Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yếu tố quan trọng nhất khi nói và làm bất cứ điều gì

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, đặt chân thành làm tiêu chí đối nhân xử thế hàng đầu của bản thân sẽ giúp bạn càng dễ dàng nhận được sự tin tưởng của mọi người.

Yếu tố quan trọng nhất khi nói và làm bất cứ điều gì, đó là phải thực sự chân thành.

Trong số những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày, ai là người chân thật, ai là kẻ giả tạo, chúng ta đều có thể cảm nhận được. Đối với những người chân thành, cho dù ban đầu bạn có thể không thích họ, nhưng rồi sẽ có ngày, sự chân thành của họ làm bạn cảm động; còn với những kẻ giả tạo, dù cho lúc đầu bạn có thể thích thú và cảm thấy gần gũi với cách họ cười, cách họ tán thưởng, nhưng theo thời gian, bạn sẽ nhận ra họ chỉ là những kẻ “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, bạn sẽ chán ghét và tránh xa họ.

Ai cũng thích mọi người đối xử chân thành với mình. Khi nghiên cứu về những phẩm chất có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ xã giao của con người, học giả người Mỹ Endrin đã phát hiện ra năm phẩm chất được đánh giá cao nhất lần lượt như sau: chân thành, thành thật, thấu hiểu, trung thành, đáng tin cậy, trong đó bốn phẩm chất đứng đằng sau dù ít dù nhiều cũng đều liên quan đến sự chân thành. Từ đó có thể thấy rằng, sự chân thành có thể giúp bạn mở rộng và phát triển các mối quan hệ, ngược lại sự không chân thành sẽ khiến mọi người xa lánh và đề phòng bạn.

Ai trong chúng ta cũng cần sự chân thành. Chân thành là chìa khóa để mở cánh cửa bước vào thế giới nội tâm của người khác, nó khiến mỗi người có cảm giác an toàn, xoa dịu cảm giác thù địch. Những người có thái độ chân thành rất dễ nhận được sự tín nhiệm của người khác, chân thành có thể khiến hai tâm hồn xa lạ trở nên gần gũi và thấu hiểu lẫn nhau.

Tuoi 20 anh 1

Thái độ giả tạo chỉ khiến cho mọi người dần dần rời xa bạn. Nguồn: balthazar.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, đặt chân thành làm tiêu chí đối nhân xử thế hàng đầu của bản thân sẽ giúp bạn càng dễ dàng nhận được sự tin tưởng của mọi người.

Khi nhớ về những năm tháng đã qua, có một vị giám đốc trẻ tuổi cho rằng mình đã rất may mắn khi gặp được “quý nhân phù trợ”.

Khi đó, tôi làm nhân viên bưng bê trong một nhà hàng, thường xuyên gặp phải những vị khách khó tính. Chẳng hạn, họ cố ý chọn những món không có trong thực đơn; có người thậm chí còn chửi bới om sòm: “Nhà hàng quái gì vậy, những món như thế mà cũng không có là sao?”. Rất nhiều khách hàng đòi hỏi quá đáng, thế nhưng khi làm ở đây một thời gian, tôi mới phát hiện ra rằng, dù sắc mặt của họ khi bước vào có khó chịu đến mấy, chỉ cần đối xử với họ một cách chân thành, cuối cùng họ vẫn sẽ tin tưởng mình.

Sáu năm trước, vào một ngày giáp Tết, ngoài trời mưa bụi lất phất. Trời đã về khuya, bỗng có một vị khách nọ bước vào quán, trên tay xách rất nhiều túi, cả dáng người lộ rõ sự mệt mỏi. Anh ta gọi một bát phở để ăn cho ấm bụng, nhưng lại đúng lúc nhà hàng chuẩn bị đóng cửa, đầu bếp đã về cả, lúc này, chỉ còn một số món ăn đơn giản và vài nhân viên trực ban.

Khách: “Cho tôi một bát phở gà”.

Tôi: “Xin lỗi anh, món này đã hết mất rồi”.

Khách (lật xem vài trang thực đơn rồi nói): “Thế cho tôi một bát mỳ bò cũng được”.

Tôi (bắt đầu cảm thấy áy náy): “Xin lỗi, mỳ bò cũng hết rồi anh ạ. Giờ chỗ em chỉ còn cơm rang và mấy món lặt vặt thôi”.

Khách (tỏ vẻ bực bội): “Cái gì cũng không còn, sao các cậu không treo biển đóng cửa?”.

Vì lúc này đã rất muộn, tôi dám chắc các hàng ăn khác cũng đã đóng cả, nhà hàng chúng tôi vẫn chưa đóng vì còn bán đồ ăn nhanh cho khách qua đường. Dù rất muốn giải thích, nhưng thấy anh ta rất bực dọc, tôi cũng cảm thấy hơi vô lý. Trời thì lạnh, ăn tạm cơm rang là được mà? Tôi chưa kịp phản ứng thì anh ta đã đứng bật dậy, đùng đùng bỏ đi.

Sau khi anh ta đi khỏi, tôi phát hiện có một tập tài liệu rơi ở ghế ngồi. Tôi liền cầm tập tài liệu,vội vã chạy ra ngoài thì thấy anh ta đang đứng ở hàng bánh mỳ dạo phía cuối đường. Tôi chạy ra đưa tận tay.

Khi nhìn thấy tập tài liệu trong tay tôi, anh ta nở một nụ cười gượng gạo, rõ ràng anh đang cảm thấy xấu hổ vì thái độ lúc nãy của mình. Anh ta quay người lại, khẽ cúi đầu với tôi và nói: “Thái độ của anh lúc nãy thật không tốt, xin lỗi và cảm ơn em, tập tài liệu này vô cùng quý giá với anh”.

Anh ta vừa nói vừa móc ví ra định trả ơn, nhưng tôi từ chối ngay. Suy nghĩ vài giây, anh đưa cho tôi một tấm danh thiếp, nói rằng sau này có cơ hội nhất định sẽ trả ơn.

Tôi chưa từng nghĩ rằng mình cần anh ta trả ơn, nên cũng không để tâm. Nhưng từ đó về sau, anh ta thường xuyên đến nhà hàng tôi dùng bữa. Một hôm, anh ta nói rằng công ty đang cần người, nếu tôi muốn thì anh sẽ giới thiệu tôi vào làm.

Sau này, khi làm việc ở phòng mua sắm vật tư được bốn năm, tôi được đề cử lên làm trưởng phòng. Lãnh đạo công ty cũng rất tin tưởng vào khả năng của tôi.

Thông thường, khi gặp tình huống kiểu này, rất nhiều bạn trẻ vì vừa bị mắng oan nên sẽ cảm thấy hả hê khi phát hiện khách bị quên đồ, có thể còn không thèm tìm cách trả đồ lại. Nhưng sự chân thành của chàng thanh niên trên đã làm cho vị khách cảm động, mang đến cho anh một cơ hội quý giá để đổi đời.

Có rất nhiều bạn trẻ nói rằng mình không biết cách giao tiếp với người khác, bản thân cũng không thấy tự tin, vì vậy có rất ít bạn bè. Trên thực tế, nhiều khi chỉ cần bạn thực sự chân thành, người khác sẽ tự khắc cảm nhận được và mở lòng với bạn.

Thái độ giả tạo, nịnh bợ hay những câu nói ngọt ngào đầu môi chót lưỡi chỉ khiến cho mọi người dần dần rời xa bạn. Bởi lẽ sự chân thành không viết rõ ở trên mặt, mà phải xuất phát từ trái tim.

Alpha Books / NXB Văn học

SÁCH HAY