Năm nay, tỷ lệ chọi của kỳ thi này là 1/60, cạnh tranh nhau vị trí trong 86 cơ quan chính phủ và 23 tổ chức do chính phủ trực tiếp điều phối. Các thí sinh thi vượt qua kỳ thi sẽ nhận việc từ đầu năm 2020, theo China News.
Con số 1,44 triệu thí sinh đăng ký thi năm nay tăng 4% so với năm 2018, nhưng giảm so với 1,66 triệu thí sinh dự thi năm 2017.
Kỳ thi công chức từ lâu đã có sức hút lớn đối với người lao động tìm việc ở Trung Quốc, bởi các cơ quan chính phủ được coi có thể cho họ "bát cơm sắt", đảm bảo về an toàn và thu nhập.
Một thí sinh ôn bài lần cuối trước khi vào thi kỳ thi công chức hôm 24/11. Ảnh: Xinhua. |
Số người đăng ký thi lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu người vào năm 2009 khi Trung Quốc, giống các quốc gia khác, phải đối mặt với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một số vị trí được ứng tuyển nhiều nhất trong năm nay là tại Cục Lưu trữ Quốc gia và Cục Quản lý Thị trường về Điều tiết Thị trường.
Tất cả các ứng cử viên phải tham dự kỳ thi viết bao gồm các lĩnh vực như chính trị Trung Quốc, các vấn đề quốc tế, ngôn ngữ và logic. Những người ứng tuyển vào các vị trí trong lĩnh vực tài chính, an ninh công cộng và đối ngoại cũng phải thi bài thi kiểm tra kỹ năng chuyên môn.
Trung Quốc coi chính sách tạo thêm việc làm là ưu tiên hàng đầu trong những năm gần đây, do áp lực tăng trưởng kinh tế và số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học, theo South China Morning Post.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị của nước này ở mức 5,1% trong tháng 10, giảm so với 5,2% so với tháng 9. Trung Quốc đã tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới trong 10 tháng đầu năm nay, đạt mục tiêu cả năm của chính phủ.