Theo bảng điểm chuyên gia của Zing, Yuno Bigboi là một trong ba thí sinh có chỉ số chuyên môn cao nhất top 24 Rap Việt. Nam rapper cũng được nhiều người kỳ vọng sẽ giành ngôi vị quán quân. Tuy nhiên, Yuno Bigboi đã phải rời khỏi cuộc chơi sau vòng đấu gay cấn ở bảng F - bảng đấu được mệnh danh "bảng tử thần".
Nói về việc góp mặt trong cuộc thi, rapper sinh năm 1996 cho biết anh đăng ký tham gia với tâm thế và lòng tin mình sẽ là người chiến thắng. "Nếu không được anh Binz quăng nón cứu, tôi sẽ sốc và hối tiếc nhiều lắm, vì bản thân đã tự tin tới mức ấy vậy nhưng lại chỉ đi được tới vòng hai", Yuno Bigboi chia sẻ trong buổi trò chuyện cùng Zing.
"Nếu tôi trở thành bản sao của ai đó, thì phải là anh Karik mới đúng"
- Sau phần thi "Gu của anh là châu Á" ở vòng Bứt phá, khán giả nhận định anh đã đánh mất bản sắc riêng ở các vòng thi trước, thay vào đó là hình ảnh và màu sắc của huấn luyện viên (HLV) Binz. Anh phản hồi thế nào về nhận xét trên?
- Nếu tôi ở trong team Binz và mang được màu sắc của HLV vào bài thi, đó phải là chuyện tốt chứ? Bởi điều đó chứng tỏ tôi học hỏi được nhiều điều từ thầy. Khi đi thi, ngoài mục tiêu chiến thắng, chúng tôi còn có mục đích để trau dồi, học tập thêm.
Yuno Bigboi phủ nhận nhận định anh thay đổi màu sắc âm nhạc, trở thành bản sao của HLV Binz. Ảnh: Anh Khoa. |
Tuy nhiên, nếu chỉ qua phần thi Gu của anh là châu Á để nhận xét rằng tôi đã đánh mất màu sắc của bản thân, tôi cho rằng đây là nhận định chủ quan. Ngoài việc sử dụng câu nói “Gu của anh là châu Á”, tiết mục của tôi có flow, chất nhạc, cách rap... khác biệt hoàn toàn so với phong cách quen thuộc của anh Binz.
Tôi từng làm nhiều bài hát có màu sắc âm nhạc tương tự Gu của anh là châu Á, khán giả có thể xem lại trên mạng. Nếu có giống, tôi nghĩ chỉ giống ở việc viết theo phong cách thả thính mà thôi. Thật ra, nếu nói tham gia Rap Việt khiến tôi trở thành bản sao của ai khác như anh Binz, thì phải là anh Karik mới đúng. Bởi vì anh đã làm việc với tôi tới hai tiết mục.
- Nhưng không phải ngẫu nhiên khán giả nhận định như vậy, đặc biệt khi hầu hết thí sinh đội Binz đều bỏ qua phong cách quen thuộc để bước lên sân khấu với hình ảnh bad boy, ăn mặc sành điệu và rap về những cuộc tình?
- Tôi nghĩ đây là vấn đề hiệu ứng tâm lý đám đông. Từ đó dẫn đến việc khán giả cho rằng thí sinh đội Binz dần trở thành bản sao của anh ấy. Mỗi người trong cuộc thi đều có "chất" riêng, không ai giống ai.
Tôi cũng không biết liệu giống HLV thì có lợi hay có hại, bởi đơn giản tôi vẫn cho rằng mọi người đang duy trì được màu sắc riêng, nên tôi không nhận định được thiệt hơn nếu trở thành bản sao của HLV.
Các rapper đến với Rap Việt chỉ để mang ra ánh sáng màu sắc, cá tính có sẵn của chính họ. Chúng tôi chỉ trau dồi, học hỏi thêm những kinh nghiệm từ người hoạt động lâu năm như anh Binz. Những kinh nghiệm trên không liên quan, cũng không ảnh hưởng màu sắc âm nhạc.
- Còn có nhiều ý kiến cho rằng anh bại trận trước Ricky Star ở bảng F vì "Gu của anh là châu Á" chưa đủ "đô", chưa xứng tầm tiết mục thi đấu vòng Bứt phá?
- Ban đầu, tôi tự tin lắm. Trong đầu tôi luôn tự nhắc nhở rằng đây là cuộc thi, không phải nơi giao lưu, và tôi tin mình có thể vươn đến ngôi vị quán quân mới đăng ký thi dự thi. Tôi không thích hai chữ thua cuộc.
Ở vòng Chinh phục, tôi đi về ngay sau khi ghi hình, không biết những tiết mục khác. Vậy nên, tôi vẫn nghĩ mình có cơ hội vào chung kết và giành quán quân (cười). Nhưng tới vòng Đối đầu, nhiều bạn bắt đầu bộc lộ khả năng còn ẩn giấu. Lúc đó, tôi đã thay đổi suy nghĩ, cảm thấy bản thân rơi vào trạng thái mơ hồ, lo lắng. Tôi không nắm chắc khả năng giành được chức quán quân nữa.
Đã đi tới vòng Bứt phá rồi, tôi không còn suy nghĩ hiếu thắng, muốn giành ngôi vô địch nữa. Điều tôi muốn làm chỉ là bộc lộ những điểm tốt khán giả chưa từng thấy ở tôi. Nghiêm túc mà nói thì tôi vẫn tự hào với Gu của anh là châu Á, đơn giản vì tiết mục trên đã cho thấy một Yuno Bigboi hoàn toàn khác với các vòng trước đó.
Tiết mục có đủ "đô", đủ "máu" hay không, tôi nghĩ người xem có thể nhận thấy từ sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả, anh chị HLV và giám khảo ở trường quay.
Nam rapper tự tin tiết mục Gu của anh là châu Á có đủ sức hút, tạo hiệu ứng mạnh ngay tại trường quay. Ảnh: Anh Khoa. |
"Tôi đi làm shipper"
- Anh từng tiết lộ đã ra sống riêng, độc lập tài chính từ năm 18 tuổi vì gia đình không ủng hộ theo đuổi âm nhạc?
- Chính xác hơn là gia đình không biết tôi theo đuổi hip hop, vì không rõ tôi làm việc gì nên cha mẹ cũng không thể ủng hộ được. Thời điểm đó, tôi không tìm được tiếng nói chung với gia đình.
Tôi học năm thứ nhất đại học thì quyết định ra riêng vì muốn trải nghiệm cuộc sống tự lập. Cha mẹ tuyên bố nếu tôi ở lại nhà, cha mẹ vẫn chu cấp tiền sinh hoạt, tiêu vặt. Nhưng nếu quyết định ra khỏi nhà, tôi phải tự chủ tài chính. Vì thế, từ năm 18 tuổi, tôi đi làm shipper và quản lý các phiên hội chợ để kiếm tiền. Lúc đó, công việc của tôi là kiểm tra hàng hóa, mang vác, vận chuyển hàng vào bãi cho các shop đăng ký tham gia hội chợ...
Trước khi đến với Rap Việt, tôi cùng bạn bè ở trường Sân khấu - Điện ảnh lập công ty chuyên làm MV, quay quảng cáo. Công ty đã ổn định nên tôi quyết định rút lui để tham gia chương trình, theo đuổi ước mơ âm nhạc.
- Vì sao anh giấu gia đình về ước mơ âm nhạc?
- Tôi thích rap từ lớp 8, nhưng tôi luôn tự hỏi liệu đam mê ấy có thể trở thành công việc chính hay không, rap và âm nhạc có giúp tôi kiếm tiền nuôi sống gia đình không. Vì phân vân nên tôi không dám chia sẻ với gia đình. Gia cảnh không giàu có nên tôi vẫn có áp lực kiếm tiền nuôi gia đình đặt nặng trên vai.
Sau khi rời khỏi nhà, tôi bắt đầu tham gia sáng tác nhạc cho ca sĩ nổi tiếng như Đan Trường, Trúc Nhân, làm nhạc phim... Lúc này, tôi biết mình có thể kiếm tiền từ đam mê âm nhạc, sau đó mới dám thổ lộ với cha mẹ.
Hơn nữa, tôi muốn ra ngoài sống để có thời gian, không gian thuận tiện việc học hỏi, trau dồi kỹ năng âm nhạc. Ở nhà, tôi không có phòng riêng, không có không gian để làm nhạc. Khi còn sống cùng cha mẹ, mỗi lần muốn làm nhạc, tôi phải ra quán Internet. Tôi cảm thấy bị gò bó nên quyết định sống riêng.
- Tự chủ tài chính từ năm 18 tuổi, khó khăn lớn nhất anh từng trải qua là gì?
- Khi lập công ty chuyên về quay dựng, có những lúc tôi không còn tiền trong người. Ban đầu, tôi lấy hết tiền tiết kiệm để hùn vốn với bạn, nhưng sau đó chúng tôi không có lịch làm việc, trong khi mọi khoản chi phí vẫn phải trả đầy đủ.
Lúc đó, có những ngày trong ví tôi 1.000 đồng cũng không có. Sợ cha mẹ nhìn thấy tình hình thê thảm của con trai, tôi không dám về thăm nhà. Nếu về, tôi cũng phải tốn tiền đổ xăng xe, nên thực ra dù muốn cũng không về được. Hơn nữa, tôi không muốn cha mẹ thương con mà cho tôi tiền.
