Nền tảng video YouTube với hơn 1 tỷ người xem khoảng 6 tỷ giờ video mỗi tháng đương nhiên là kênh quảng cáo mà các nhãn hàng không thể bỏ qua.
Thế nhưng từ cuối năm 2017 đến nay, YouTube liên tiếp bị chỉ trích khi để nhiều quảng cáo của các nhãn hàng lớn xuất hiện trước và trong các video clip có nội dung không phù hợp.
Nhãn hàng trước mối lo bị mất an toàn thương hiệu
Trong báo cáo năm về an toàn thương hiệu của nhãn hàng khi quảng cáo trên YouTube của cơ quan quảng cáo video (Video Advertising Bureau) năm 2018, 1/5 số người tiêu dùng được khảo sát cho hay họ sẽ tẩy chay nhãn hàng ngay lập tức nếu biết quảng cáo của nhãn hàng xuất hiện ở những video “không lành mạnh”; và hơn ⅓ khách hàng khác thì sẽ thay đổi cách nhìn nhãn hàng, theo hướng tiêu cực hóa.
Chỉ một quảng cáo được hiển thị ở nơi không phù hợp cũng có thể làm tiêu tan danh tiếng nhãn hàng gầy dựng bấy lâu nay. Thế nhưng YouTube lại liên tiếp đặt các nhãn hàng vào tình huống nguy hiểm.
Wall Street Journal
Mới đây, YouTube lại một lần nữa đối diện với cáo buộc dung túng cho ấu dâm. Phần lớn, những kẻ ấu dâm đã khai thác tính năng đề xuất video của YouTube để nền tảng này gợi ý những video về trẻ vị thành niên khi người dùng xem video liên quan đến bikini. Bên dưới những video về trẻ vị thành niên, chúng để lại các bình luận độc hại.
Zing.vn liên hệ với ông Ducard Malik, Giám đốc toàn cầu phụ trách về vấn đề ảnh hưởng xã hội, gia đình, phim và TV của Google/YouTube để tìm hiểu phản ứng của nền tảng này trước những cáo buộc rằng YouTube đã được sử dụng để nuôi dưỡng và truyền bá hình ảnh và nội dung bạo lực ảnh hưởng xấu đến trẻ em nhưng không nhận được câu trả lời.
“Sẽ ra sao nếu quảng cáo của thương hiệu chúng tôi hiển thị ở những video cổ xúy cho ấu dâm như vậy?” - đại diện Nestle nói, đồng thời thông báo tất cả thương hiệu con của họ tại Mỹ đã ngừng quảng cáo trên YouTube.
Còn Ngân hàng Deutsche Bank - một nạn nhân của YouTube có quảng cáo hiện ngay trong video có nội dung phản cảm liên quan đến trẻ em cũng quyết định chấm dứt hợp đồng quảng cáo với YouTube.
"Chúng tôi dừng quảng cáo trên YouTube và Google ngay khi biết tin. Chúng tôi rất sốc và không ngờ rằng quảng cáo lại được phát trên những nội dung về khai thác trẻ em như thế", đại diện Deutsche Bank nói, đồng thời cho biết hình ảnh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi quảng cáo xuất hiện không hợp lý như vậy.
Quảng cáo của ngân hàng Deutsche Bank hiển thị trong clip có nội dung không phù hợp. |
Các nhãn hàng lớn như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, Sainsbury's, Toyota, Volkswagen, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal hay BBC cũng đều ra tuyên bố chấm dứt hợp tác quảng cáo trên mạng xã hội video lớn nhất này.
Làn sóng tẩy chay quảng cáo YouTube trở nên mạnh mẽ từ đầu năm 2017 khi một loạt các nhãn hàng lớn trong đó có Coca-Cola, Walmart, Amazon, Microsoft điêu đứng khi quảng cáo của mình xuất hiện trước và trong những video có nội dung phân biệt chủng tộc kèm theo bạo lực.
YouTube sau đó rất nhanh chóng tuyên bố sẽ cải thiện thuật toán, tăng cường kiểm duyệt để tránh trường hợp quảng cáo của các nhãn hàng hiện “nhầm nơi” như vậy.
Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, The Times của Anh lại dẫn chứng về việc nhiều quảng cáo của các tập đoàn lớn xuất hiện trong đoạn clip có cảnh bé gái chỉ mặc chiếc quần nhỏ, đang vệ sinh cá nhân hoặc nằm ngủ. Bên dưới video là nhiều lời bình luận thô tục từ những kẻ bị cho là mang tư tưởng ấu dâm.
