Giọt nước tràn ly?
Việc công nhân ở Bình Dương đập phá nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc là kết quả của sự tức giận với việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Đây là giọt nước tràn ly để những uất ức, nghi ngờ chất chứa trong lòng tràn ra, thể hiện sự bất bình của người dân với người láng giềng trong cách hành xử nước lớn bắt nạt nước bé. Tuy nhiên, người Việt Nam cần tỉnh táo và đặt câu hỏi: "Việc đập phá nhà máy của người Trung Quốc có ích gì cho cuộc đấu tranh ở Biển Đông?".
Nhớ lại năm 2012, khi cuộc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc lên cao, công nhân Trung Quốc cũng đã biểu tình và đập phá các công ty của Nhật Bản.
Hình ảnh đốt phá được truyền đi và gây choáng váng cho nhân dân và các nhà đầu tư nước ngoài. Nó vẽ lên một người Trung Quốc hung hăng, xấu xí hơn là một người Trung Quốc yêu nước trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Ảnh độc giả Khoanhkhanh ở Bình Dương gửi về tòa soạn Zing.vn ngày 13/5. |
Điều này làm tăng rủi ro cho việc đầu tư ở Trung Quốc. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy các nhà đầu tư rút vốn khỏi nước này chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, về lâu dài gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, đến công ăn việc làm của công nhân, chính những người đập phá nhà máy của Nhật Bản.
Tương tự ở Việt Nam, việc công nhân đập phá nhà máy sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến tình cảm của nhân dân các nước đối với Việt Nam, và nó có hại cho công cuộc tranh đấu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hiền hòa, nhân văn hơn hung hăng, khiêu khích
Trong con mắt nhiều người, Trung Quốc đang là quốc gia có những hành động gây hấn, khiêu khích và bắt nạt các nước bé.
Nếu nước bé cũng hung hăng, cảm tính, đập phá tài sản của người khác thì chắc chắn nước bé sẽ không nhận được sự ủng hộ quốc tế. Ngược lại, nếu nước bé có lẽ phải, nhân dân hiền hòa, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng quyền con người thì chắc chắn thái độ bảo vệ nước bé sẽ tăng lên.
Đây chính là sức mạnh mềm mà Việt Nam phải đầu tư và gìn giữ trong công cuộc đấu tranh với Trung Quốc. Điều này rất quan trọng vì Trung Quốc đang được coi là siêu cường với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, dự trữ ngoại hối đạt 3,66 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2013, quân đội được đầu tư mạnh mẽ với các trang thiết bị gấp nhiều lần Việt Nam.
Như vậy, ngoài kênh ngoại giao, kênh pháp lý Việt Nam cần xây dựng một kênh truyền thông mạnh mẽ về hình ảnh của một dân tộc có những giá trị nhân văn, tôn trọng sự khác biệt và lấy giá trị bình đẳng và công bằng làm trọng. Giá trị của mỗi quốc gia do những con người của quốc gia đó xây lên.
Chính vì vậy, chính cách từng người Việt Nam chúng ta hành xử với bản thân, với người Việt Nam khác và với những người nước ngoài đang sống hay đến du lịch ở Việt Nam sẽ quyết định văn hóa và hình ảnh đất nước.
Một Việt Nam yên bình, dân chủ, hiếu khách sẽ làm chúng ta gần gũi với thế giới hơn, và đặc biệt làm chúng ta khác với kẻ đang bắt nạt mình.
Chúng ta biết, quyết định xâm lấn Biển Đông của Việt Nam chắc chắn không phải do những doanh nhân Trung Quốc ở Bình Dương khởi xướng, mà do lãnh đạo Trung Quốc tính toán và phát động.
Chúng ta không nên đồng nhất những doanh nhân với chính quyền Trung Quốc và trút sự giận dữ của mình lên họ. Họ là con người, họ có gia đình, con cái và họ cũng muốn một môi trường yên bình để làm ăn và kiếm sống như chúng ta. Hơn nữa, khi đập phá doanh nghiệp Trung Quốc không những làm hình ảnh của Việt Nam xấu đi mà còn mang lại cho chính phủ Trung Quốc thêm sự ủng hộ để tiếp tục gây hấn với Việt Nam.
Tình yêu với một đất nước, với một dân tộc không phải do nhà cao cửa rộng tạo ra, không phải do sự hiện đại hay giàu có tạo ra, mà đơn giản là do tình cảm giữa con người với con người tạo ra.
Chính trong những lúc bất ổn như thế này, chúng ta càng phải phát huy lòng vị tha và thấu hiểu trong quan hệ với nhau và với bạn bè quốc tế.
Hình ảnh một Việt Nam hiền hòa khác với sự hung hăng, gây hấn và bắt nạt của Trung Quốc sẽ là một giá trị giúp cho công tác ngoại giao quốc tế. Những giá trị này cũng là nền tảng để phát triển đất nước trong lâu dài.