Hồi kí Zinedine Zidane được chấp bút bởi hai phóng viên thể thao hàng đầu nước Pháp là Patrick Fort và Jean Philippe. Được sự đồng ý của Hà Nội books - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách - Zing.vn trích đăng một phần nội dung.
Cuối Hồi ký Zinedine Zidane. |
Marco Matterazi người đã phá tan cái kết đẹp của Zinedine Zidane
Sau giờ nghỉ, cuối cùng Pháp cũng giành thế kiểm soát trước đội Ý – đội đã yếu đi nhưng không tan vỡ, dù là trước Malouda hay Henry. Zizou đang xuống sức. Đến cuối hiệp hai, anh bị đau, đến mức còn đề nghị được thay ra, sau cú va chạm với Cannavaro. Lúc đó, anh nghĩ mình đã bị trật khớp vai. Nhưng người Ý chẳng kiêng nể anh. Anh tiếp tục chơi, gần như là không thở nổi, nhưng với rất nhiều can đảm, và thậm chí là tự hào...
Họ vẫn hòa 1-1 sau hiệp phụ thứ nhất. Công thức bàn thắng vàng, kết thúc một trận đấu theo cách bất ngờ nhất, không còn được áp dụng nữa. Thời gian càng trôi, trận đấu càng có vẻ như sẽ đi đến loạt luân lưu may rủi. Một cú sút đập xà ngang, một đường bóng may mắn chệch cột dọc, một cú sút vụng về, một lần trượt chân, hay một sơ suất bất ngờ đều có thể quyết định đội chiến thắng trong cuộc đua lớn này.
Đó là một cảm xúc bi quan và ngột ngạt: sẽ thế nào nếu lần này Zizou đá hỏng? Không có định mệnh nào tàn nhẫn hơn thế trong bóng đá. Ít nhất, đó là cách mà mọi chuyện có vẻ sẽ diễn ra, ở thời điểm này của trận đấu...
Phút thứ 108 của trận đấu nhanh chóng đến. Alou Diarra, người vào thay cho Vieira bị chấn thương, đứng gần khung thành đội Ý, theo hướng chéo. Anh chuyền bóng cho Florent Malouda, rồi Malouda đưa bóng vào vòng cấm địa.
Materazzi dùng cả hai tay kéo đuôi áo Zidane để giữ anh lại. Lỗi này có thể đáng nhận một quả penalty, nhưng dường như không ai để ý đến. Cú sút của Malouda không thành công, và bóng bay ngược lại về phía đội tuyển Pháp. Bằng tiếng Ý, một ngôn ngữ mà anh rất thành thạo, Zinedine nói với đối thủ của mình rằng nếu anh ta muốn áo của mình đến thế, thì anh sẽ sẵn sàng tặng nó cho anh ta sau trận đấu. Đây là một cách mỉa mai để làm cho Materazzi hiểu rằng hành vi của anh ta là không thể chấp nhận được.
Bị xúc phạm, hoặc như Materazzi tự nhận xét, là tức giận trước lời nói được cho là ngạo mạn – Zidane vĩ đại đề nghị tặng chiếc áo đấu cuối cùng và rất quý hiếm cho Materazzi bé nhỏ tội nghiệp! – nên hậu vệ Ý đã không tiếc lời xúc phạm anh.
Bản thân việc này đã xứng đáng bị phạt, nhưng các trọng tài còn đang mải nhìn theo bóng. Zidane chậm rãi đi ngược về vị trí của mình. Đột nhiên, anh quay người và lao đầu ra phía trước, để đáp lại những lời lăng mạ của đối thủ. Một cú húc đầu thẳng vào ngực.
Tức giận vì bị xúc phạm Zinedine Zidane đã húc đầu vào ngực Marco Materazzi. |
Materazzi cao hơn 1,9 m. Như Raymond Domenech về sau nói một cách mỉa mai, thì Materazzi có thể có khung người cao lớn nhưng việc đó cũng không ngăn được anh ta bị ngã. Nằm trên sân, Materazzi tỏ ra cố gắng để đứng dậy – điều mà người hâm mộ ở sân vận động cho là phần nào hơi phóng đại. Trận đấu bị ngừng lại. Một đám đông vây quanh cầu thủ đang nằm sân.
Hành động giả vờ hoặc phóng đại, vốn rất thường thấy trong bóng đá hiện đại, đặc biệt phổ biến đối với các cầu thủ Latin. Công chúng biết điều đó. Họ bắt đầu huýt sáo.
Trọng tài người Argentina, Horacio Elizondo, hỏi một trong các trợ lý, Dario Garcia, là có nhìn thấy sự việc không. Ông ấy bảo không. Trọng tài thứ tư, người không ở trên sân, như mọi khi, cũng phải can thiệp. Có lẽ việc xem lại hình ảnh trên video đã khiến vị trọng tài thứ tư này, Luis Medina Cantalejo, người Tây Ban Nha, nhìn thấy cú húc đầu, mặc dù ông phủ nhận việc xem video. Việc nhờ cậy đến những đoạn video quay lại bị FIFA cấm ở thời điểm đó. Nếu không, thì bàn thắng của Vieira vào lưới Hàn Quốc hẳn đã được công nhận rồi!
Chính vị trọng tài thứ tư đã bảo Elizondo phải làm gì. Trọng tài người Argentina, vốn bản thân chẳng nhìn thấy gì, đã lấy thẻ đỏ ra khỏi túi, giữ chặt trong tay và đứng thẳng, với ánh mắt nghiêm nghị, giơ nó về phía Zinedine Zidane. Hình phạt đã được đưa ra. Sự nghiệp của anh sẽ kết thúc bằng việc bị đuổi khỏi sân!
Đừng buồn, Zinedine Zidane! Chúng tôi vẫn yêu quý anh
“Zidane tóm lấy cánh tay tôi. Cậu ấy thừa nhận rằng mình đã húc đầu, nhưng hỏi tôi: Ông có nhìn thấy chuyện gì đã xảy ra trước đó không? Cậu ấy không nói với tôi là có chuyện gì đã xảy ra, hay Materazzi có khiêu khích cậu ấy không. Đó cũng không phải là một lời tố cáo ngược. Cậu ấy chỉ giải thích với tôi, một cách chính xác, và bằng tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo, là tại sao cậu ấy phản ứng như thế" – Về sau, Elizondo kể lại với tờ báo Clarin của Argentina.
Tiếng la ó trên khán đài càng to hơn. Không phải nhằm vào tác giả của cú húc đầu, điều mà hầu hết khán giả không nhìn thấy, mà nhằm vào người đã quyết định hình phạt mà đám đông không hiểu được, trừ những người có thể xem lại trên màn hình.
Những chiếc máy quay đã ghi lại mọi thứ… trừ âm thanh đó.
Đôi khi, âm thanh có thể công kích nhiều hơn cả một cử chỉ.
Liệu các cầu thủ Ý, những người rất quen với tính tình của cầu thủ kiến tạo cũ của Juve, có cố ý áp dụng chiến thuật này không? Họ có cài anh vào bẫy không?
Lịch sử bóng đá không thiếu những tuyên bố hiếu chiến, những lời thừa nhận của các cầu thủ biết cách khiêu khích những đối thủ nhất định và khiến họ nổi điên. Tuy nhiên, các cầu thủ Ý rất thận trọng, không công khai nói lên những điều như thế. Có thể có những nghi ngờ về mục đích của họ. Nhưng không có nghi ngờ gì về điều bất công đã xảy ra, trong mắt các cổ động viên Pháp.
Trọng tài đã rút thẻ đỏ để phạt Zinedine Zidane. Trận đấu cuối cùng của anh đã không có được cái kết đẹp. |
Lời tạm biệt được tưởng tượng ra với sự phô trương, với chiếc áo có ghi những lời cảm ơn, với vòng chạy danh dự, với một chiến thắng có thể xảy ra – tất cả đều đã biến mất. Kể cả nếu Les Bleus thắng, thì bữa tiệc cũng sẽ không như cũ nữa.
Zizou rời sân, cọ lên cằm và môi một cách máy móc. Anh cúi đầu, đi ngang qua chiếc bàn có chiếc cúp mà anh sẽ không chạm vào lần thứ hai. Anh đi xuống cầu thang về phía phòng thay đồ. Ở đó, anh xem nốt trận đấu, qua TV.
Khi sự khó hiểu đã trôi qua, thì những bình luận viên, không thể dựa vào gì khác ngoài những hình ảnh mà chính họ đã nhìn thấy, và cũng không biết những gì đã được nói ra trên sân, bắt đầu lên án một người mà họ từng ca ngợi hết lời chỉ vài phút trước đó. Những hành động của anh được miêu tả là “không thể tha thứ” và “không thể biện minh.”
Một phiên tòa, không có kháng cáo, thậm chí cũng chẳng có điều tra, đã bắt đầu. Zidane, người được tất cả mọi người yêu mến, thì bây giờ trở thành Zidane – kẻ tội đồ, ít nhất ở những nơi trên thế giới mà có đài truyền hình. Anh bị lên án, trước hết và nhiều hơn hết, vì đã phá tan giấc mơ của đội tuyển Pháp. Bữa tiệc đã hết. Vị vua bỗng nhiên bị nguyền rủa.
Hồi đó, đội Ý được một tờ báo bóng đá của Pháp đặt biệt danh là “những tên cướp được yêu mến”, và đến giờ vẫn chẳng có gì thay đổi. Một tuần sau trận chung kết ở Berlin, một phóng viên viết rằng đội Ý, dù hoàn toàn bị vượt trội, vẫn “xứng đáng với chiến thắng.” Họ được miêu tả là “thành công” trên bìa một tờ báo bóng đá khác, trong đó, phóng viên còn nói rằng “đạo đức vẫn còn nguyên vẹn”!
Đó là vinh quang của người chiến thắng. Adieu Zizou, vive Materazzi! Ở Ý, cầu thủ này, đôi khi được miêu tả là chuyên gia gây hấn, tấn công không hợp lệ và dùng từ ngữ cay độc, lại được chào mừng như một người anh hùng. Vào thứ Bảy ngày 15/7, sau khi giành một suất dự giải German Grand Prix, tay đua xe Valentino Rossi thậm chí còn mặc một chiếc áo có in tên Materazzi.
Khi các đồng đội trở lại phòng thay đồ, anh xin lỗi họ vì đã để lại đội hình mười người.
“Không ai giận Zizou cả. Ngoài ra, chúng tôi cũng không biết liệu việc đó có thay đổi được gì không. Anh ấy đã bị đuổi ra, chúng tôi biết là tại sao, nhưng các cầu thủ vĩ đại thường hay bị khiêu khích" - Florent Malouda nói.
“Anh ấy đâu có lén đi qua cửa sau" - Éric Abidal bực bội nói.
“Anh ấy đã đi qua cửa trước. Tất cả chúng ta đều thấy anh ấy đã đem lại gì cho bóng đá, ngay cả trong kỳ World Cup này". Lilian Thuram giải thích: “Chúng tôi cảm thấy rằng anh ấy rất thất vọng về việc bỏ lại mười người chúng tôi. Về sau, anh ấy nhận ra rằng mình đã rơi vào bẫy của các cầu thủ Ý”.
Tất cả mọi người đều muốn tập trung vào sự nghiệp của anh và quên đi cú húc đầu. Dù sao, cũng chẳng cầu thủ nào nghe thấy những gì đã được nói trên sân.
Còn một mình trong phòng thay đồ, Zinedine Zidane có cơ hội nghĩ về những gì mình đã làm, suy ngẫm về số phận của mình và đạo đức của con người trong thời đại của một gánh xiếc hiện đại. Một gánh xiếc không ở trong cái rạp lớn, mà ngay trên sân khấu World Cup.