Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Thời gian có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2022.
Dự thảo nghị định quy định nhóm đối tượng được điều chỉnh là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Đồng thời, người có lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 cũng nằm trong đối tượng điều chỉnh, với điều kiện sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung, những người này phải có lương hưu, trợ cấp dưới 2,5 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh sẽ thực hiện theo nguyên tắc người có lương hưu, trợ cấp dưới 2,3 triệu đồng/tháng sẽ được tăng bù thêm 200.000 đồng/người/tháng. Người có lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm để đạt mức 2,5 triệu đồng/tháng.
Bộ LĐTB&XH tính toán có khoảng 318.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh, với kinh phí khoảng 573 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoảng 868.000 người thuộc đối tượng điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả với tổng kinh phí tăng thêm là 4.625 tỷ đồng. Đồng thời, 2,13 triệu người thuộc đối tượng điều chỉnh từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội chi trả với kinh phí tăng thêm là 14.700 tỷ đồng.
Lương hưu có thể tăng từ năm 2022, sau khi tờ trình của Bộ LĐTB&XH được thông qua. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lý giải về đề xuất này, Bộ LĐTB&XH cho biết lần gần nhất Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng là từ ngày 1/7/2019. Năm 2020-2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc điều chỉnh theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội chưa được thực hiện.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng bình quân sau 3 năm 2019-2021 tăng 10,35%, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,5% mỗi năm giai đoạn 2019-2021 thì cần thiết xem xét thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
"Nếu tính thêm một phần của tăng trưởng kinh tế thì tỷ lệ điều chỉnh vào khoảng 15%. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và Chính phủ cần ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ LĐTB&XH đề xuất mức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng với tỷ lệ tăng thêm 11%”, cơ quan này cho biết.
So với tờ trình gửi Chính phủ vào tháng 7, mức đề xuất của Bộ LĐTB&XH giảm đi 4%. Trước đó, Bộ LĐTB&XH từng đề xuất 8 nhóm đối tượng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/1/2022.