Ngày 29/7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thông tin về việc điều chỉnh số điện thoại đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, việc thay đổi và tăng số lượng đường dây nóng nhằm đảm bảo thống nhất trong việc tiếp nhận, giải đáp các thắc mắc, phản ánh và kiến nghị của người dân liên quan đến gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
Người dân có thắc mắc hay kiến nghị liên quan đến gói hỗ trợ này có thể gọi điện đến các số điện thoại:
- 0886487322 do Vụ Bảo hiểm xã hội phụ trách. Đường dây này sẽ tiếp nhận và giải đáp thông tin về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
- 0911011166 của Vụ Pháp chế. Người dân liên hệ qua số này sẽ được giải đáp chính sách cho trẻ em và một số chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ với người phải điều trị Covid-19, phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- 0911151166 của Cục Việc làm. Số điện này nhằm tiếp nhận, giải đáp về chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.
- 0911154488 của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương. Người dân liên hệ qua tổng đài này sẽ được giải đáp chính sách hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ lao động ngừng việc; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
- 0911191122 của Văn phòng Bộ LĐTB&XH. Cuộc gọi qua số này sẽ giải đáp chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập, chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và thông tin tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách.
- 0911041122 của Thanh tra Bộ. Đường dây này tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ.
Nhiều địa phương đang triển khai gói hỗ trợ cho lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 25/7, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết qua 15 ngày triển khai (10-25/7), Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả người lao động là F0 phải điều trị, những F1 phải cách ly tập trung.
Ngoài ra, 52.000 người bị tạm dừng lao động, dừng việc không hưởng lương đã được hỗ trợ; 5.500 hộ sản xuất kinh doanh cũng đã được nhận tiền.
Về chính sách hỗ trợ nhóm lao động tự do - đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất vì dịch bệnh, ông Dung cho biết hàng trăm nghìn người bán vé số từ Đã Nẵng đến Cà Mau đã nhận được tiền hỗ trợ.