Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yêu cầu Trung Quốc không gây căng thẳng tại Biển Đông

Trước phán quyết của PCA về Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Chiều 14/7, tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao tổ chức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế tôn trọng luật pháp quốc tế và không có những hành động làm phức tạp tình hình nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông.

- AFP: Xin Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết quan điểm chính thức của Việt Nam về phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA). Theo ông, phán quyết này có đáp ứng được mong đợi của Việt Nam là công bằng, khách quan hay không?

- Như các bạn đã biết, ngày 12/7, sau khi PCA ra phán quyết tôi đã có phản ứng đầu tiên. Và phản ứng đầu tiên đó đã phản ánh quan điểm của Việt Nam đối với phán quyết.

Cũng trong phản ứng đầu tiên đó, tôi đã thông báo Việt Nam sẽ tuyên bố về nội dung phán quyết đó.

- Zing.vn: Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, có ý kiến lo ngại rằng Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động gây căng thẳng tại Biển Đông. Vậy Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào trước tình huống này?

- Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC và không có những hành động làm phức tạp tình hình nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông và trong khu vực.

Về phía Việt Nam như các bạn đã biết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và nhân dân luôn sẵn sàng các biện pháp góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.

Việt Nam luôn hỗ trợ ngư dân, giúp đỡ cho ngư dân Việt Nam bám biển và duy trì việc đánh bắt thường xuyên tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam từ bao đời nay. 

- VOV: Xin người phát ngôn cho biết một số nội dung chính của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài quốc tế vào 5/12/2014?

- Như phóng viên vừa hỏi, vào ngày 5/12/2014, Việt Nam có gửi tuyên bố của Bộ Ngoại giao tới tòa trọng tài. Tôi xin tóm tắt một số nội dung chính trong tuyên bố đó:

Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả quy định và thủ tục của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan tới việc giải thích hay áp dụng công ước bằng biện pháp hòa bình.

Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích ở các vùng biển được xác định theo công ước.

Việt Nam mong rằng, tòa giải thích và áp dụng các quy định của công ước trong vụ kiện để đưa ra các phán quyết công bằng và khách quan.  Việt Nam đề nghị tòa đặc biệt quan tâm tới các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam xem xét các bước đi pháp lý tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.

Backgroud bo Ngoai giao len tieng ve PCA anh 1
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa án, với 5 thẩm phán, được thành lập theo phụ lục của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS). Dù Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện nhưng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng với giá trị ràng buộc pháp lý.

Các thẩm phán đã cùng nhất trí ủng hộ phần lớn quan điểm của Philippines trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nó vô hiệu hóa cái gọi là “quyền lịch sử” của Bắc Kinh với “đường lưỡi bò” hay còn gọi là đường 9 đoạn. Tòa còn khẳng định mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần phải dựa vào tính năng của các thực thể địa lý.

Tòa cũng khẳng định những thực thể nằm trong cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc thực chất nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của nước khác, không phù hợp với các quy định trong UNCLOS mà Trung Quốc là một thành viên.

Về vấn đề quyền hàng hải trong các thực thể cụ thể, PCA khẳng định Bãi cạn Scarborough là đá và nó có quyền lãnh hải 12 hải lý bao quanh. PCA cáo buộc Trung Quốc xâm phạm quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn cản khai thác tài nguyên trong vùng nước nông của bãi cạn.

Tại quần đảo Trường Sa, PCA xác định không thực thể nào, bao gồm đảo tự nhiên lớn nhất là Ba Bình, có đủ điều kiện duy trì cuộc sống cho một cộng đồng dân cư ổn định và đời sống kinh tế độc lập. Điều đó đồng nghĩa mọi thực thể ở Trường Sa chỉ là đá và chúng không được hưởng các quyền hàng hải như EEZ hay thềm lục địa.

Trong 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, Tòa đồng ý với quan điểm của Philippines khi cho rằng đá Châu Viên, đá Chữ Thập và đá Gạc Ma là đá trong khi đá Tư Nghĩa và đá Vành Khăn là bãi đá ngầm, nơi chìm dưới nước khi thủy triều lên cao. Như vậy đá Tư Nghĩa và Vành Khăn chỉ được hưởng vùng an toàn 500 m quanh đảo.

Tòa không đồng thuận với tuyên bố của Philippines về đá Ga Ven khi cho rằng đây là đá, không phải bãi đá ngầm. Với đá Xu Bi, PCA cũng đưa ra phán quyết tương tự. Ngoài ra, tòa còn khẳng định Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là bãi đá chìm, nằm trong khu vực thuộc thềm lục địa của Philippines.

Những dấu mốc quan trọng của vụ kiện

Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ở Biển Đông.

Ngày 19/2/2013, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện bằng văn bản “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông” và bác bỏ yêu sách của Philippines.

Ngày 21/6/2013, Tòa Trọng tài được thành lập với 5 người do Thẩm phán Thomas A. Mensah đến từ Ghana chủ trì. Các thành viên khác gồm có Thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, Thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan, Giáo sư Alfred Soons người Hà Lan và Thẩm phán Rudiger Wolfrum người Đức.

Ngày 29/10/2015, PCA ra phán quyết khẳng định quyền xét xử vụ kiện của Philippines nhằm vào yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Từ 24 – 30/11/2015, PCA có phiên điều trần cuối cùng về vụ kiện.

Ngày 12/7/2016, phán quyết cuối cùng được công bố.

Trong suốt hơn 3 năm qua, Trung Quốc liên tục bác bỏ vụ kiện của Philippines và từ chối tham gia các phiên tranh tụng. Bắc Kinh cũng tuyên bố không tuân thủ phán quyết của PCA, điều mà các nhà phân tích nhận định là bất lợi cho Trung Quốc.

CSIS: phán quyết vô hiệu hoá 'quyền lịch sử' đường lưỡi bò

Sau phán quyết của PCA, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) giải đáp những câu hỏi lớn quanh vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm