Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CSIS: phán quyết vô hiệu hoá 'quyền lịch sử' đường lưỡi bò

Sau phán quyết của PCA, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) giải đáp những câu hỏi lớn quanh vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa án, với 5 thẩm phán, được thành lập theo phụ lục của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS). Dù Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện nhưng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng với giá trị ràng buộc pháp lý, CSIS nhận định.

Ý nghĩa trong phán quyết của PCA?

Các thẩm phán đã cùng nhất trí ủng hộ phần lớn quan điểm của Philippines trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nó vô hiệu hóa cái gọi là “quyền lịch sử” của Bắc Kinh với “đường lưỡi bò” hay còn gọi là đường 9 đoạn. Tòa còn khẳng định mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần phải dựa vào tính năng của các thực thể địa lý.

giai dap khuc mac xung quanh phan quyet cua PCA anh 1
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng vệ vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Getty

Tòa cũng khẳng định những thực thể nằm trong cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc thực chất nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của nước khác, không phù hợp với các quy định trong UNCLOS mà Trung Quốc là một thành viên.

Về vấn đề quyền hàng hải trong các thực thể cụ thể, PCA khẳng định Bãi cạn Scarborough là đá và nó có quyền lãnh hải 12 hải lý bao quanh. PCA cáo buộc Trung Quốc xâm phạm quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines khi ngăn cản khai thác tài nguyên trong vùng nước nông của bãi cạn.

Tại quần đảo Trường Sa, PCA xác định không thực thể nào, bao gồm đảo tự nhiên lớn nhất là Ba Bình, có đủ điều kiện duy trì cuộc sống cho một cộng đồng dân cư ổn định và đời sống kinh tế độc lập. Điều đó đồng nghĩa mọi thực thể ở Trường Sa chỉ là đá và chúng không được hưởng các quyền hàng hải như EEZ hay thềm lục địa.

Trong 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa, Tòa đồng ý với quan điểm của Philippines khi cho rằng đá Châu Viên, đá Chữ Thập và đá Gạc Ma là đá trong khi đá Tư Nghĩa và đá Vành Khăn là bãi đá ngầm, nơi chìm dưới nước khi thủy triều lên cao. Như vậy đá Tư Nghĩa và Vành Khăn chỉ được hưởng vùng an toàn 500 m quanh đảo.

Tòa không đồng thuận với tuyên bố của Philippines về đá Ga Ven khi cho rằng đây là đá, không phải bãi đá ngầm. Với đá Xu Bi, PCA cũng đưa ra phán quyết tương tự. Ngoài ra, tòa còn khẳng định Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong là bãi đá chìm, nằm trong khu vực thuộc thềm lục địa của Philippines.

Tóm lại, phán quyết của PCA sẽ vô hiệu hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc và những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa và các vùng xung quanh. Ngoài ra, Tòa còn cho rằng Trung Quốc vi phạm UNCLOS khi tàn phá môi trường biển thông qua các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo, xâm phạm chủ quyền Philippines thông qua việc thăm dò dầu khí ở bãi Reed.

Tuy nhiên, PCA khẳng định không đủ thẩm quyền để ra phán quyết việc Trung Quốc phong tỏa tàu BRP Sierra Madre của Philippines, mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây.

Những diễn biến tiếp theo?

Trung Quốc đã khẳng định không chấp nhận phán quyết của PCA. Trong khi đó, khác với Tòa Hình sự Quốc tế, PCA không có cơ chế cưỡng chế, buộc các bên phải tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phớt lờ PCA sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Các áp lực quốc tế có thể tác động tới tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố và hành động phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.

giai dap khuc mac xung quanh phan quyet cua PCA anh 2
Trung Quốc bồi lấp và quân sự hóa đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Nhận ra điều này, Philippines và các đối tác như Mỹ và Nhật Bản sẽ ra tuyên bố kêu gọi các bên cần tuân thủ phán quyết và thúc giục các quốc gia khác làm điều tương tự.

Trong lịch sử, các cường quốc thường phản đối phán quyết của tòa quốc tế nhưng cuối cùng phải tìm giải pháp có thể chấp nhận về mặt chính trị để thực thi chúng. Tuy nhiên, Bắc Kinh có đi theo con đường này hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Phán quyết của PCA, được quốc tế ủng hộ mạnh mẽ, sẽ trở thành thuốc thử phản ứng của Trung Quốc với luật pháp quốc tế.

Trước khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã vận động sự ủng hộ của nhiều quốc gia về yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, nơi Trung Quốc sắm vai "nạn nhân" của các "hành động xâm phạm chủ quyền".

Tuy nhiên, chiêu bài này của Trung Quốc bị đánh giá là kém hiệu quả. Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ghi nhận vào đêm trước phán quyết, chỉ 8 quốc gia đứng về phía Trung Quốc, gọi phiên tòa xét xử vụ kiện của Philippines là bất hợp pháp.

Trong khi đó, 40 quốc gia lên tiếng ủng hộ và cho rằng phán quyết của PCA có tính chất rằng buộc pháp lý.

