[…]
Cái từ “người yêu” nghe thiệt là ngại, mà thích ơi là thích. Tôi mở lời trước, con trai mà, phải chủ động chứ con gái lúc nào cũng bảo ngại. Một bông hoa không thể tự mình phóng vào chậu được đâu.
Tôi viết: “Em ơi em!”. Mở lời nhẹ nhàng thôi, rồi tôi chuyền tờ giấy qua ba dãy bàn học, giờ toán. Tim tôi đập muốn bức khỏi lồng ngực (chỗ này nói hơi quá, yêu đương hay khùng vậy), không phải vì cô Toán khó căng, mà vì yêu đương hay mệt tim vậy.
Tôi ngồi bàn tư dãy bốn, em ngồi bàn tư dãy một, dù cách xa nhau đến thế nhưng tôi vẫn thấy rõ cái miệng em hé cười, người đời gọi là cười mỉm chi. Trời ơi đáng yêu gì đâu. Em hí hoáy viết vào tờ giấy, rồi chuyền sang.
Tác giả Võ Đăng Khoa. Ảnh: NVCC. |
Lũ bạn bắt đầu nghi ngờ nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ. Tôi nhận được bức mật thư. Từ từ, tôi mở miếng giấy nhỏ ấy ra, sợ nếu mở nhanh quá sẽ làm “yêu thương” giật mình bay đi mất. Em đáp lại bằng năm dấu chấm hỏi: “?????”.
Tôi cắn bút như lúc làm một bài văn đang bí, chẳng lẽ vào thẳng vấn đề luôn thì dở quá. Tôi viết bóng gió vào một câu ca dao mà có lần tôi tình cờ đọc được: “Vắng cơm ba bữa còn no / Vắng em một bữa giở giò không lên”.
Tôi đoán rằng em sẽ thích thú lắm nếu đọc được hai câu viết này. Thật vậy, em bật cười liếc mắt nhìn tôi, rồi đưa cho con nhỏ răng khểnh bàn trên đọc ké. Nhỏ này trề môi như đưa... phà, trông thật đáng ghét, xong nó hất tóc quay lên như kiểu chẳng thèm quan tâm chuyện tình yêu con nít.
Em trả lại tờ giấy cho tôi với dòng chữ: “Tui đâu có ăn được”. Chỉ chờ có vậy, câu trả lời của em nằm ngay khuôn tôi đoán, tôi nhanh chóng đánh một đòn chí mạng: “Tình yêu ăn được. Quỳnh Anh không nghe người ta nói là tình yêu như tô bún riêu?”.
Em đọc xong, lè lưỡi nhìn tôi rồi nhét tờ giấy ấy vào hộc bàn mà không đáp lại.
Nhưng tôi biết mình đã thành công, con gái hay ngại ngùng như vậy, khi tỏ tình mà họ không từ chối thì nghĩa là đã gật đầu. Và chiều đó, chúng tôi đi ăn ở một quán cạnh mé sông. Không có bún riêu chúng tôi đành ăn mì sợi, những sợi mì loăn quăn và nóng hổi...
Tôi có người yêu rồi. Thấy mỗi ngày đến trường (đúng thiệt) là một ngày vui. Lũ bạn trong lớp chỉ vài ngày sau là biết chuyện, chúng chọc ghẹo làm tôi phổng hết cả mũi.
Chỉ có con nhỏ răng khểnh thì điềm đạm tiên tri: “Tới hồi chia tay rồi vô lớp khỏi nhìn mặt”. Em vỗ vào vai bạn, nói: “Nhỏ này vô duyên”.
Tôi khoái quá cười hề hề. Mỗi lần ra chơi, tôi hay mon men qua ngồi bàn dưới, sau lưng em. Hai đứa tôi nói thì ít mà cười thì nhiều, khi ngại người ta hay cười một cách vô nghĩa!
Ngồi trong lớp học, thỉnh thoảng tôi lại nhìn sang em. Cảm giác ấy, những bồi hồi ấy có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được. Cứ mỗi lần tôi nhìn sang, tôi sẽ để mắt mình giữ nguyên vị trí ấy.
Ngắm em chăm chú nhìn lên bảng, ngắm em thơ thẩn đưa hồn qua cửa sổ như một nàng thơ, ngắm em vuốt mái tóc dài... Và ngắm em nhìn tôi cười. Tôi sẽ đợi đến lúc em nhìn lại tôi cười như thế, rồi mới lại quay lên bảng. Em cười đẹp còn hơn trăng rằm, trong veo.
Có lúc, tôi quay sang thì bắt gặp em cũng đang đưa mắt sang tôi, chúng tôi lại cười. Yêu đương vui đến thế! Cứ khoảng năm mười phút hai đứa lại nhìn nhau. Thỉnh thoảng, trong những tiết học buồn ngủ, tôi hay áp mặt mình xuống bàn, nghiêng qua, vẫn là nhìn em, em cũng thế.
Sách Qua những miền yêu. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM. |
[...]
Tuổi ấy dễ yêu và dễ dứt (nhưng dám cá là sẽ khó quên), chúng tôi chia tay nhau nhẹ nhàng như buổi làm quen. “Bún riêu” đã ngán rồi, tôi thôi không đợi em đi học nữa.
Lời tiên tri của con nhỏ răng khểnh đã xảy ra thật, mấy ngày đầu hai đứa gặp nhau khó xử vô cùng. Cứ tìm cách tránh né, em uống nước ở căn tin thì tôi lại ngồi trên lớp, tôi đi học lúc sáu giờ rưỡi thì em lại rủ bạn rước lúc sáu giờ mười.
Ngày nào vào lớp cũng bị chọc ghẹo, tụi bạn cứ đẩy xô cho hai đứa xáp lại gần nhau. Cứ tưởng như mèo chuột vậy mãi, ai ngờ lần đó tôi và em cùng bị ghi tên vào sổ đầu bài vì cùng một tội đồng phục.
Bữa cuối tuần cô phạt hai đứa lên đứng trước lớp, chúng tôi xớ rớ không biết né đi đâu cho được. Biết không thể im lặng mãi, tôi nói nhỏ với em để bớt căng thẳng: “Vui không?”. Em thoáng chút giật mình, rồi quay sang nhìn tôi phì cười.
Ồ, may quá, chúng tôi đã làm bạn bè lại với nhau và có thể nói chuyện cùng nhau mà không bị chọc ghẹo nữa. Góc nhìn từ bàn tư bên này sang bàn tư bên kia vẫn tiếp tục hoạt động, chỉ có điều không thường xuyên như trước.
Chúng tôi dù không còn mang danh xưng người yêu của nhau nhưng vẫn có chút tình cảm với nhau, ít ra là với tôi. Đôi lúc, tôi cảm thấy khó chịu khi em cười với đứa nào học lớp trên hay lúc hai đứa đi chung mà mắc phải kỳ đà răng khểnh.
Mà thật kỳ lạ, trong mọi hoạt động mà hai đứa làm chung thì đều có con nhỏ này chen vào, tức thật!
Cứ thế, ngày tháng qua đi, qua đi... Lên lớp 11, chúng tôi vẫn học giáo viên chủ nhiệm cũ, chỗ ngồi vẫn giữ nguyên vậy. Và bàn tư bên này với bàn tư bên ấy vẫn giữ nguyên cách giao tiếp đặc biệt.
Cho đến giữa năm lớp 11, gia đình tôi chuyển nhà đi nơi khác, tôi buộc phải chuyển trường dù không muốn rời xa mối tình đầu của mình chút nào cả.
Hôm thứ bảy, buổi cuối cùng còn học chung, giờ ra chơi tôi và em xuống căn tin ăn tiệc chia tay, lần này rất may không có con nhỏ răng khểnh theo phá đám.
Em thách tôi ăn đua, ai ăn nhanh nhất sẽ phải cõng người còn lại. Tôi nói giao kèo gì kỳ vậy, em chỉ khúc khích cười. Đó là lần đầu tiên tôi được cõng con gái, mà tự dưng lại thấy buồn.
Em trên lưng tôi, tay siết rất chặt như sợ tôi bị tuột đi mất đến chốn nào xa xôi... Tôi cảm nhận được làn da em dịu dàng trên lưng mình, tôi nghe hơi thở em sát bên tai.
Em không nói gì cả, tôi cũng lặng im. Em áp má mình vào người tôi. Bất giác có gì đó nóng hổi, lan trên cổ, một, hai, ba, lan dần... như những hạt mưa nóng đang rơi!
Hay là, hay là... em đang khóc...