"Trong số các địa phương làm tốt, có nhiều nơi đang giãn cách xã hội. Như vậy, không phải khó khăn là không thực hiện tốt, mà ngay những địa phương dễ thực hiện nhất thì lại làm không tốt. Người dân khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên đừng thờ ơ với việc này”, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói tại hội nghị trực tuyến đôn đốc 63 tỉnh, thành phố thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh ngày 5/8.
Hiện, 63 tỉnh, thành phố đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho sở, ngành, UBND các cấp để thực hiện gói hỗ trợ này. Nhiều địa phương đã giải ngân với số tiền hỗ trợ lớn: Hải Dương (107 tỷ đồng), Bắc Ninh (75 tỷ đồng), Bắc Giang (63 tỷ đồng), Thanh Hóa (74 tỷ đồng), Thái Nguyên (57 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra việc nhiều địa phương còn coi nhẹ chủ trương, không chú ý đến đời sống người dân trong khi nhu cầu xã hội cấp bách.
Nhiệm vụ cho 3 nhóm địa phương
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH yêu cầu tất cả địa phương, đơn vị rà soát lại công việc. Địa phương nào chưa có kế hoạch chi tiết với từng nhóm, phân công theo dõi từng đối tượng thì lên kế hoạch ngay và "phải cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, không có khái niệm chung chung, tập thể”.
Nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, chưa sáng tạo thì phải sáng tạo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Ông Dung đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ vào các nhóm cơ bản: Trường hợp F0, F1, trẻ em, lực lượng lao động, doanh nghiệp. Với những nhóm này, địa phương chủ động tìm đến các đối tượng cần hỗ trợ, không thể người dân thụ động chờ đợi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu chia các tỉnh, thành phố thành 3 nhóm để xác định nhiệm vụ trọng tâm.
Với các tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính sách hỗ trợ bằng “tiền tươi, thóc thật” và các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội cho người dân.
Những địa phương đang phải giãn cách xã hội được yêu cầu tập trung hỗ trợ cho người dân, không để người dân bị thiếu đói. Ảnh: Việt Linh. |
Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần tập trung 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ tiền mặt; giảm, hoãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội và hỗ trợ cho vay tiền lương.
Riêng nhóm 26 tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16, phương châm lúc này là tập trung cái ăn, mặc cho người dân, lao động với nguyên tắc đảm bảo người dân không bị thiếu đói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là với các nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền mặt.
Trong đó, địa phương cần đẩy mạnh việc nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ bưu chính, cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
"Nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, chưa sáng tạo thì phải sáng tạo. Nơi nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn, chưa quan tâm thì phải quan tâm hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
560.000 lao động tự do được hỗ trợ
Theo số liệu tổng hợp của Bộ LĐTB&XH, đến hết ngày 4/8, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022.
Ngoài ra, 22 tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 136 đơn vị sử dụng lao động cho hơn 17.600 lao động. Tổng số tiền tạm dừng đóng trên 108 tỷ đồng.
Người dân khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên đừng thờ ơ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
21 tỉnh, thành phố cũng phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 50 lao động đang mang thai và 750 trẻ em dưới 6 tuổi). Tổng kinh phí hỗ trợ gần 98,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 32/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn cho 65.300 trường hợp F0 và F1, đồng thời hỗ trợ thêm cho trên 2.600 trẻ em. Tổng số tiền ăn hỗ trợ đã chi trả là gần 12,1 tỷ đồng.
Trong kế hoạch triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, các địa phương được tự quyết định chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động tự do. Ảnh: Quốc Nam. |
Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.
Với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, 17 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ trên 24.200 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19. Trong đó, 7.100 hộ đã được chi trả hỗ trợ với tổng số tiền gần 15,8 tỷ đồng.
31 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 220 đơn vị, doanh nghiệp để trả lương gần 35.000 lao động. Trong đó, các địa phương đã giải ngân cho 123 đơn vị vay trả lương với tổng số tiền trên 102,5 tỷ đồng.
Riêng với lao động tự do và các ngành nghề đặc thù khác, 37 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động trong nhóm này được hưởng hỗ trợ. Trong đó, 20 tỉnh, thành phố đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng.