10 công ty bị ghét nhất nước Mỹ
Facebook, Nokia hay RIM (công ty sở hữu thương hiệu BlackBerry) đều có mặt trong danh sách này.
Có nhiều lý do để một công ty bị ghét bỏ. Đó có thể là do thái độ phục vụ khách hàng không tốt, làm mất lòng cổ đông hay khiến người lao động phật ý... Sau đây sẽ là 10 cái tên đáng ghét nhất thị trường Mỹ theo báo của của 24/7 Wall St.
1. JCPenney Công ty này đã chuyển từ một doanh nghiệp bán lẻ tầm trung thành “thảm họa” quản lý đáng chú ý chỉ trong vòng vài năm gần đây. Đó là khi cựu giám đốc bán lẻ của Apple là Ron Johnson ngồi vào chiếc ghế CEO và thay đổi chính sách giá cả, dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ khách hàng. Doanh thu của JCPenney đã giảm 20% chỉ sau một quý, và cổ phiếu giảm 40% sau khi Johnson nắm quyền. Theo lời nhà phân tích Steve Kernkraut: “Nó là một thảm họa và sẽ tiếp tục là một thảm họa. Họ đã phạm tất cả những sai lầm mà bạn có thể nghĩ đến”. |
2. Dish Network Công ty chuyên về dịch vụ truyền hình này đã bị khách hàng hạ điểm thê thảm sau khi tự ý cắt bỏ một lượng lớn các kênh yêu thích của họ. Nhiều người còn gán cho Dish Network biệt danh “Công ty keo kiệt nhất nước Mỹ”. Chưa hết, nhân viên và cựu nhân viên của công ty này đều tỏ ra phàn nàn về môi trường làm việc mà họ gọi là “thấp kém và không tin tưởng được”. Dish Network cũng được liệt vào hạng thấp nhất trong rất nhiều cuộc khảo sát khác nhau. |
3. T-Mobile USA Nhà mạng tại Mỹ này đang mất điểm thê thảm khi dịch vụ 4G của hãng tỏ ra thua kém quá nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác như AT&T, Verizon... Chưa kể đến dịch vụ hỗ trợ khách hàng của T-Mobile cũng là vấn đề rất đáng lưu ý. Trong nỗ lực tìm lại sự hài lòng của khách hàng, hãng đã liên kết cùng với MetroPCS, đồng thời xúc tiến phân phối điện thoại iPhone như các đối thủ. Tuy nhiên, sự thay đổi là quá nhỏ bé và quá muộn, kết quả là T-Mobile đã mất 1,5 triệu thuê bao trong 3 quý đầu năm 2012. |
4. Facebook Vấn đề lớn nhất của Facebook có lẽ nằm ở vụ chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu trong năm 2012, khi giá trị của nó nhanh chóng sụt giảm đến mức đáng kinh ngạc: từ 35 USD xuống dưới 20 USD chỉ trong vòng 3 tháng. Bên cạnh đó, tính riêng tư của người dùng không được mạng xã hội này tôn trọng đúng mực cũng khiến cho sự hài lòng của khách hàng giảm đi đáng kể. |
5. Citigroup Citigroup đã sa thải CEO Vikram Pandit – người đã dẫn dắt ngân hàng đi qua cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời cắt hợp đồng với hàng ngàn nhân viên khác, dẫn đến sự thất vọng rất lớn trong niềm tin của người lao động. Chưa dừng lại ở đó, CEO mới là Michael Corbat còn tuyên bố sẽ sa thải thêm 11.000 người nữa. Những khủng hoảng nội bộ này còn trở nên tệ hại hơn khi CitiGroup cũng có tên trong danh sách 10 công ty có dịch vụ khách hàng tồi nhất nước Mỹ. Theo Interbrand, giá trị thương hiệu của CitiGroup đã giảm 12% trong năm ngoái, và giờ chỉ bằng 2/3 đối thủ J.P. Morgan Chase & Co. |
6. Research In Motion (RIM) RIM BlackBerry đã từng là smartphone ưu việt nhất trên thế giới song mới đây, thị phần của nó đã giảm 7,3% tại Mỹ và sẽ còn tiếp tục đi xuống trong năm mới. Có vẻ như sau Blackberry Storm – sản phẩm nhận những lời chỉ trích thậm tệ từ khách hàng, RIM đã không còn khả năng tung ra model nào đó có thể thu hút sự chú ý của công chúng nữa. Ngoài ra, smartphone mới nhất của nó là Blackberry 10 cũng bị trì hoãn tới vài tháng, chưa kể đến thiệt hại nửa tỷ USD từ phi vụ máy tính bảng PlayBook hồi năm 2011. Theo báo cáo của Interbrand, giá trị thương hiệu của hãng đã giảm 39% trong năm 2012. |
7. American Airlines AMR, cha đẻ của American Airlines, trong một thời gian ngắn đã hủy hoại mối quan hệ của nó với các cổ đông, chủ sở hữu trái phiếu, phi công, khách hàng, nhà cung cấp, và hầu hết các nhân viên khác. Hình ảnh của nó trong mắt khách hàng cũng trở nên tệ hại với vụ việc hành khách bị đánh đập. Thế nên, không gì ngạc nhiên khi American Airlines có tên trong cả danh sách những hãng hàng không bị ghét nhất về dịch vụ khách hàng và mức độ hài lòng của nhân viên. |
8. Nokia Nokia đã đánh mất vị thế số 1 của mình trong làng điện thoại thế giới và ngay cả khi liên minh với Microsoft, hãng cũng không tránh khỏi sự sụt giảm thị phần nhanh chóng trước các đối thủ quá mạnh là Apple và Samsung. Hệ quả là cổ đông của Nokia tỏ ra rất thất vọng, khi mà giá trị cổ phiếu của nó giảm 20% trong năm 2012 và 60% trong 2 năm đã qua. Giá trị thương hiệu của đại gia Phần Lan này cũng giảm tới 16% trong năm ngoái. |
9. Sears Đầu tháng, CEO của Sears đã từ chức vì lí do “gia đình”, để lại cho chủ tịch kiêm nhà sáng lập hãng bán lẻ này là Eddie Lampert gánh nặng duy trì hai thương hiệu vốn đã là biểu tượng tại Mỹ là Sears và Kmart. Theo đó, vị CEO thứ 5 trong vòng 7 năm sẽ phải lèo lái con tàu vốn đã mất 60% thị phần trong 5 năm qua, hay thất thoát 500 triệu USD trong quý gần nhất và 2,8 tỷ USD trong vòng 1 năm trở lại đây. Các nhân viên của cả Sears và Kmart cũng phàn nàn rằng họ không thích thú gì nhiều về những trải nghiệm thu được khi làm việc cho công ty này. |
10. Hewlett-Packard (HP) 2012 là một năm đáng quên của HP khi công ty này được xem là thương hiệu máy tính tệ hại thứ 2 tại Mỹ, đồng thời thua lỗ tới 12,6 tỷ USD trong khi vẫn duy trì mức lợi nhuận ròng 8 tỷ USD trong 5 năm trước đó. Kết quả là cổ phiếu của hãng bị giảm tới 40%, 27.000 nhân viên bị sa thải và hàng loạt rắc rối pháp lý khác. Chính nhân viên của công ty này cũng nói rằng họ không thích môi trường làm việc tại đây. |
Vũ Vũ
Theo BusinessInsider/Infonet