Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Yuval Noah Harari: 'Niềm tin là sức mạnh của loài người'

Tác giả “Sapiens: Lược sử loài người” cho rằng con người thống trị thế giới nhờ khả năng đặc biệt là tạo ra và tin những câu chuyện viễn tưởng.

Yuval Noah Harari anh 1

Sapiens: Lược sử loài người (NXB Dân Trí liên kết Omega+ phát hành) được đánh giá là “câu chuyện đột phá về sự tiến hóa của loài người”, trở thành sách bán chạy toàn cầu.

Sau thành công của tác phẩm, phiên bản sách tranh đã ra đời tập đầu tiên. Tại Việt Nam, Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh tập 1 được yêu thích không kém phiên bản gốc. Sách mới phát hành đã tái bản.

Tác giả Yuval Noah Harari - giáo sư khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem (Israel) - trả lời Zing về quá trình viết sách và quan điểm về nghiên cứu lịch sử.

Sức mạnh của loài người

- Điều gì khiến ông xuất hiện như một nhân vật trong "Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh"?

- Khi hai họa sĩ Daniel và David lần đầu gợi ý tôi nên trở thành một nhân vật trong Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh, tôi đã từ chối. Trong các tác phẩm của mình, tôi thường giữ cho bản thân đứng ngoài nội dung. Và trong cuốn sách tranh, tôi không muốn để bản thân xuất hiện với tư cách một người thông thái, biết mọi thứ và giải thích mọi điều.

Cuối cùng, tôi đồng ý xuất hiện trong cuốn sách với tư cách một nhân vật với điều kiện rằng tôi không phải nhà khoa học duy nhất trong cuốn sách. Vì vậy, chúng tôi đã thêm vào một vài nhân vật nhà khoa học khác.

Một số trong đó là người thật, ví dụ giáo sư Robin Dunbar. Một số trong đó là nhân vật viễn tưởng, điển hình như giáo sư Saraswati. Giáo sư Saraswati là một trong những nhân vật tôi yêu thích nhất.

Việc thêm những nhà khoa học khác vào cuốn sách rất quan trọng, bởi lẽ khoa học chưa bao giờ là thành quả của một cá nhân. Khoa học luôn hình thành từ sự nỗ lực của nhiều người.

Đa số kiến thức của tôi trong ngành khảo cổ học, di truyền học và lịch sử đều dựa trên thành quả nghiên cứu của rất nhiều đồng nghiệp. Giả dụ, làm sao tôi có thể biết được rằng 50.000 năm trước, một vài Homo Sapiens đã giao phối với người Neanderthals?

Tôi chưa bao giờ khai quật khảo cổ học và cũng không biết cách xác định niên đại của xương, cũng như lập bản đồ DNA cổ đại. Nhưng tôi đã đọc nghiên cứu của các nhà khảo cổ học và di truyền học chứng minh một cách thuyết phục rằng, đúng vậy, 50.000 năm trước, ít nhất một vài người Homo Sapiens đã giao phối với người Neanderthans.

Họ không đơn thuần chỉ giao phối, mà đã có con với nhau. Vì vậy, trong cuốn Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh, người giải thích những hiểu biết về tập tục giao phối của tổ tiên chúng ta không phải là tôi, mà là giáo sư Saraswati.

Yuval Noah Harari anh 2

Nhà sử học Yuval Noah Harari. Ảnh: Sapienship.

- Quá trình thực hiện phiên bản graphic của "Sapiens", câu chuyện nào đáng nhớ nhất với ông?

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong quá trình làm nên Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh là hành trình chúng tôi tạo ra tiến sĩ Viễn tưởng (Dr. Fiction). Cuốn sách đưa ra quan điểm rằng loài người thống trị thế giới nhờ khả năng đặc biệt là tạo ra và tin tưởng vào những câu chuyện viễn tưởng. Vâng, đó chính là sức mạnh siêu nhiên của chúng ta.

Ở cấp độ cá nhân, loài người không mạnh mẽ hơn gì so với tinh tinh, voi. Nhưng nếu tụ tập 1.000 con người lại và so sánh với 1.000 con tinh tinh, loài người sẽ chiến thắng dễ dàng vì tinh tinh không thể phối hợp với nhau một cách hiệu quả. Nếu nhồi nhét hàng nghìn con tinh tinh vào Phố Wall hay bất cứ sân vận động lớn nào, những gì nhận lại được sẽ chỉ là hỗn loạn.

Mặt khác, nếu nhồi nhét hàng nghìn con người vào những nơi này, kết quả nhận được sẽ là những mạng lưới giao thương, lễ hội văn hóa và những hội thi thể thao.

Điều gì đã khiến cho loài người có thể phối hợp ăn ý với số lượng đông như vậy? Đáp án chính là những câu chuyện viễn tưởng. Con người là loài động vật kể chuyện. Chúng ta tư duy bằng những câu chuyện và miễn là cùng tin vào một câu chuyện, chúng ta sẽ tuân theo những quy luật giống nhau.

Hãy lấy ví dụ một tờ đôla, bản thân nó không hề có giá trị. Bạn không thể ăn nó, uống nó, hay mặc nó. Giá trị của tờ đôla đến từ những câu chuyện mà những người làm ngân hàng kể cho chúng ta - những câu chuyện chúng ta đều tin vào.

- Việc tham gia như một đồng tác giả trong tập 1 bộ sách tranh mang tới cho ông điều gì?

- Khi nhìn lại, Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh là dự án vui nhất tôi từng tham gia và tôi rất hài lòng với sản phẩm cuối cùng. Tôi đã dành nhiều thời gian cười vui vẻ hơn khi làm Lược sử bằng tranh so với khi viết bản Sapiens gốc. Giá trị lớn nhất mà cuốn sách này mang lại cho tôi chính là việc nó đã giúp tôi tiếp cận được những đối tượng độc giả hoàn toàn mới.

Chúng tôi biết rằng nhiều độc giả không đọc sách thể loại hàn lâm. Vì vậy, chúng tôi muốn mang tri thức khoa học đến những độc giả đó theo một cách mới mẻ và thú vị. Chúng tôi mong rằng sau khi đọc cuốn Lược sử bằng tranh này, mọi người sẽ khám phá được chuyện gì đã xảy ra hàng nghìn năm trước mà vẫn ảnh hưởng lối sống, những gì ta ăn và người ta cưới trong hiện tại.

- Khi thể hiện bằng hình ảnh, tức là sách mang tới một hình dung cụ thể tới bạn đọc. Nhóm tác giả làm gì để hiện thực hóa câu chuyện, thông tin hàng chục nghìn năm trước?

- Điều khác biệt lớn nhất chính là việc làm ra cuốn Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh yêu cầu chúng tôi phải nghiên cứu nhiều hơn rõ rệt so với cuốn Sapiens nguyên tác. Lý do đằng sau điều này chính là, ngôn ngữ có thể trừu tượng, nhưng hình ảnh lại luôn phải cụ thể.

Trong một cuốn sách hàn lâm, bạn có thể chỉ viết rằng “Người Sapiens giao phối với người Neanderthals”. Nhưng khi bạn thực sự vẽ lại cảnh tượng đó, bạn phải trả lời rất nhiều câu hỏi. Bạn nên vẽ một người đàn ông Sapiens giao phối với một phụ nữ Neanderthal, hay ngược lại một phụ nữ Sapiens giao phối với một người đàn ông Neanderthals? Hay họ là một cặp đồng tính? Màu da và màu tóc của họ là gì?

Để tìm ra đáp án cho những câu hỏi đó, chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều về những chủ đề như giới tính và sắc tộc ở thời kỳ đồ đá.

Một phần thách thức về trí tuệ của dự án này chính là còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về thời kỳ đồ đá. Chúng ta có rất nhiều dụng cụ cũng như các bức họa trên hang từ thời đồ đá, nhưng những tư liệu này không giúp chúng ta tái hiện được một cấu trúc gia đình trung bình tồn tại giữa những người săn bắt hái lượm cổ đại, hoặc tìm hiểu những loại câu chuyện họ đã kể xung quanh lửa trại.

Vậy nên, có rất nhiều thông tin cơ bản về thời kỳ đồ đá vẫn đơn thuần chỉ là một bí ẩn. Một khó khăn khác chính là tốc độ của những nghiên cứu khoa học.

Ví dụ, hiểu biết khoa học của chúng ta về người Neanderthals đã trải qua một quá trình tiến hóa chỉ trong vòng 10 năm trước. Ý niệm phổ biến rằng người Neanderthals không quá thông minh hay tân tiến đã thay đổi. Bây giờ, chúng ta biết rằng họ có những công nghệ phức tạp và có thể nghệ thuật và văn hóa của họ cũng vậy.

Khi viết cuốn sách này, chúng tôi phải kết hợp tất cả ý tưởng mới này, đồng thời phải đối mặt với sự mơ hồ và không chắc chắn xung quanh những giai đoạn đầu tiên của lịch sử loài người.

Yuval Noah Harari anh 3

Sách Sapiens: Lược sử loài người bằng tranh tập 1. Ảnh: Omega+.

Truyền tải khoa học bằng những câu chuyện dễ hiểu

- Từ khi sách xuất bản tiếng Anh, “Sapiens” trở thành cuốn sách bán chạy toàn cầu với 21 triệu bản. Theo ông, đâu là nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của tác phẩm?

- Tôi nghĩ rằng cuốn sách đã thành công bởi nó đáp ứng được một nhu cầu thiết thực. Chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập toàn cầu, nhưng đa số trường học và sách vở lại chỉ dạy ta về lịch sử bản địa. Họ quá tập trung vào một quốc gia hoặc một nền văn hóa.

Nhưng trong thời đại hiện nay, số phận của chúng ta phụ thuộc vào những phát kiến công nghệ ở San Francisco, tác động sinh thái của các nhà máy ở Ấn Độ… Để hiểu về tương lai, bạn cần biết lịch sử của cả thế giới và những thách thức mà toàn thể nhân loại phải đối mặt. Đây chính là điều mà Sapiens cố gắng mang đến.

Để hiểu về tương lai, bạn cần biết lịch sử của cả thế giới và những thách thức mà toàn thể nhân loại phải đối mặt.

Yuval Noah Harari

Khi các nhà khoa học giao tiếp với nhau, họ thường truyền tải thông tin dưới dạng số liệu và bảng biểu. Tuy vậy, điều đó lại không hề hiệu quả với đa phần công chúng. Mọi người cần thông tin và những câu chuyện.

Trong thời đại của quá nhiều thông tin sai lệch và nhân tố gây sao nhãng, họ cũng cần một sự rõ ràng.

Tôi viết ra Sapiens với mục đích giúp mọi người có thể nhìn thế giới một cách rõ ràng hơn và để thúc đẩy mọi người tham gia vào những cuộc tranh luận quan trọng nhất của thời đại chúng ta.

- Ông có thông điệp gì gửi bạn đọc Việt Nam khi “Sapiens: A Graphic History” được phát hành tiếng Việt?

- Hàng năm, tôi thường trả lời phỏng vấn sau khi tham gia một chuyến thiền tĩnh lặng. Tôi cũng trả lời các bạn sau khóa thiền.

Trong năm qua, chúng ta không chỉ phải đối phó một loại virus truyền nhiễm mà còn phải đương đầu với những suy nghĩ lây nhiễm được thúc đẩy bởi các phương tiện truyền thông.

Khi đại dịch này kết thúc, tôi hy vọng mọi người có thể dành một chút thời gian nghỉ ngơi tĩnh lặng để tâm trí được giải độc và phục hồi.

Yuval Noah Harari (sinh năm 1976) là nhà sử học người Israel, giáo sư khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông nổi tiếng toàn cầu với loạt sách bán chạy: Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử tương lai21 bài học cho thế kỷ 21.

Vén màn sương huyền thoại về Napoléon

Cuốn tiểu sử “Napoléon Bonaparte” tái hiện chân dung sống động về một trong những nhân vật nổi tiếng, gây tranh cãi bậc nhất lịch sử thế giới.

Yuval Noah Harari: Covid-19 sẽ không làm con người khiêm nhường hơn

Yuval Noah Harari đặt ra câu hỏi liệu đại dịch Covid-19 sẽ khiến chúng ta dễ dàng chấp nhận cái chết hơn, như những thế hệ đi trước, hay nỗ lực hết mình để kéo dài sự sống hơn?

Y Nguyên

Ảnh: Sapienship

Bạn có thể quan tâm