Mẹ cũng biết tôi đang lập nghiệp nên không có tiền. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ sẽ chuẩn bị đồ ăn cho tôi mang lên nhà riêng để dự trữ. Cũng có lúc, gia đình khuyên là nếu làm rapper, sáng tác nhạc không ổn thì chuyển làm công việc khác, hoặc về nhà bán gạo cho cha mẹ. Nhưng lúc ấy, tôi kiên quyết chỉ sáng tác nhạc, làm ngành media, không tìm công việc khác.
Rapper Hổng dám đâu cho biết trong giai đoạn lập nghiệp, anh từng nghèo đến mức không có nổi 1.000 đồng trong ví. Ảnh: Anh Khoa. |
Sáng tác thuê cho một nhạc sĩ khác
- Anh tiết lộ từng sáng tác nhạc cho Đan Trường, Trúc Nhân. Có cơ hội làm việc với những ngôi sao của Vpop, vì sao anh vẫn khẳng định bản thân gặp khó khăn, phải loay hoay với cuộc sống và âm nhạc?
- Lúc đó, tôi làm việc cùng một nhạc sĩ khác. Sản phẩm đầu tiên của tôi khi kết hợp cùng vị nhạc sĩ này là bài hát trong live show kỷ niệm 20 năm ca hát của Đan Trường. Sau đó, tôi tiếp tục sáng tác cho Trúc Nhân, Huỳnh Lập... Có điều, tôi làm việc dưới danh nghĩa của nhạc sĩ trên. Tôi viết nhạc, đưa lại cho anh ấy, sau đó anh ấy đứng tên đại diện để làm việc với nghệ sĩ.
Lúc đó, nhạc sĩ trên không để tôi trực tiếp xuất hiện. Tôi như cái bóng, được anh ấy bỏ trong túi riêng. Nhiều khi, có lẽ nghệ sĩ cũng không biết họ hát nhạc của tôi. Khi còn nhỏ, tôi cũng chưa từng nghĩ mình có thể bán được nhạc cho ai. Vậy nên khi làm việc dưới danh nghĩa nhạc sĩ ấy, tôi chỉ cảm thấy vui và ngạc nhiên vì nhận ra mình có thể kiếm tiền từ âm nhạc.
Một thời gian sau, tôi nhận ra mình không thể làm cái bóng của người khác mãi. May mắn là các sáng tác trước đó anh ấy đều điền thêm tên tôi, nên tôi vẫn có thể ghi ca khúc vào hồ sơ cá nhân để tiếp tục tìm kiếm cơ hội làm việc.
Yuno Bigboi từng sáng tác nhạc cho Đan Trường, Trúc Nhân, Huỳnh Lập... Ảnh: Anh Khoa. |
- Anh có hối hận khi tốn khoảng thời gian dài làm việc như cái bóng cho người khác, thay vì tạo dấu ấn cho riêng mình?
- Tôi không hối hận, trái lại còn thấy may mắn về quãng thời gian làm việc cùng nhạc sĩ đó. Chỉ nấp trong cái bóng nhưng tôi vẫn học được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp từ người đi trước như anh ấy. Tôi nghĩ đây là khoảng thời gian nhất định phải trải qua trong cuộc đời.
- Khi tham gia vòng Chinh phục, khán giả bất bình vì câu nói của Trấn Thành được cho là body shaming với anh. Trước đó, anh có trải nghiệm cảm giác tương tự?
- Nói thật, tôi chỉ coi câu nói của Trấn Thành là đùa giỡn vui vẻ, tôi không giận hay buồn. Hồi nhỏ, khi về quê, trẻ con hay gọi tôi là “anh mập”, tôi thấy cũng bình thường. Đó là những biệt danh cho dễ nhớ thôi.
Bao giờ tôi phải nghe những câu như “anh béo kìa sợ quá” hay “anh mập này ghê lắm đừng đứng gần” tôi mới buồn. Hoặc trong trường hợp tôi đang ăn, có người nào đó kêu tôi đừng ăn nữa và giằng lại đĩa đồ ăn, đó mới là hành động gây bực bội, tổn thương.
Nếu nói tôi chưa bao giờ buồn hay bị ảnh hưởng khi bị chê béo là nói dối. Nhưng tôi bắt đầu tự tin hơn, bỏ ngoài tai những lời body shaming từ khoảng năm lớp 8. Năm lớp 8, tôi "nhổ giò", bắt đầu cao lên, mẹ cũng khen tôi đẹp trai. Lúc đi vào trường, có nhiều bạn nữ lại gần bắt chuyện, khen tôi "bảnh". Từ đó, tôi bắt đầu nhận định rằng mình cũng đẹp trai, và không bị ảnh hưởng vì những lời chê bai thân hình nữa.
Bản thân tôi lựa chọn ngoại hình như hiện tại. Nếu muốn gầy, tôi đã giảm cân, tập luyện để trông "đô con", "cơ bắp" hơn rồi. Sau khi tham gia Rap Việt, ngoại hình cao lớn của tôi cũng trở thành lợi thế, ra đường khán giả dễ nhận ra tôi hơn các bạn khác ấy chứ (cười).