Ngày 12/4, YouTube chính thức phát hành gói trả phí để xem video không bị gián đoạn bởi quảng cáo tại Việt Nam. “YouTube Premium” sau đó lọt vào top những khóa được tìm kiếm nhiều nhất bởi người dùng trong nước.
Vấn đề nhận được sự quan tâm lớn bởi khách hàng tại Việt Nam bị làm phiền trong thời gian dài bởi những quảng cáo lặp lại, nội dung sai sự thật, lừa đảo, phản cảm trên YouTube. Chuyên gia cho rằng nền tảng không có bộ lọc kiểm duyệt đủ tốt, phân phối kém hiệu quả, gây khó chịu cho người xem. Với việc ra mắt gói Premium, YouTube đang bán giải pháp cho vấn đề chính mạng xã hội này tạo ra.
Phân phối quảng cáo vô tội vạ
Từ năm 2021, người dùng YouTube tại Việt Nam bị ám ảnh bởi những quảng cáo với chung công thức “nhà tôi 3 đời…”, “cam kết trị dứt điểm…” của những thần y tự xưng trên nền tảng. Các đoạn quảng cáo này liên tục được phân phối đến người dùng, gây phiền toái, khó chịu.
Sau đó, đại diện cơ quan quản lý khẳng định nội dung trong các quảng cáo nói trên là sai sự thật, gây hiểu lầm cho người xem. Mãi đến cuối 2022, hình thức nói trên mới được dẹp bỏ khỏi YouTube, khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng trong nước.
Phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các quảng cáo dược phẩm sai sự thật mới giảm bớt. Ảnh: Hoàng Nam. |
“Năm 2021 chúng ta gặp vấn nạn ‘thần y’, ‘nhà tôi 3 đời’, mở video YouTube nào lên cũng thấy, và chúng tôi lúng túng trong việc ngăn chặn các quảng cáo này”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng PTTH&TTĐT cho biết trong buổi công bố Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật chiều 27/12/2022.
Khởi đầu là một nền tảng miễn phí, nguồn thu chính của YouTube đến từ quảng cáo. Do đó, một trong những phương pháp để nhà quảng cáo được nền tảng ưu tiên là trả nhiều tiền hơn. "Cách để chạy quảng cáo là đặt giá bid (giá thầu - PV) cao trong Google Ads. Khi đặt giá bid cao hơn, quảng cáo sẽ được ưu tiên duyệt trước", Quang Vinh, người làm Marketing Online chia sẻ.
Hiện tại, người xem YouTube tại Việt Nam vẫn bị làm phiền bởi các quảng cáo lặp lại, nội dung phản cảm, không phù hợp.
“Tôi liên tục phải xem đi, xem lại vài mẫu quảng cáo về một trò chơi mobile với ‘3 triệu điểm sức mạnh’, ‘chọn sai nền văn minh’. Đã bấm không quan tâm, nhưng YouTube vẫn bắt tôi xem những nội dung này liên tục”, bà Thu Uyên, nhân viên văn phòng, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ. Chính sự phiền toái từ những quảng cáo lặp lại, không phù hợp, khiến người dùng trên có ý định mua gói Premium khi nó được giới thiệu tại Việt Nam.
Tăng thêm quảng cáo
YouTube còn phân phối nhiều quảng cáo hơn trên mỗi video trong thời gian gần đây. “Trước đây, tôi thấy 1-2 quảng cáo ở đầu và cuối video. Các đoạn clip thường ngắn dưới 5 giây hoặc được bỏ qua sau 3 giây. Hiện tại, YouTube liên tục hiện quảng cáo dài, ngắn nối tiếp nhau, rất phiền, gây mất hứng khi xem”, Đức Hạnh, người dùng ngụ tại TP Thủ Đức, TP.HCM nói.
Ngoài ra, nền tảng còn cấp quyền cho người làm video được chọn vị trí, chèn quảng cáo trong những video có độ dài trên 8 phút. Để kiếm được nhiều tiền hơn, các chủ kênh đặt quảng cáo liên tục trên clip, dù việc này ảnh hưởng đến trải nghiệm xem của người dùng.
YouTube phân phối một video quảng cáo dài 17 phút, người dùng không thể bỏ qua. Ảnh: Luis Pablo Cornejo. |
Từ khi triển khai gói Premium từ 2018, YouTube nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ người dùng miễn phí về việc phân phối nội dung được tài trợ. Trên các diễn đàn như Quora, Reddit, nhiều chủ tài khoản cho biết họ nhìn thấy nhiều quảng cáo hơn hẳn kể từ khi YouTube có dịch vụ trả phí.
“Tôi vừa hủy gói Premium và lượng quảng cáo thật sự khủng khiếp. 3 lần ngắt quãng chỉ trong 10 phút video. Những người phản hồi dưới bài đăng này cho thấy không chỉ mình tôi gặp vấn đề. Điều này như bắt buộc tôi phải tiếp tục trả phí vậy”, một người dùng trên Quora cho biết.
Một tài khoản khác khẳng định anh thấy nhiều quảng cáo hơn từ khi YouTube bán gói Premium. “Trước đây khi nghe nhạc trong một danh sách phát trên YouTube, quảng cáo khá hạn chế. Hiện tại, chúng xuất hiện 2 lần liên tục ở đầu và cuối video”, người dùng @Abhinav Dua chia sẻ.
Gần đây, YouTube còn thử nghiệm những cụm quảng cáo liên tục. Người dùng miễn phí phải xem 5-10 đoạn clip, không thể bỏ qua trước khi bước vào nội dung chính.
Thêm cách để YouTube kiếm tiền
Báo cáo doanh thu từ Alphabet cho thấy YouTube thu về 7,9 tỷ USD trong quý IV/2022, giảm 8% so với cùng kỳ. YouTube hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ TikTok trên thị trường video dạng ngắn. Theo ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google, YouTube Shorts hiện đã đạt mốc 50 tỷ lượt xem hàng ngày.
Sự phát triển của Netflix thể hiện tiềm năng của các dịch vụ nội dung trả phí. Hiện YouTube không công bố doanh thu của gói Premium hay số tài khoản đã đăng ký. Nhưng theo tính toán của chuyên gia phân tích dữ liệu truyền thông Somachi E. của Perpetua, chỉ cần 8% người dùng của nền tảng tham gia, YouTube có thể thu về hơn 15 tỷ USD mỗi năm.
“YouTube sau khi kiếm được lượng lớn doanh thu từ nhà quảng cáo lại muốn thu thêm từ phía người dùng”, ông Lucas Pham, Giám đốc điều hành Mango Digital nói với Zing.
Năm 2017, nhiều doanh nghiệp quyết định cắt giảm chi tiêu quảng cáo trên YouTube bởi lo ngại về vấn đề an toàn thương hiệu. Vấn đề phát sinh khi quảng cáo của các thương hiệu lớn bị nền tảng phân phối trên các video với nội dung cực đoan. Bà Somachi E. cho rằng điều này khiến YouTube thay đổi định hướng về việc thu phí người dùng.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.