Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát biển Việt Nam đối phó với tàu Trung Quốc ra sao?

Chiều 13/5, ông Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát Biển 2, cho biết các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã khôn khéo đối phó để tránh những cái bẫy mà Trung Quốc giăng sẵn.

Ông Trần Văn Dũng cho biết tình hình trên Biển Đông nơi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trái phép rất căng thẳng. Từ sáng sớm nhiều tàu Trung Quốc tiếp tục vây ráp, đâm, dùng vòi rồng phun vào tàu CSB Việt Nam. Đặc biệt, khi tàu CSB 8003 chuyển vị trí để cùng các đội tàu CSB, Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan HD-981 để tuyên truyền thì phía Trung Quốc gia tăng hành động gây hấn, đe dọa, xịt vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam.

Đến 8h sáng, tàu CSB Việt Nam 8003 tiếp cận giàn khoan đặt trái phép hơn 8 hải lý thì bất ngờ 1 tàu Trung Quốc số hiệu 3411 xuất hiện, cắt mũi tàu 8003. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tàu 8003 của Việt Nam đã tránh va chạm, tiếp tục áp sát giàn khoan 6 hải lý.

Lúc này, tàu 3411 của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc, đổi hướng về đuôi tàu 8003 và áp sát khoảng 80 m. Ngay lập tức, chỉ huy tàu CSB Việt Nam phát loa yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Lan can tàu cảnh sát biển Việt Nam bị gãy sau cú đâm của tàu hải cảnh Trung Quốc (Ảnh: Cắt từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam).
Lan can tàu cảnh sát biển Việt Nam bị gãy sau cú đâm của tàu hải cảnh Trung Quốc (Ảnh: Cắt từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam).

Lúc 8h30, khi tàu CSB Việt Nam 4032 làm nhiệm vụ gần đó thì bị 3 tàu của Trung Quốc (hải giám 7028, hải cảnh 46001 và một tàu không rõ số hiệu) bao vây. Ngoài 1 tàu không rõ số hiệu phun nước, tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc lao đến ngăn cản, đâm vào mạn trái tàu CSB Việt Nam 4032 làm gãy 10 m lan can bên mạn trái, hỏng 3 thông gió.

Đồng thời, tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng súng phun nước vào tàu Kiểm ngư 628 của Việt Nam khi tiếp cận cách giàn khoan HD-981 gần 5,3 hải lý. Trong khi đó, tàu CSB 4032 của Việt Nam đã cơ động tiếp cận vào phía Tây giàn khoan HD-981 để tiến hành tuyên truyền và quay phim, chụp ảnh hành động của các tàu Trung Quốc.

Đến 10h sáng cùng ngày, phía Trung Quốc đã sử dụng 86 tàu hộ tống, bảo vệ cho hoạt động trái phép của giàn khoan HD-981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là 2 tàu quân sự (1 tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534, tàu tuần tiễu săn ngầm số hiệu 786), 32 tàu hải cảnh, 4 tàu hải giám, 4 tàu hải tuần, 2 tàu ngư chính, 7 tàu kéo cứu hộ, 19 tàu vận tải, 1 tàu dầu, 15 tàu cá vỏ sắt.

Theo ông Dũng, bất chấp sự truy cản quyết liệt của Trung Quốc, hiện các tàu CSB Việt Nam đã tiến gần khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép để tuyên truyền, yêu cầu dừng các hoạt động và rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam

Lần đầu tiên, tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc số hiệu 571 cũng trực tiếp tham gia đe dọa các tàu cảnh sát biển của ta.

Cùng ngày, ông Đoàn Thanh Lâm, đại diện lãnh đạo Chi đội Kiểm ngư 3, cho hay: Việt Nam đang điều động 14 tàu Kiểm ngư tiến hành tuần tra, kiểm soát tại khu vực mà Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981, để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân khai thác thủy sản trên biển.

9 kiểm ngư viên bị thương do tàu Trung Quốc tấn công đều đã bình phục và lên tàu ra biển trở lại. Còn tàu 2012 bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào hư hỏng cũng đã sửa chữa xong và sẵn sàng lên đường thực thi nhiệm vụ.

“Trước hành động gây hấn của tàu Trung Quốc, các tàu chấp pháp của Việt Nam vẫn khôn ngoan né tránh và hết sức kiềm chế, cũng như tìm các giải pháp ứng xử hòa bình trên biển. Chúng ta đã và đang áp sát giàn khoan. Các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng chấp pháp nói chung, CSB nói riêng vẫn tập trung cao độ, mưu trí đối phó với những hành động gây hấn của Trung Quốc”, ông Lâm khẳng định.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm