"Sau một thời gian triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, cả nước có hàng chục triệu lao động, người dân được thụ hưởng chính sách và hỗ trợ tiền mặt", Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết khi báo cáo Chính phủ về kết quả một tháng thực hiện gói hỗ trợ đến người dân, lao động gặp khó khăn do dịch bệnh (15/7-15/8).
Mặc dù đánh giá nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc, đem lại hiệu quả trong thời gian qua, ông Dung cho rằng với diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, nhiều nơi tiếp tục giãn cách xã hội, việc hỗ trợ người dân cần quyết liệt hơn nữa. Các thủ tục nhận hỗ trợ cần tiếp tục được đơn giản hóa.
'Việc hỗ trợ lao động đang ở trọ còn chậm'
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, TP.HCM vừa qua đã triển khai xong gói hỗ trợ lần một có trị giá 886 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Hà Nội vừa bổ sung thêm chính sách đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng, trong khi tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm tiền nhà trọ cho người lao động.
Đây là những địa phương được đánh giá cao trong việc triển khai gói hỗ trợ khi chủ động mở rộng đối tượng thụ hưởng, sáng tạo trong cách làm.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng các địa phương việc hỗ trợ với công nhân ở trọ, lao động di chuyển về địa phương còn chậm. Ảnh: T.T. |
Nói về mô hình "túi an sinh xã hội" đang vận hành tại TP.HCM, Bộ trưởng LĐTB&XH cho rằng đây là cách làm thiết thực, đảm bảo người dân không bị thiếu đói. Ông Dung kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương này.
Theo ông, "túi an sinh" là giải pháp, sáng kiến rất quan trọng giúp người dân an tâm ở trong nhà, đúng tinh thần "ai ở đâu, ở yên đó". Với mỗi túi này, các gia đình có thể sử dụng trong một tuần.
Bên cạnh đó, tư lệnh ngành lao động cho rằng các địa phương đã và đang làm tốt việc hỗ trợ những lao động tự do, nhưng với lao động có giao kết hợp đồng bị ngừng việc vẫn còn chậm, nhất là công nhân ở các khu nhà trọ hay người lao động di chuyển về các địa phương.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đề nghị địa phương quan tâm đến các nhóm lao động trên. Ông nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và bày tỏ sự đồng tình: "Giãn cách xã hội là quan trọng, nhưng đảm bảo an sinh là trọng yếu, giảm tử vong do Covid-19 là ưu tiên".
Tiếp tục đơn giản thủ tục nhận hỗ trợ
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ trình Thủ tướng cho phép tháo gỡ những vướng mắc trong Quyết định 23 về thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Qua đó, tối giản thủ tục hành chính, bỏ các quy định về thuế, đảm bảo để doanh nghiệp, người dân, tiếp cận vốn vay trả lương, cũng như phục hồi sản xuất sau dịch.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương chăm lo tốt các đối tượng bảo trợ xã hội: người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Việc hỗ trợ phải thực chất hơn.
"Túi an sinh" được đánh giá là sáng kiến quan trọng giúp người dân yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 "ai ở đâu, ở yên ở đó". Ảnh: Thạch Thảo. |
Trước đó, tối 15/8, ông Phạm Anh Thắng, Thường trực Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐTB&XH tại phía nam cùng các thành viên của tổ công tác đã đi khảo sát và gửi lời thăm hỏi động viên tới người lao động ở TP.HCM đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước thực tế còn nhiều phụ nữ, người già và trẻ em lang thang cơ nhỡ gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, tổ công tác mong muốn các địa phương có giải pháp quan tâm để tiếp nhận khẩn cấp và áp dụng hỗ trợ đột xuất đối với những trường hợp này. Việc hỗ trợ để người dân có nơi tá túc, đảm bảo sinh hoạt, cuộc sống tối thiểu trong giai đoạn giãn cách xã hội, phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, tổ công tác của Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo UBND TP.HCM để tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời cho những lao động thất nghiệp và những người vô gia cư… để không người dân nào trên địa bàn TP.HCM phải thiếu ăn, thiếu mặc vì dịch Covid-19.