Bloomberg đưa tin theo số liệu vừa được công bố, nhập khẩu của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 3. Nguyên nhân là nhu cầu lao dốc vì giá cả leo thang và các lệnh phong tỏa mới.
Nhập khẩu khí đốt tự nhiên bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sụt giảm xuống còn 8 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu máy bay của Trung Quốc sẽ giảm 25.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, tương đương mức giảm 3,5%.
Nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm bởi nhu cầu lao dốc vì giá cả leo thang và các lệnh phong tỏa mới. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, IEA dự báo mức giảm là 10.000 thùng mỗi ngày. Số chuyến bay hàng ngày ở Trung Quốc đã giảm xuống thấp hơn mức đáy hồi năm 2020. Theo Airportia, số chuyến bay hôm 12/4 chỉ dưới 2.700 chuyến.
Theo Đường sắt Trung Quốc, số chuyến tàu chở khách cũng giảm xuống còn khoảng 3.000 chuyến/ngày, chỉ bằng 30% so với mức bình thường.
Các công ty chế tạo kim loại Trung Quốc cũng đối mặt với những trở ngại trong việc vận chuyển nguyên liệu thô và thành phẩm. Điều này khiến họ phải cắt giảm sản lượng.
Theo khảo sát của Shanghai Metals Market, 6 trên 12 nhà máy sản xuất dây đồng ở các khu vực gần Thượng Hải đã tạm dừng hoặc có kế hoạch ngừng sản xuất.
Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong quý I/2022 cũng giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách hàng Trung Quốc giảm mua vì giá tăng cao và nhu cầu nội địa lao dốc.
Việc phong tỏa Thượng Hải còn gây ra tình trạng tắc nghẽn tại cảng lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến ngày 11/4, số tàu container nằm chờ ngoài khơi Thượng Hải đã tăng 14% so với tháng trước.
Lệnh phong tỏa Thượng Hải khiến cảng biển lớn nhất thế giới bị tắc nghẽn. Ảnh: Bloomberg. |
Theo các chủ tàu và thương lái, tình trạng thiếu công nhân cảng cũng làm chậm quá trình dỡ hàng. Trong khi đó, những con tàu chở các mặt hàng kim loại như đồng và quặng sắt bị mắc kẹt ngoài khơi. Bởi xe tải không thể đưa hàng từ cảng đến những nhà máy chế biến.
Những biện pháp chống dịch tác động tới 17,3 triệu tài xế xe tải tại Trung Quốc. Họ không thể giao hàng tới nhà máy, khiến hoạt động sản xuất ở các trung tâm công nghiệp đình trệ. Tác động có thể lan rộng ra toàn nền kinh tế, ngay cả khi Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng phong tỏa.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, xe tải vận chuyển khoảng 3/4 tổng lượng hàng hóa. Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch khiến những tài xế xe tải nước này gặp khó. Họ buộc phải xét nghiệm âm tính với virus khi ra vào một số thành phố như Thượng Hải.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đối với hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã lao dốc trong tháng 3. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề.
Tác động lan tỏa
Một số công ty công nghệ tại Trung Quốc cũng phải ngừng sản xuất. Các hạn chế đè nặng lên một lĩnh vực vốn đã chật vật với tình trạng thiếu linh kiện.
Hầu hết nhà sản xuất công nghệ lớn - từ Semiconductor Manufacturing International Corp., Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. đến nhà sản xuất iPhone Foxconn Technology Group - đã đóng băng hoạt động trong những ngày đầu bùng dịch ở Thượng Hải.
Ngành công nghiệp ôtô cũng chịu áp lực lớn. Doanh số bán xe chở khách lao dốc 10,9% trong tháng 3. Hôm 11/4, Volkswagen cho biết các nhà máy ở Thượng Hải và Trường Xuân - thủ phủ của tỉnh Cát Lâm - đã dừng hoạt động trong nhiều tuần.
"Do tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của chúng tôi ở Trường Xuân (từ giữa tháng 3) và Thượng Hải (từ ngày 1/4) đã bị đình trệ. Điều này làm gián đoạn hoạt động sản xuất", Volkswagen tiết lộ với CNN.
Hôm 9/4, Nio - nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc - cho biết đã tạm dừng sản xuất vì những gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19.
"Kể từ tháng 3, do tình hình dịch bệnh, các đối tác cung cấp của công ty ở một số nơi như Cát Lâm, Thượng Hải và Giang Tô lần lượt tạm ngừng sản xuất và hiện vẫn chưa trở lại", công ty cho biết trong một tuyên bố.
"Do đó, Nio phải tạm dừng hoạt động sản xuất ôtô", công ty cho biết. Hãng xe điện Trung Quốc cũng hoãn giao xe cho người mua.
Ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc chao đảo vì các nhà máy đóng cửa, những sự kiện ra mắt mẫu xe mới bị trì hoãn, doanh số bán hàng lao dốc. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ các nhà sản xuất xe, triển lãm ôtô Bắc Kinh - một trong những triển lãm lớn nhất của ngành công nghiệp toàn cầu - cũng bị hoãn lại vì làn sóng Covid-19 mới. Ban đầu, sự kiện dự kiến được tổ chức từ ngày 21/4 đến ngày 30/4.
Doanh số bán cần cẩu - chỉ số quan trọng của ngành công nghiệp xây dựng - cũng giảm 64% trong tháng 3.
Doanh số bán nhà cũng giảm sâu vào tháng trước. Theo dữ liệu của China Real Estate Information Corp., 100 công ty bất động sản lớn nhất cả nước đã chứng kiến doanh thu giảm 53% so với một năm trước đó.
Các lệnh phong tỏa cũng khiến giá thực phẩm tăng cao, đồng thời cản trở mùa gieo trồng chính của Trung Quốc. Điều này có thể đe dọa an ninh lương thực của đất nước 1,4 tỷ dân.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá rau tươi tháng 3 tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Để so sánh, giá rau giảm 0,1% trong tháng 2.
Nông dân tại một số vùng phía đông bắc Trung Quốc - nơi sản xuất hơn 1/5 sản lượng ngũ cốc của đất nước - đã đối mặt với những hạn chế khiến họ không thể cày ruộng hay gieo hạt.