Khi phát hiện ra sự việc, Adidas tức giận cho rằng đây là việc "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Trong khi đó Mars, cuối tháng 12/2017 cũng thẳng thắn tuyên bố "không bao giờ quảng cáo trên YouTube nữa".
Tại Việt Nam, một số kênh video có nội dung liên quan đến trẻ em cũng hiện quảng cáo của nhãn hàng như Abbott, Thế giới Di động, Samsung hay Vivo và bên dưới chứa những bình luận thô tục.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Thế giới Di động từng cho biết từng mạnh tay cắt quảng cáo trên YouTube, khiến Google phải can thiệp vào hệ thống của Thế giới Di động để ngăn chặn việc xuất hiện quảng cáo ở những video đen, có nội dung không phù hợp với trẻ em.
Quảng cáo của trang thương mại điện tử Vui Vui (thuộc Thế giới Di động) hiển thị trên video không phù hợp. |
YouTube bất lực?
Một loạt nhãn hàng đã tẩy chay YouTube để bảo vệ an toàn thương hiệu của họ. Và chỉ đến lúc đó, YouTube mới thấy sức ép để hành động. Nền tảng video này thắt chặt chính sách với đối tác của mình và gia tăng yêu cầu với các kênh/người sáng tạo nội dung, buộc họ đáp ứng những yêu cầu nhất định mới có thể kiếm tiền.
Cụ thể tháng 4/2017, YouTube yêu cầu kênh phải có trên 10.000 lượt xem, nghĩa là những kênh mới hoặc kênh nhỏ gặp khó hơn trong việc kiếm tiền trên nền tảng này.
Đến tháng 1/2018, để bật tính năng kiếm tiền (và đính kèm quảng cáo trên video), một kênh YouTube buộc phải có hơn 4.000 giờ xem video trong vòng 12 tháng trước và có ít nhất 1.000 người theo dõi.
YouTube cho hay đây là bước đi quan trọng để giúp họ có nhiều thời gian hơn để kiểm soát nền tảng của mình, loại trừ những “hành động xấu”.
Thế nhưng theo báo cáo của cơ quan quảng cáo video (Video Advertising Bureau), các chuyên gia và thậm chí là các nhãn hàng đánh giá các biện pháp của YouTube không được áp dụng đồng đều, ít minh bạch, thiếu quan tâm đến các báo cáo sai phạm trên nền tảng. Những nội dung vi phạm vẫn tồn tại trên YouTube mà không hề bị xóa bỏ.
Khán giả trẻ tuổi là ngọn nguồn sự phát triển của YouTube và cũng là vấn đề nhức nhối nhất. Video ấu dâm vẫn nhan nhản trên YouTube và quảng cáo của các nhãn hàng vẫn hiển thị ở những video ấy.
Zing.vn đặt câu hỏi cho bà Nadine Zylstra, Giám đốc phụ trách bộ phận về trẻ em của YouTube, liệu rằng nền tảng này có biện pháp gì để triệt để giải quyết vấn đề kiểm duyệt các video kích động bạo lực với trẻ em hay video ấu dâm, nhưng không nhận được câu trả lời.
Những biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực mà Google từng cam kết với chúng tôi rõ ràng là không hiệu quả
Phát ngôn viên của Lidl
"Hoàn toàn không thể chấp nhận được sự tồn tại của những nội dung như vậy. Nó không hề tốt cho trẻ nhỏ và cũng không hề tốt cho nhãn hàng của chúng tôi. Những biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực mà Google từng cam kết với chúng tôi rõ ràng là không hiệu quả", phát ngôn viên của Lidl tuyên bố.
YouTube từ chối cung cấp thông tin về doanh thu quảng cáo ở thị trường Việt Nam nhưng rõ ràng quảng cáo trên YouTube đang là một trong những kênh marketing kỹ thuật số rất thịnh hành hiện nay.
Bình luận thêm về trách nhiệm của YouTube trong việc đảm bảo nội dung "sạch" xuất hiện trên nền tảng của mình, luật sư Phan Vũ Tuấn, trưởng văn phòng luật Phan Law (TP.HCM) chia sẻ: "YouTube thu lợi từ quảng cáo nghĩa là phải có trách nhiệm kiểm soát được tất cả thông tin đưa lên nhằm tạo ra được một môi trường mạng 'trong sạch'. Những lý do như quy mô quá lớn để có thể kiểm soát tất cả thông tin là sự chống chế, chối bỏ trách nhiệm".