Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam xoay quanh câu chuyện sự ra đi của thương hiệu Metro có ảnh hưởng ra sao tới thị trường bán lẻ Việt.
- Bà bình luận ra sao khi trong thời gian kinh doanh ở Việt Nam, dù giấy phép đăng ký kinh doanh của Metro Việt Nam là hình thức bán buôn, song thực tế DN này vẫn triển khai dịch vụ bán lẻ, gây ảnh hưởng và cạnh tranh không lành mạnh với DN bán lẻ trong nước?
- Đúng, thực tế trong thời gian kinh doanh tại Việt Nam vừa qua, có hiện tượng Metro Việt Nam vẫn triển khai hoạt động dịch vụ bán lẻ bên cạnh dịch vụ bán buôn đã đăng ký đầu tư kinh doanh. Chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của các DN về việc này, và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã có ý kiến chính thức gửi các cơ quan quản lý Nhà nước, yêu cầu thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh của Metro. Tuy là bán buôn, nhưng Metro Việt Nam vẫn bán lẻ thông qua hình thức để người mua hàng thoải mái, không kiểm tra và làm hóa đơn dưới hình thức hộ kinh doanh có thẻ cho các cá nhân mua bán.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. |
Tôi được biết là các cơ quan quản lý đã vào cuộc kiểm tra, thanh tra và chúng tôi cũng đang chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng.
- Điều mà dư luận quan tâm là đằng sau thương vụ Metro Việt Nam “bán mình” cho tập đoàn bán lẻ Thái Lan là gì, khi mà trong suốt 12 năm kinh doanh tại Việt Nam, mở rộng nhiều trung tâm bán buôn lớn nhưng Metro không đóng một đồng thuế nào cho Chính phủ Việt Nam, thưa bà?
- Metro Việt Nam không phải DN bán lẻ mà giấy phép đầu tư của họ là bán buôn. Về hiện tượng trong suốt một thời gian dài kinh doanh tại Việt Nam nhưng Metro Việt Nam không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, chúng tôi không có được thông tin xác nhận từ phía cơ quan thuế. Nhưng với một tập đoàn lớn hoạt động tại Việt Nam trong một thời gian dài mà không thuế với lý do là mở rộng mặt bằng kinh doanh, thua lỗ… thì hoàn toàn không thuyết phục.
Việc kinh doanh tại Việt Nam 12 năm nhưng Metro chưa từng đóng một đồng thuế TNDN nào đang gây bức xúc trong dư luận. |
Đây là điều vô lý và bất công đối với các DN bán lẻ trong nước, bởi bản thân DN Việt yếu hơn, nhỏ hơn và thiếu kinh nghiệm hơn nhiều về mọi nguồn lực, song tôi biết chắc chắn là các thành viên Hiệp hội các nhà bán lẻ nói chung, DN trong ngành bán lẻ Việt Nam nói chung không có DN nào trong thời gian dài như vậy không nộp thuế thu nhập DN cho Nhà nước. DN không thể phát triển chứ chưa nói tới chuyện phát triển mạnh mẽ như thời gian qua.
-Còn chuyện Metro Việt Nam sở hữu hàng loạt khu đất, vị trí đắc địa trong khi DN bán lẻ Việt Nam khá chật vật trong thời gian dài mới có được địa điểm để kinh doanh?
- Việc Metro Việt Nam ngay khi vào thị trường đã nhận được sở hữu nhiều khu đất vị trí “vàng” là thực tế và rất nhiều DN đã khá bức xúc với ưu đãi này. Với tính chất kinh doanh bán buôn và mô hình “cash & carry” ở các nước, thông thường phải ở cách xa trung tâm chứ không phải vị trí trung tâm và sát ngay các trung tâm bán lẻ của DN Việt. Đây có thể là ưu đãi của địa phương cho DN nước ngoài. Tôi cho rằng, cần có cách nhìn nhận lại và công bằng hơn giữa DN đầu tư nước ngoài và DN trong nước.
“Cần quy định rõ tỷ lệ hàng hóa nội - ngoại trong mỗi cửa hàng, siêu thị”:
Thực tế các tập đoàn, DN Thái Lan đã lộ ý đồ muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ lâu. Có những dãy phố có tới mấy chục cửa hàng bán hàng Thái Lan. Phải nhìn nhận sự thâm nhập này một cách chuyên nghiệp và từng bước có chiến lược kinh doanh phù hợp. Về phía chính sách, phải có ngay cơ chế phù hợp đảm bảo cân bằng cho DN sản xuất và bán lẻ trong nước. Đơn cử, tại nhiều quốc gia đã ban hành quy định rất chặt chẽ về tỷ lệ hàng nhập nước ngoài và tỷ lệ hàng nội địa trong mỗi cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm… Có như vậy mới giảm bớt được sự tràn ngập của hàng ngoại.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội