Khám phá
10 lễ Tết đông người tham gia nhất thế giới
- Thứ tư, 29/1/2014 20:23 (GMT+7)
- 20:23 29/1/2014
Ngoài Tết Dương lịch thu hút phần lớn người dân thế giới tham gia, các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đón ngày Tết của riêng mình.
|
Rosh Hashanah là lễ năm mới của Do Thái giáo, mặc dù nó là ngày thứ nhất của tháng thứ 7 Tishri, theo lịch Do Thái. Rosh Hashanah đánh dấu bắt đầu thời gian 10 ngày để đền bù tội lỗi chuẩn bị cho lễ Yom Kippur. Trong thời gian này, người Do Thái sửa soạn tâm hồn, sám hối và làm việc đền bù tội lỗi đã phạm một cách vô tình hay cố ý trong suốt năm qua. Trong ngày lễ, người ta thổi kèn shofar (kèn sừng cừu). Trong đền thờ, người ta ăn táo và uống mật ong, đọc các lời chúc lành trên thực phẩm tượng trưng như quả lựu chẳng hạn. Rosh Hashanah thu hút khoảng 14 triệu người tham dự.
|
|
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1/1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên... Theo phong tục tập quán, Tết thường có những điều kiêng kỵ. Tết Nguyên Đán thu hút khoảng 90 triệu người Việt tham dự.
|
|
Người Thái Lan gọi ngày Tết cổ truyền mừng năm mới là Songkran. Ngày Tết được tổ chức từ ngày 13-15/4 để đón năm mới. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Lễ hội này có nét giống Lào và Campuchia, nhưng mỗi nước có nghi thức lễ và hội khác nhau. Ước tính, khoảng 115 triệu người tham dự lễ Songkran mỗi năm.
|
|
Không giống như nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam…, Nhật đón Tết dương lịch. Tuy tổ chức năm mới theo lịch dương nhưng truyền thống đón Tết của người Nhật vẫn mang đậm chất châu Á. Người dân Nhật thông thường nghỉ Tết từ 29/12 đến hết ngày 3/1. Trong những ngày Tết, người dân dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Bữa tối, các thành viên trong gia đình sẽ sum họp quây quần bên nhau. Họ chờ nghe 108 tiếng chuông giao thừa vọng ra từ các ngôi chùa. Đặc biệt, người Nhật có tục đi lễ chùa ngày Tết, gọi là Hatsumode. Đây là dịp để họ cầu may mắn, tài lộc, sức khỏe cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Khoảng 127 triệu người tham dự Tết Nhật Bản. |
|
Diễn ra từ ngày 1/1 đến ngày 7/1, Noviy God là ngày lễ đánh dấu một năm mới truyền thống quan trọng bậc nhất của người Nga. Thay vì ông già Noel, trẻ em Nga sẽ nhận được quà tặng vào năm mới từ Cha Frost. Trước khi ngày lễ Noviy God diễn ra, trẻ em Nga viết ra món quà mà mình mong nhận được và gửi cho Cha Frost. Sau đó, các bậc cha mẹ thường nhân danh cha Frost để tặng món quà đó cho con cái mình. Ngoài ra, người Nga cũng quan niệm, Noviy God là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn viên, hội ngộ và vui chơi. Tết Noviy God thu hút khoảng 143 triệu người tham dự. |
|
Tết Nowruz thường được tổ chức vào ngày 21/3 (hay ngày trước hoặc ngày sau đó) tại nhiều quốc gia ở Trung Đông bao gồm Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria hay Afghanistan... Theo quan niệm của người dân, ngày Nowruz tượng trưng cho sự đổi mới của thiên nhiên và con người, làm thanh khiết tâm hồn và mở đầu một cuộc sống mới. Vào ngày này, khắp các thị trấn và làng mạc, thành phố đều tổ chức các buổi biểu diễn ca múa nhạc cũng như các trò chơi truyền thống. Ngày tết này thu hút khoảng 300 triệu người tham dự.
|
|
Vì là một đất nước đa tôn giáo và đa văn hóa, việc xác định một ngày tết thống nhất ở Ấn Độ là rất khó khăn. Ngoài tết dương vào ngày 1/1 như các nước khác trên thế giới, người dân Ấn Độ còn đón nhiều lễ tết khác, trong đó nổi bật là Tết Gudi Padwa và Tết Puthandu. Tết Gudi Padwa diễn ra tại Maharashtra, ngày 15/3. Vào ngày này, người dân dựng lên “Gudis” (một cây tre bằng vải lụa màu và gắn một ly có chân được trang trí bằng vòng hoa trên đỉnh nó) tượng trưng cho sự chiến thắng. Mọi người dọn dẹp nhà cửa, mặc quần áo mới và chuẩn bị các món ăn ngon đặc biệt để đón tết. Trong khi đó, Tết Puthandu được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Chithirai (14/4). Trong ngày này, phụ nữ vẽ biểu tượng kolam trên thềm cửa và đặt đèn Kuttuvilaku để tượng trưng cho sự xoá bỏ mọi tăm tối. Tết của người Ấn Độ thu hút khoảng 900 triệu đến 1,2 tỷ người tham gia. |
|
Tết Nguyên Đán của Trung Quốc là ngày lễ quan trọng nhất của người Trung Hoa, được tính theo âm lịch. Tết này còn có tên gọi là Xuân Tiết, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới. Đêm giao thừa của Trung Quốc là thời điểm sum họp gia đình. Mọi gia đình đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ để quét đi những điều không may và chào đón các may mắn sắp tới. Cửa sổ, cửa ra vào đều được dán giấy đỏ với câu đối và những từ như "Phúc", "Lộc" và "Thọ". Sau đêm giao thừa, trẻ em sẽ chào người lớn bằng những lời chúc Tết, chúc sức khỏe và nhận tiền trong phong bao đỏ. Tết của người Trung Quốc thu hút khoảng 1,3 tỷ người tham gia.
|
|
Người Hồi giáo không coi trọng ngày khởi đầu của năm mới và dịp lễ trọng đại nhất của cộng đồng tôn giáo này chính là lễ Ead al-Fitr (ngày lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan). Ý nghĩa của dịp lễ này là sự tưởng thưởng của đức Allah cho các tín đồ Hồi giáo, vì họ đã kiên trì vượt qua thử thách nghiệt ngã suốt cả tháng Ramadan. Lễ Ead al-Fitr là tết của người Hồi giáo và thời điểm để những người xa quê hương trở về đoàn tụ với gia đình. Ngày lễ này thu hút khoảng 2,4 tỷ người tham gia.
|
|
Tết Dương lịch là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm của nhiều dân tộc trên thế giới. Tết này là ngày đầu tiên hàng năm theo dương lịch, được tính vào ngày 1/1, ngày đầu tiên của năm theo lịch Gregorian hiện đại hay lịch Julian (được dùng trong thời kỳ La Mã cổ đại. Ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, đây là ngày nghỉ lễ chính bắt đầu từ lễ Giáng sinh. Vào đêm giao thừa, nhiều nước trên thế giới tổ chức bắn pháo hoa và tham gia các lễ hội truyền thống. Tết Dương lịch là ngày lễ thu hút phần lớn người dân khắp thế giới tham gia. |
Trung Quốc
Đức
Iran
Lào
Campuchia
Afghanistan
Tết
Tết Nguyên Đán
Tết Ấn Độ
Tết Nhật Bản
Hồi giáo
tết Nga