Mọi con mắt sẽ tiếp tục đổ dồn vào các nước láng giềng gần gũi của Philippines, cụ thể là các nước Đông Nam Á. Dù là một khối nhưng mối quan hệ của các nước ASEAN và Trung Quốc khác nhau nên phản ứng chắc chắn sẽ không nhất quán.

Phản ứng tức thì của Trung Quốc?

Phản ứng trước mắt của Trung Quốc phụ thuộc vào các tính toán lợi ích của Bắc Kinh cũng như phản ứng của Philippines, Mỹ và các nước khác trước phán quyết. Ban đầu, Trung Quốc không thể làm gì ngoài công khai bác bỏ phán quyết của PCA.

Là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20 - dự kiến khai mạc đầu tháng 9, lại nhận được lời đề nghị đàm phán của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Bắc Kinh có đủ động lực để kiềm chế. Nếu vậy, đây là thời cơ quan trọng cho đối thoại.

giai dap khuc mac xung quanh phan quyet cua PCA anh 3
Bắc Kinh có thể gia tăng các hoạt động trên thực địa nhằm đáp trả phán quyết của PCA. Ảnh: CSIS

Tuy nhiên, với tham vọng chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc có thể cảm thấy phải chứng minh mình không hề nao núng khi đối mặt với cái Bắc Kinh gọi là "chiến dịch của Mỹ và đồng minh chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc".

Việc bồi lấp, quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông và gia tăng các hoạt trên biển trong 2 năm qua cho thấy Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết của PCA bằng việc leo thang tranh chấp.

Thông qua biện pháp này, Trung Quốc có thể trả đũa Manila đồng thời răn đe các nước khác trong khu vực theo chân Philippines. Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp Trung Quốc không bị ràng buộc bởi phán quyết. Khả năng này có thể xảy ra sau một vài tháng hoặc đến sớm ngay khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Một trong những hành động trả đũa của Trung Quốc là bồi lấp đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough. Có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn cải tạo thực thể này trong tháng 3 nhưng bị ngăn cản bởi những tín hiệu mạnh mẽ từ Washington.

Khi đó Mỹ đưa tàu sân bay USS John C. Stennis tới khu vực và triển khai cường kích A-10 Warthog tới căn cứ không quân Clark. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng đưa ra những cảnh báo trực tiếp.

Bãi cạn Scarborough nằm cách Manila 185 hải lý. Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Scarborough là điều không thể chấp nhận với cả Manila và Washington. Việc cải tạo Scarborough cũng đòi hỏi chi phí lớn cùng những thách thức trên phương diện ngoại giao, điều có thể khiến Bắc Kinh chùn bước.

Có thể leo thang quân sự? 

Dù không nhiều khả năng nhưng Trung Quốc có thể gia tăng leo thang thông qua việc bao vây tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây. Năm 2014, tàu Trung Quốc từng ngăn chặn Philippines tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú trên xác tàu mắc kẹt, buộc Manila phải thả hàng bằng đường hàng không.

Cuối cùng, một tàu dân sự Philippines chở các nhà báo quốc tế tiếp cận BRP Sierra Madre, buộc Trung Quốc phải rút lui. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh tiếp tục phong tỏa BRP Sierra Madre, đụng độ có thể xảy ra khi Mỹ can thiệp theo hiệp ước phòng thủ chung với Philippines.

Trong một khả năng khác, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các dự tính trên Biển Đông, bao gồm đưa máy bay chiến đấu tới căn cứ quân sự trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn.

Trung Quốc xây dựng đường băng trên cả 3 thực thể này cùng nhà chứa máy bay ở đá Chữ Thập. Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố đường cơ sở quanh quần đảo Trường Sa, tương tự những gì Bắc Kinh đã làm trên quân đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1996.

Việc làm này của Bắc Kinh sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng với tự do hàng hải vì biến vùng biển nằm giữa các thực thể ở Trường Sa trở thành nội thủy của Trung Quốc.

Hành vi đó cũng sẽ sẽ làm đình trệ tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới, nơi lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD qua lại mỗi năm. Nó cũng đi ngược lại phán quyết của PCA.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể xác lập Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự những gì Bắc Kinh đã làm trên biển Hoa Đông năm 2013. Tuy nhiên, không quân Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ nhanh chóng đi vào ADIZ của Trung Quốc để chứng minh nó vô dụng.

Tuy nhiên, máy bay dân sự sẽ không thể phớt lờ ADIZ và phải hoạt động theo yêu cầu của Bắc Kinh. Với động thái này, Bắc Kinh không chỉ làm tăng rủi ro đụng độ quân sự mà còn kiểm soát phi pháp các hoạt động dân sự trên Biển Đông.

Dù Trung quốc sẵn sàng đẩy căng thẳng leo thang sau phán quyết của PCA nhưng các dấu hiệu đều cho thấy phán quyết của tòa có thể giúp ích trong việc quản lý tranh chấp trên Biển Đông trong dài hạn.

Toàn cảnh vụ kiện yêu sách chủ quyền của TQ trên Biển Đông Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, kết thúc vụ kiện kéo dài hơn 3 năm qua.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm