nhiệm vào nhóm này. Ủy ban chuyển giao quyền lực hiện đầy những người thân tín đã cùng tranh cử với Trump hơn một năm qua.
Kushner, con rể ông Trump, hiện là người có quyền lực rất lớn trong quá trình này. Trước đó, Kushner đã góp công lớn làm nên thành công của Trump trong chiến dịch tranh cử. Con rể Trump là giám đốc chiến dịch tranh cử cho ông, tư vấn chiến lược, phác thảo các bài diễn thuyết và chạy chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội.
Kushner bị nghi đã dính tay vào việc giáng chức ông Christie, vì khi còn là công tố viên liên bang, ông đã truy tố cha của Kushner tội trốn thuế. Hai người thân cận khác của Christie cũng vừa bị sa thải.
CBS News từng dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Trump muốn các con đường kiểm tra an ninh để tiếp cận các thông tin và khu vực mật, nhưng Trump đã bác bỏ thông tin này.
Con rể Donald Trump góp công rất lớn trong chiến dịch tranh cử của ông. Ảnh: Reuters. |
Nhận định với Zing.vn, tiến sĩ Justin Hart (Khoa lịch sử Trường ĐH Texas Tech) cho rằng: “Quá trình chuyển giao quyền lực vốn dĩ luôn khó khăn, và Trump vừa có một khởi đầu lộn xộn. Các con của ông có năng lực trong một số lĩnh vực, nhưng họ hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trị, và không thể giúp ông trong chính địa hạt mà bản thân ông đầy thiếu sót”.
Ngày 15/11, Trump lên Twitter, vào sáng sớm, tuyên bố quá trình chuyển giao quyền lực của ông vẫn đang suôn sẻ và không hề lộn xộn như báo chí đưa tin.
Luật pháp Mỹ cấm tổng thống bổ nhiệm người trong gia đình vào các vị trí trong chính phủ, nhưng họ có thể hoạt động nhưng các cố vấn không được trả tiền.
Những pha ‘lỗi nhịp’ với các lãnh đạo thế giới
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là lãnh đạo thế giới đầu tiên đến gặp tổng thống đắc cử Trump. Cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày 17/11, tuy nhiên đến ngày 16/11, các quan chức Nhật Bản vẫn nói rằng họ chưa thống nhất được thời gian và địa điểm gặp mặt. Phía Nhật Bản cũng không biết được số điện thoại liên lạc trong tình huống khẩn cấp phát sinh.
New York Times cũng đưa tin quan chức chính phủ nhiều nước phải vất vả gọi đến tòa nhà Trump Tower để gặp Trump vì không thể tìm được cách liên lạc với ông.
Cũng theo báo này, tổng thống đắc cử của Mỹ đã nhận điện thoại từ nhiều lãnh đạo thế giới và đáp lại “một cách tùy hứng” mà không nghe qua các báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khi tiếp xúc với các lãnh đạo nước ngoài - điều cấm kị về mặt đối ngoại.
Đáp lại, tỷ phú này viết trên Twitter rằng “đã nhận được cuộc gọi từ nhiều lãnh đạo nước ngoài” mà không bình luận về ý sau.
Lãnh đạo nhiều nước được cho đã phải gọi điện tới Trump Tower để được "nối máy" cho Trump vì họ không thể liên lạc với ông. Ảnh: Reuters. |
Lời hứa nào của Trump sẽ được duy trì?
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi đắc cử, Trump tuyên bố ông sẽ trục xuất những người nhập cư, những người theo ông là "mang đến tội phạm và ma túy". Con số bị trục suất có thể là 2 triệu hoặc 3 triệu người. Kế hoạch tranh cử của ông đòi trục xuất khoảng 11 triệu người nhập cư trái phép.
Tổng thống đắc cử của Mỹ cũng hé lộ ông có thể sẽ giữ lại một số điều khoản trong Obamacare, thay cho lời hứa lúc tranh cử là sẽ xóa sổ hoàn toàn chính sách này.
Lúc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye sau khi đắc cử, Trump cho biết sẽ giữ vững cam kết của Mỹ với đồng minh này. Khi tranh cử, tỷ phú này tuyên bố các nước Nhật Bản và Hàn Quốc nên tự trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên.
Trả lời Zing.vn, Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói rằng: “Trump biết rất ít về các liên minh, nên tôi không chắc tất cả những lời hứa của ông về việc này trong chiến dịch sẽ biến thành chính sách. Tuy nhiên, ông có vẻ rất quyết tâm loại bỏ các hiệp định thương mại tự do sẽ làm hại người lao động Mỹ. Nên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tôi đã chết rồi”.
"Tôi nghĩ châu Á trong nhiệm kỳ của Trump vẫn tiếp tục có tầm quan trọng như đối với Obama trước đây. Dù vậy, chúng ta nên kiên nhẫn và chờ xem điều gì sẽ đến tiếp theo", bà Blaser nhận định.
Trong khi đó, tiến sĩ Justin Hart cho rằng: "Vẫn còn quá sớm để biết di sản nào của Obama sẽ bị Trump lật ngược lại, trong đó có Obamacare, TPP, thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. Thậm chí cách đây một thập kỷ, Trump còn là một người Dân chủ (ông đã góp tiền cho chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton - NV)".