Ngày còn học cấp 3, Zelda đã có thói quen quan sát mọi thứ xung quanh. Cô để ý những người bạn cùng lớp và thấy rằng, ai cũng có những đặc điểm thú vị.
Lúc đó, cô để ý một cô bạn trong lớp, người này ít nói nhưng với Zelda, người bạn đó chứa đựng một thế giới nội tâm thú vị cô muốn được khám phá. Lấy ý tưởng từ đó, Zelda viết truyện ngắn Cột đèn trước cửa, trong câu chuyện, cô tạo dựng một thế giới khác. Và Zelda tạo dựng những nhân vật yêu thương người bạn ít nói này.
“Tôi không giỏi trò chuyện, thành ra muốn kết thân với một ai đó thật khó khăn. Tôi chọn cách viết để giải toả những điều tôi mong muốn”, Zelda chia sẻ. Cột đèn trước cửa cũng là truyện ngắn đầu tiên Zelda sáng tác, và nó cũng xuất hiện trong tập truyện ngắn mới nhất của cô Đây không phải truyện cổ tích – vừa được phát hành vào ngày 16/12.
Đây không phải truyện cổ tích – do cô lựa chọn truyện ngắn từ "kho tàng" sáng tác của mình và tự soạn bản thảo. Trong đó, có nhiều câu chuyện cũ, từng được đăng trên các tạp chí học trò, những cũng có những câu chuyện mới. Theo Zelda, tập truyện ngắn này bao gồm những suy nghĩ tuổi học trò mà cô ghi lại. Khi lớn lên rồi, Zelda nhìn nhận cảm xúc tuổi học trò một cách khác hơn, hoàn toàn không giống như những gì từng nghĩ.
“Hồi đấy tôi còn trẻ, không biết ngoài kia có gì. Tôi sống bởi lời nói và hình vẽ của tivi và máy tính, và cả những bộ phim. Thế giới chỉ có những gì tôi biết, bạn bè, gia đình trường học. Tôi từng tạo dựng ý nghĩ, dựng những bộ phim mà mình làm nhân vật chính. Ai cũng muốn có "happy ending" như truyện cổ tích”, Zelda chia sẻ.
“Do đó, tên sách Đây không phải truyện cổ tích có thể hiểu theo 2 nghĩa. Thứ nhất, mọi thứ rồi sẽ không đẹp như truyện cổ tích, nhưng ở chiều ngược lại, mọi người có thể nghĩ rằng, điều đẹp đẽ này là thật đấy, nó hoàn toàn không phải truyện cổ tích”, Zelda cho biết thêm.
Hai truyện ngắn trong tập truyện này gợi lên luồng suy nghĩ đó cho độc giả là Đây không phải truyện cổ tích và Cánh buồm đỏ thắm.
Cuốn Đây không phải truyện cổ tích của tác giả Zelda. |
Zelda, 26 tuổi, thuộc cung Nhân Mã và… rất bí ẩn. Nhiều độc giả tò mò muốn biết mặt cô nhưng dù đã phát hành 2 tập truyện ngắn và 1 tập thơ, Zelda vẫn chưa từng có một buổi ra mắt sách, cũng như chưa từng giao lưu kí tặng với độc giả.
Tự nhận mình là “chim cánh cụt di cư không theo mùa” và thường “lêu hêu ở sân bay”. Zelda lý giải rằng, cô là một chú chim cánh cụt và không có khả năng bay, nhưng thích ôm mộng di cư nên tận dụng mọi lúc mọi nơi để đi.
Zelda đi nhiều và trải nghiệm văn hoá nhiều, nên sẽ không ngạc nhiên khi truyện của cô rất giàu bối cảnh. Cô có thể đưa độc giả đi du lịch bằng những trang sách, những khung cảnh lãng mạn ở Nhật, Hàn hay những hàng quán ở châu Âu. Zelda cho rằng, cô có thể tạo dựng nhân vật, nhưng những bối cảnh trong truyện của cô là thật, cô thích đưa vào truyện vì theo cô cảm nhận, những địa điểm đó quá đẹp và tạo cảm xúc cho mình.
Anh Nguyễn Đức Long, phụ trách Tủ sách 2!waybook nói về tác giả đặc biệt này: “Lần đầu tiên tôi gặp Zelda là năm 2011 để bàn về việc cộng tác truyện ngắn. Ấn tượng ban đầu là một cô gái ít nói, mắt lúc nào cũng nhìn xuống, nhưng khi cởi mở hơn thì nói rất nhiều, cá tính mạnh, thực dụng và có vẻ khá hiếu thắng".
“Zelda sử dụng ngôn ngữ rất tốt, linh hoạt, chắc chắn nhưng cũng rất tự nhiên. Truyện của cô thường có nhiều lớp lang, đôi khi là những ẩn dụ buộc người đọc phải tư duy. Truyện cô phù hợp với người đọc muốn đọc những trang viết sâu, không hời hợt, không dành cho người lười suy nghĩ. Đọc xong luôn có dư vị lắng lại khiến những ai đã thích đọc Zelda sẽ nhớ mãi chứ không phải thứ văn chương nhàn nhạt, dễ dãi, "tự phong thánh" tràn lan hiện giờ, gập sách là quên”, anh Nguyễn Đức Long nhận xét về điểm mạnh của Zelda.
Zelda - cây bút trẻ "bí hiểm". |
Song song với bối cảnh, truyện của Zelda giàu các loại hình nghệ thuật. Cô được xem như một “tastemaker” về nghệ thuật trong truyện học trò. Cô giới thiệu cho độc giả những tượng đài âm nhạc, khéo léo dẫn dụ độc giả vào mê nhạc của Leonard Cohen hay Jimi Hendrix. Những bộ phim kinh điển cũng được cô sử dụng thành những tình tiết đặc biệt, khiến câu truyện mang nhiều màu sắc và tạo ra nhiều tầng ý nghĩa cho truyện. Ngoài ra, cô cũng thường giới thiệu những thuật ngữ về ẩm thực, thời trang, những thứ góp phần xây dựng tính cách của những nhân vật.
Zelda cho rằng, âm nhạc, điện ảnh, thời trang hay ẩm thực là “vũ khí” thay cho từ ngữ. Cô nghe nhiều, xem nhiều, đọc và trải nghiệm văn hoá nhiều, nên chủ ý khai thác nó. “Nghĩ ra từ mới thế nào cũng không bao giờ mô tả chính xác cảm xúc của con người. Khi đề cập đến một nhân vật thích nghe nhạc Pink Floyd, độc giả có thể tự có những suy nghĩ miêu tả chính xác cho nhân vật đó”, Zelda cho biết.
Zelda đích thị là một tastemaker cho độc giả của cô. Cô khoe rằng, mình còn những lựa chọn về văn hoá, nghệ thuật mà theo cô là độc giả nên biết. Truyện của Zelda nhiều khi như tạp chí Rolling Stone, ở đó – nghệ thuật cô chọn giới thiệu luôn có “taste” (hương vị) riêng biệt và độc đáo.
"Gần một thế kỷ trước, lần đầu tiên người Đức giới thiệu chiếc bóng đèn chớp nổ bốc khói mỗi lần bấm máy ảnh. Sự kiện quan trọng, người nổi tiếng, những sáng chế, những lần đầu tiên, đều được khắc nét sống động qua mỗi lần những bóng đèn ấy lóe sáng trong tích tắc rồi vỡ tan. Những khoảnh khắc ấy, dù có đi qua bao năm tháng vẫn không thể tì vết, sáng vẹn nguyên trong tâm khảm. Những khoảnh khắc ấy, được gọi là flashbulb memory – kí ức đèn chớp.
Chúng ta rồi sẽ quên hết. Chúng ta rồi sẽ nhớ một ngày này với một ngày khác, một người này với một người khác, một không gian này với một khung cảnh khác. Vì khoa học đã chứng minh, kí ức chúng ta không phải là quá khứ. Thứ duy nhất có thể níu kéo, có thể giữ sự xác tín của bản thân, là những kí ức mà thời gian ngưng đọng, đóng khung trong bức ảnh qua tiếng nổ đèn chớp kia. Là người đầu tiên, chạm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, vỡ tan đầu tiên. Là bí mật, là điều không thể nói, là tuổi trẻ dở dại nghĩ không gì là không thể, không bao giờ là quá muộn. Là yêu thương và lo sợ như chưa từng biết đến vỡ tan là gì.
Với bạn, tất cả điều đó, tất cả tấm ảnh đó, tất cả flashbulb memory đó, là điều đẹp đẽ. Là lí do tuổi thanh xuân lãng phí vào người trẻ. Là lí do để một ngày, như chiếc boomerang đã ném đi, sẽ tìm cách quay về nơi đã chứng kiến và trải nghiệm mọi khoảnh khắc, có thể chỉ là trong đầu chúng ta. Khi ấy, chúng ta đã đi qua quãng đường dài, có thể ngồi xuống, đón nhận một cách bao dung và dịu dàng. Có thể mỉm cười, và nói với chính mình. Không phải là truyện cổ tích đâu."
Lời tựa Đây không phải truyện cổ tích