Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch là điểm nghẽn nâng hạng chứng khoán

Theo bà Alice Law, Tổng giám đốc ASIFMA, điểm nghẽn mà các ngân hàng lưu ký nước ngoài mong có giải pháp căn cơ là yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán.

Tổng giám đốc ASIFMA cho rằng yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán là điểm nghẽn trong vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: T.L.

Đây là quan điểm được bà Alice Law, Tổng giám đốc Hiệp hội các Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA), chia sẻ trong cuộc gặp song phương với đoàn công tác Ủy ban Chứng khoán trong khuôn khổ chương trình Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).

Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Thị Chân Phương đã có thông tin tới Tổng giám đốc ASIFMA và các thành viên hiệp hội về sự phát triển, những kết quả đạt được và tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt nói riêng.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng cập nhật thông tin tới các thành viên ASIFMA về những thay đổi trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây như công tác xây dựng chính sách; quản lý điều hành; tăng cường kỷ luật kỷ cương trên thị trường; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời đưa ra các nỗ lực triển khai giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán trong nước từ cận biên lên mới nổi.

Tại buổi làm việc, bà Alice Law cho biết các thành viên của ASIFMA rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như dự báo về tiềm năng tăng trưởng cao của hoạt động dịch vụ và đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Để khai mở và thúc đẩy tiềm năng này, việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là vấn đề Việt Nam cần được đặt lên hàng đầu”, Tổng giám đốc ASIFMA nhấn mạnh.

Theo bà Alice Law, các thành viên ASIFMA đang có hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam đánh giá thị trường chứng khoán Việt đã gần chạm mức thị trường mới nổi.

Trong đó, một số nút thắt đã được Ủy ban Chứng khoán đưa ra giải pháp để tháo gỡ như tăng khả năng tiếp cận thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài; công khai, cập nhật tỷ lệ sở hữu của khối ngoại; tăng số lượng các công ty niêm yết; tăng cường thanh, kiểm tra trên thị trường, đảm bảo minh bạch công bố thông tin; thủ tục mở tài khoản giao dịch dễ dàng…

uy ban chung khoan,  asifma anh 1

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Thị Chân Phương (giữa) và Tổng giám đốc ASIFMA Alice Law (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: SSC.

Tuy nhiên, theo bà Alice Law, một điểm nghẽn mà các ngân hàng lưu ký nước ngoài mong muốn có được giải pháp căn cơ tại thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là yêu cầu về ký quỹ trước giao dịch và phong tỏa chứng khoán.

“Các ngân hàng lưu ký thành viên của ASIFMA cho rằng nên có cơ chế riêng đối với hoạt động bảo lãnh thanh toán cho các giao dịch chứng khoán hoặc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch chứng khoán”, bà Alice Law nói.

Ngoài ra, tổng giám đốc ASIFMA cũng mong muốn làm cầu nối giữa cơ quan quản lý chứng khoán Việt Nam với các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ chứng khoán quốc tế để trao đổi, đưa ra kiến nghị giải pháp tháo gỡ để thị trường chứng khoán Việt sớm được nâng hạng.

Tổng giám đốc ASIFMA và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đều thống nhất rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vốn khu vực và của Việt Nam, cũng như duy trì sự hấp dẫn của thị trường đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt.

Ủy ban Chứng khoán chấn chỉnh hoạt động các công ty chứng khoán

UBCK đã có yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ nghiêm quy định pháp luật; không được cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán chưa được cấp phép.

Ủy ban Chứng khoán nói về khả năng nâng hạng chứng khoán

UBCK cho biết việc nâng hạng thị trường chứng khoán là quá trình tương đối dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như chính sách pháp lý.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm