Máu của robot
Tính tới năm 2010, con người sử dụng khoảng 8,6 triệu robot trên thế giới. Chúng phục vụ trong nhiều ngành công nghiệp và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Phần lớn robot hoạt động nhờ năng lượng mặt trời, pin, điện. Nhưng Peter Walters, một nhà nghiên cứu của Đại học Bristol tại Anh, cùng các đồng nghiệp đã phát minh một nguồn năng lượng rất độc đáo cho robot. Đó là nước tiểu.
Do nước tiểu cung cấp điện cho robot, chúng ta có thể ví nó như máu của các cỗ máy. Ảnh: Listverse |
Nhóm nghiên cứu chế tạo một loại tim nhân tạo có khả năng bơm nước tiểu người vào một “nhà máy điện” nhỏ xíu – nơi vi khuẩn biến nước tiểu thành điện. EcoBot, tên của một loại robot, đã sử dụng điện từ nước tiểu để hoạt động. Trước đây EcoBot từng sử dụng nhiều vật liệu có khả năng tái sinh để sản xuất điện, song đây là lần đầu tiên nó sản xuất điện từ nước tiểu. Nhóm nghiên cứu hy vọng EcoBot sẽ là loại robot phổ biến trong tương lai, đặc biệt là trong các dự án bảo vệ môi trường.
Giúp giới khoa học nghiên cứu biến đổi khí hậu
Thỏ đá, một loài mà người dân châu Phi gọi là pelele, là loài động vật có vú khá giống chuột lang nhà. Sở hữu thân hình nhỏ bé, thỏ đá dành nhiều thời gian cho việc sưởi nắng, ăn cỏ và lá. Nếu nhìn qua, bạn sẽ không cảm thấy thỏ đá là loài động vật quá đặc biệt. Thế nhưng các nhà khoa học lại phát hiện ra rằng nước tiểu của thỏ đá là thứ rất cần thiết để nghiên cứu biến đổi khí hậu.
Một con thỏ đá. Ảnh: arkive.org |
Thông thường, cả bầy thỏ đá chọn một vị trí mà chúng yêu thích để tiểu tiện. Do thỏ đá đi tiểu hàng ngày ở vị trí nhất định, nước tiểu của chúng ngấm sâu xuống đất và thấm vào nhiều thứ như phấn hoa, lá khô. Những thứ đó giúp các nhà khoa học tìm hiểu diễn biến của biến đổi khí hậu theo thời gian. Các nhà khoa học của Đại học Montpelier tại Pháp nghiên cứu các tầng đất chứa nước tiểu của thỏ đá rồi so sánh kết quả với các giả thuyết ngày nay về sự biến đổi của khí hậu trong quá khứ. Họ kết luận rằng những thông tin mà họ rút ra từ quá trình nghiên cứu nước tiểu của thỏ đá trùng khớp với các mô hình chuẩn nhất về biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, nước tiểu của thỏ đá phản ánh việc các hồ băng ở châu Âu biến mất trong giai đoạn cuối của kỷ băng hà gần nhất, hay hiện tượng các hồ băng tan khi trái đất trở nên ấm hơn. Vì thế, giới nghiên cứu hy vọng nước tiểu của thỏ đá sẽ giúp họ dự đoán chính xác hơn tình hình khí hậu trong tương lai.
Giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng nước ngọt
“Ghê tởm” là từ đầu tiên mà chúng ta sẽ thốt ra nếu ai đó nói về việc uống nước tiểu. Song trên thực tế các phi hành gia thường xuyên tái chế nước tiểu của chính họ để uống trong những chuyến bay trong vũ trụ. Giới khoa học khẳng định uống nước tiểu sẽ không chỉ là cảnh tượng trong những phim giả tưởng hay chuyến bay vũ trụ, mà sẽ trở thành hoạt động bình thường trong tương lai. Do nguồn nước ngọt của chúng ta đang cạn dần với tốc độ chóng mặt, các chuyên gia cho rằng tái chế nước tiểu để uống là việc mà nhân loại nên thực hiện càng sớm càng tốt.
Ảnh minh họa: Listverse |
Trong bối cảnh các nhà khoa học đã tạo ra công nghệ tái chế nước tiểu với chi phí thấp nhưng hiệu quả lại cao, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ nói rằng xử lý nước tiểu để tái sử dụng có thể là một giải pháp lâu dài đối với cuộc khủng hoảng nước sạch trong tương lai. Xử lý nước tiểu từ hệ thống nước thải là giải pháp nhanh nhất hiện nay. Thậm chí Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ còn nêu ra nhiều lợi thế của việc tái chế nước tiểu. Chẳng hạn, họ cho rằng nguy cơ đối với sức khỏe của công nghệ tái chế nước tiểu thấp hơn nhiều so với việc lấy nước từ các nguồn khác. Ngoài ra, chúng ta còn có thể thu hồi phốt pho từ nước tiểu. Hiện nay phốt pho cũng ngày càng trở nên khan hiếm hơn.
Tương lai của công nghệ xử lý nước tiểu đã bắt đầu ở Mỹ. Do hạn hán kéo dài vào năm 2012, thành phố Big Spring tại bang Texas, Mỹ đã áp dụng công nghệ tái chế nước tiểu để cung cấp nước sạch cho 27.000 dân của thành phố.
Vũ khí đáng gờm trong cuộc chiến chống ấm lên toàn cầu
Cơ quan Khí hậu Liên Hợp Quốc thông báo hàm lượng CO2 trong bầu khí quyển của chúng ta đang đạt mức cao nhất trong lịch sử. Theo họ, tới năm 2016, nồng độ CO2 trong không khí sẽ vọt lên mức 400 phần triệu, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng an toàn (350 phần triệu).
CO2, tác nhân chính của biến đổi khí hậu, hình thành một cách tự nhiên trên trái đất. Tuy nhiên, những hoạt động của con người (như sản xuất hàng hóa, sử dụng ô tô) đã khiến lượng CO2 tăng gấp nhiều lần so với mức mà trái đất có thể xử lý. Thực trạng đó khiến nhiệt độ trên hành tinh xanh tăng rất nhanh, làm các sông băng tan và hồ nước cạn ngay trước mắt chúng ta. May mắn thay, một số nhà khoa học phát hiện ra rằng hỗn hợp gồm nước tiểu và nước thải chứa dầu ô liu có thể ngăn chặn hiện tượng ấm lên của địa cầu. Hỗn hợp này có thể hấp thụ CO2 khi nó tiếp xúc với không khí.
Các nhà khoa học giải thích rằng mỗi phân tử urea trong nước tiểu tạo ra ammonium bicarbonate và ammonia – hai hợp chất có thể hấp thụ CO2 từ không khí. Khi chúng hấp thụ CO2, sản phẩm của phản ứng là ammonium bicarbonate – thứ có thể trở thành phân bón. Vai trò của nước thải chứa dầu ô liu là ngăn chặn hiện tượng “nhạt dần” của nước tiểu. Con người có thể đặt hỗn hợp nước tiểu và nước thải dầu ô liu trong ống khói của các nhà máy, nơi khí CO2 bay qua.