Nội dung trên được đề cập trong văn bản Bộ LĐTB&XH gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Cơ quan này cho biết đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân và người lao động, đặc biệt đối với những người bị, giãn, hoãn, ngừng việc. Bị mất việc, mất thu nhập, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn không còn chi phí sinh hoạt, chi phí trả tiền thuê nhà trọ nên phải trả phòng trọ.
Số người này chủ yếu là lao động tự do làm công nhật tại hộ kinh doanh, công trường xây dựng, bán hàng rong, giao hàng, làm thuê theo mùa vụ, làm thuê theo công việc….
Do yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, bộ phận lao động này mất việc làm, không có thu nhập, không có chỗ ở, dẫn đến cơ nhỡ, lang thang, tá túc tại vỉa hè, gầm cầu, bến tàu bến xe, công trường xây dựng… Việc này không bảo đảm an toàn phòng tránh dịch bệnh, gây mất trật tự xã hội.
"Trong số này có cả người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em đi theo bố mẹ. Hàng ngày, những người này sinh sống chủ yếu nhờ vào đồ ăn, thức uống được cung cấp từ thiện của các tổ chức, cá nhân", Bộ LĐTB&XH cho biết.
Việc giãn cách xã hội ở nhiều địa phương khiến một số lao động mất việc làm, thu nhập, phải tá túc tạm thời ở vệ đường, gầm cầu. Ảnh: Thạch Thảo. |
Để bảo đảm đời sống an sinh cho toàn bộ người dân và trật tự an toàn xã hội, Bộ LĐTB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội tăng kiểm tra, rà soát người lang thang, cơ nhỡ, tá túc tạm thời tại vệ đường, gầm cầu, bến tàu, bến xe, công trường xây dựng và sống tại các địa điểm công cộng. Việc rà soát nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố được yêu cầu chỉ đạo sở, ngành liên quan rà soát các khu ký túc xá, trường học, cơ sở, các khu nhà ở công ích phù hợp, có thể bố trí đón tiếp người lang thang, cơ nhỡ tại địa bàn vào ở tạm thời, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch của ngành y tế.
Các địa phương tiếp tục vận động chủ nhà nghỉ, nhà trọ, chủ cho thuê nhà miễn, giảm tiền cho người thuê nhà để người dân yên tâm ở trong nhà tránh dịch; đồng thời giải quyết chính sách hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ theo quy định.
Ngoài ra, địa phương tổ chức huy động, vận động cộng đồng hỗ trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những người lang thang, cơ nhỡ, nhằm bảo đảm không ai bị đói và không có chỗ ở.
Tại văn bản, Bộ LĐTB&XH cũng đề nghị thiết lập đường dây nóng tại cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và tại các trung tâm công tác xã hội, cơ sở xã hội khác để hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn.