Thập niên vừa qua là thời vàng son của ngành công nghiệp smartphone. Cấu hình, tính năng, máy ảnh trên điện thoại thông minh đều có những sự phát triển vượt bậc. Từ một thiết bị xa xỉ, smartphone đã trở thành sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có một điểm ít thay đổi trong 10 năm qua, đó chính là kiểu dáng smartphone. Chúng ta gần như đã chấp nhận dạng thanh là kiểu dáng hợp lý nhất cho màn hình cảm ứng, và hầu như mọi thiết kế khác đều đã bị loại bỏ. Đó là điểm trái ngược nếu so với thập niên 2000, khi đếm nhanh cũng có thể nhớ ra một loạt điện thoại với những kiểu dáng khác nhau: Vỏ sò, dạng thanh, phím xoay xoay.
Kiểu dáng thanh cũng trở thành hạn chế cho một nghịch lý. Đó là người dùng thích màn hình càng lớn càng tốt, nhưng bản thân chiếc smartphone không thể quá to. Để có màn hình lớn hơn, những mẫu smartphone ngày càng dài, và tỷ lệ đó lại không tối ưu để hiển thị nhiều nội dung.
Sự vượt trội về công nghệ giúp giải bài toán khó
Đứng trước nghịch lý này, lựa chọn đơn giản nhất để giải quyết lại nằm ở kiểu thiết kế vỏ sò trong quá khứ, khi chiếc điện thoại có thể gập lại chỉ bằng một nửa. Dù ý tưởng đã có, đây lại là thách thức không hề nhỏ về mặt công nghệ với điện thoại cảm ứng. Làm thế nào màn hình điện thoại có thể gập gọn lại?
Đó là câu hỏi khiến nhiều hãng smartphone đau đầu. Phải đến vài năm gần đây, công nghệ màn hình OLED dẻo kích thước nhỏ cho di động mới được thương mại hóa thành công. Là hãng đi đầu về công nghệ hiển thị, Samsung đã nhanh chóng ứng dụng màn hình dẻo trên những mẫu Galaxy Fold, trong đó Z Fold 2 là thế hệ thứ 3.
Tất nhiên, thiết kế smartphone gập không chỉ cần màn hình. Quá trình phát triển một mẫu smartphone với kiểu dáng hoàn toàn mới phải trải qua rất nhiều quyết định quan trọng. Chỉ riêng việc gập màn hình vào trong để tăng độ bền, hay gập ra ngoài để tạo điểm nhấn ngoại hình cũng là một vấn đề cần tính toán.
Thực tế sử dụng, việc đóng và mở hàng chục lần mỗi ngày tạo ra áp lực lớn cho cơ cấu bản lề. Với cơ chế hoạt động như vậy, không khó hiểu khi bản lề là chi tiết thiết kế quan trọng nhất trên những chiếc smartphone, quyết định độ bền và ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của người dùng.
Bước đi vượt giới hạn của Samsung với Z Fold2 vẽ ra tương lai smartphone cho người dùng. |
Vì thế, bản lề cũng là điểm mà Samsung đầu tư nhiều nhất để cải tiến trên Galaxy Z Fold2. Nói về thiết kế bản lề, cây viết Dieter Bohn của The Verge cho rằng Samsung đã bỏ rất nhiều công sức để có một mẫu smartphone gập bền hơn.
Tổng thể cơ cấu bản lề của Z Fold2 bao gồm hơn 60 linh kiện. Cụ thể hơn, hãng sử dụng 8 kết cấu CAM để chiếc điện thoại có thể giữ cứng cáp ở mọi góc. Những chổi cao su siêu nhỏ được đưa vào bản lề để liên tục đẩy bụi ra. Cuối cùng, phần nhựa xung quanh viền sẽ thu hẹp hết mức những khe hở của bản lề, đảm bảo cơ cấu này bền bỉ hơn.
Kinh nghiệm cơ khí vượt trội cùng với công nghệ hiển thị hàng đầu đã giúp Samsung giải cùng lúc nhiều bài toán, mang lại mẫu Galaxy Z Fold2 ngoại hình nhỏ gọn nhưng trải nghiệm vẫn trọn vẹn.
Trong bài đánh giá mẫu điện thoại này, The Verge thừa nhận Galaxy Fold đã “tự tạo ra một dòng sản phẩm mới”. Thay vì loay hoay với những cách thu gọn viền và tăng kích thước, bước đi vượt giới hạn của Samsung vẽ ra tương lai smartphone cho người dùng.
Mở ra tương lai cho ngành công nghiệp smartphone
Là hãng smartphone số một thế giới, Samsung hiểu rõ rằng người dùng ngày càng có nhu cầu cao hơn với thiết bị mang theo bên mình. Không dừng lại ở nhu cầu công việc hay giải trí, chiếc smartphone ngày càng mang tính cá nhân hóa cao hơn, đặc biệt là với dòng sản phẩm cao cấp.
Sự kết hợp giữa những công nghệ cao cấp, kiểu dáng độc đáo của Galaxy Fold thế hệ đầu tiên đã thu hút nhiều người hâm mộ trong giới công nghệ. Ở thế hệ mới nhất, Samsung còn mang lại cho dòng sản phẩm Z Fold2 nhiều lựa chọn hơn để người dùng ghi dấu ấn cá nhân cho chiếc điện thoại.
Z Fold2 cho phép người dùng cá nhân hóa thiết bị ngay từ dây chuyền sản xuất. |
Không chỉ có thiết kế phức tạp, phần bản lề của Z Fold2 còn có thể tùy chọn màu sắc, với 4 gam màu nổi bật. Những màu sắc này đều đã được tinh chỉnh, lựa chọn kỹ càng để phù hợp nhất với cả 2 phiên bản màu của Z Fold2. Mẫu bản lề cá nhân hóa được Samsung thực hiện ngay trong dây chuyền nhà máy, mang lại trải nghiệm giống như đặt hàng một sản phẩm thời trang xa xỉ.
Đó chỉ là một trong những “đặc quyền” mà người dùng Galaxy Z Fold2 nhận được. Trước đó, những người dùng đầu tiên sở hữu Z Fold2 tại Việt Nam được tùy chọn khắc tên, số định danh thiết bị để đảm bảo mình sở hữu một thiết bị “không đụng hàng”. Bên cạnh đó còn là những ưu đãi dành riêng cho những người mua Z Fold2, như đường dây hỗ trợ ưu tiên, gói bảo hành mở rộng hay phòng chờ thương gia ở các sân bay.
Đột phá về công nghệ là chưa đủ, Samsung còn biết cách đưa ra những trải nghiệm độc đáo, không trùng lắp cho người dùng Galaxy Z Fold2. Điều đó khiến cho mức giá 50 triệu, đắt hơn bất kỳ mẫu smartphone nào trên thị trường hiện nay, không còn là rào cản với những người đã “mê” chiếc điện thoại gập.
“Tôi là fan trung thành của chiếc Fold đời đầu, và cực kỳ hào hứng với chiếc Z Fold2 vừa được giới thiệu. Rõ ràng mức giá của nó không phải dành cho mọi người, nhưng tôi nghĩ rằng đây là tương lai của hình thái smartphone, và tôi rất háo hức được thử dùng", ông Bob O'Donnell, Chủ tịch, chuyên gia phân tích của TECHnalysis Research chia sẻ với Zing ngay sau khi Samsung giới thiệu mẫu Z Fold2.