Diego Simeone sinh ra tại Palermo, Buenos Aires trong một gia đình trung lưu. Với một người mẹ làm tóc và bố là nhân viên bán hàng, đồng thời cũng là một cầu thủ nghiệp dư, ông không có một tuổi thơ thiệt thòi và sớm hình thành tình yêu bóng đá.
Khi El Cholo bắt đầu chạy dọc theo những con phố với trái bóng da, ở đâu đó cách 10 ngàn cây số, tại La Castellane, thành phố cảng Marseille, một cậu bé được sinh ra. Là Zinedine Zidane. Có một người cha làm công việc gác đêm ở một cửa hàng bách hóa, cậu ta lớn lên khá chật vật và đến với bóng đá như một cách để đổi đời.
Sự tương phản định mệnh
Không có cùng xuất phát điểm, dễ hiểu họ xung đột trong mọi khía cạnh, từ tính cách đến triết lý. Chỉ hơi ngạc nhiên, những gì diễn ra sau đó khá trái ngược với hoàn cảnh ban đầu. Nếu như Zidane được biết đến là một cầu thủ hào hoa, đại diện cho bóng đá nghệ thuật thì Simeone là một kẻ lấy việc triệt hạ đối phương làm thú vui và yêu thích bóp chết cái đẹp.
Simeone và Zidane từng đối đầu với nhau nhiều lần khi là cầu thủ. |
Ở một số thời điểm, Zidane đi theo tiếng gọi của trái tim (như khi húc đầu vào Materazzi tại World Cup 2006), Simeone hành xử theo nhắc nhở của lý trí (khiến Beckham bị đuổi khỏi sân tại World Cup 1998).
Khi trở thành HLV, Zidane vẫn cố theo đuổi phong cách hấp dẫn, đầy ắp ham muốn tấn công và luôn khuyến khích sự tự do. Còn Simeone, gã thô kệch người Argentina đòi hỏi các học trò phải biết hy sinh, đề cao sự hiệu quả và tạo nên một đội bóng thực dụng hàng đầu thế giới.
Zidane điềm tĩnh, Simeone dữ dội; Zidane nội tâm, Simeone bộc trực, Zidane giao tiếp bình đẳng, Simeone đưa ra mệnh lệnh. Cầu thủ ở Real muốn làm việc cùng Zidane, trong khi tại Atletico, họ sẵn sàng chết vì Simeone. Simeone đã thu thập đủ các danh hiệu cao quý và cần Champions League để hoàn tất bộ sưu tập; Zidane chỉ đang bắt đầu và thật tốt nếu Champions League sẽ mở màn cho chương mới trong sự nghiệp.
Vận hội và thử thách
Nhưng, ít nhất họ cũng có điểm chung nào đó chứ? Dĩ nhiên, đó là việc cả hai đều đang chịu sự thử thách của số phận. Hai năm qua Simeone sống trong sự dằn vặt bởi thất bại tức tưởi tại Lisbon. Mỗi khi nhớ lại, El Cholo sẽ tự vấn tại sao cầm vàng lại để vàng rơi, tại sao đã không làm tốt hơn.
Cả hai đang đứng trước vận hội lớn nhất đời mình.
|
Với Zidane, kể từ trận chung kết cuối cùng mà tham dự, cảm giác cay đắng vẫn còn đó. Zizou đã có một sự nghiệp tuyệt vời nhưng lại chính tay khép lại bằng một nỗi ô nhục. Sau 10 năm, cú thiết đầu công được báo chí Pháp mô tả là “ngu ngốc và ghê tởm” mãi không được tẩy rửa.
Bây giờ, cả hai đang đứng trước vận hội lớn nhất đời mình. Tuy nhiên, có những rào cản vô hình ngăn cản họ vươn tay ra với lấy.
51 năm qua, từ sau Luis Carniglia với Real (1958, 1959) và Helenio Herrera với Inter (1964, 1965), đã không có một HLV người Nam Mỹ nào vô địch C1/Champions League. Gần nhất là Hector Cuper, người đã có 2 thất bại liên tiếp cùng Valencia hồi đầu thế kỷ. Không có nghi ngờ gì về việc, đây chính là một cái dớp và bản thân Simeone đã từng là nạn nhân.
Khó cho El Cholo nhưng cũng Zizou cũng không dễ dàng hơn. Trong lịch sử 60 năm của giải đấu danh giá nhất châu Âu, chưa từng có một quản lý người Pháp nào bước lên bục vinh quang.
Một trong hai giành chiến thắng sẽ tạo nên lịch sử |
Trước Zizou, thành tích tốt nhất của các HLV xứ lục lăng là về nhì. Albert Batteux 2 lần với Reims (1956, 1959), Didier Deschamps cùng Monaco (2004) và Wenger với Arsenal (2006).
Như vậy có nghĩa là, một trong hai người nếu giành chiến thắng, họ sẽ tạo nên lịch sử. Lần đầu cho bản thân và lần đầu cho quốc gia mình đại diện. Và trước cơ hội đầy kích thích này, Simeone và Zidane lại càng phải chứng minh, họ thực sự khác đối phương.
Thành tích đối đầu của hai đội. |
Đã có HLV ở 13 quốc gia khác nhau từng vô địch C1/Champions League. Dẫn đầu là Italy với 7 người, tiếp theo là Tây Ban Nha (6), Hà Lan (5), Anh và Đức (cùng 4), Scotland (3). Tính về số lượng, các HLV Italy cũng dẫn đầu với 11 lần đăng quang, sau đó là Tây Ban Nha (10), Anh và Đức (cùng 7), Hà Lan (5), Argentina và Scotland (cùng 4).