Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Có nhân viên y tế phải điều trị cho bố và anh trai mình

"Để y, bác sĩ yên tâm chống dịch, người thân của họ cũng cần được bảo vệ. Ở bệnh viện hồi sức, có nhân viên y tế phải điều trị cho chính bố và anh trai mình", bác sĩ Tĩnh chia sẻ.

nhan vien y te tuyen dau chong dich anh 1

Hơn 2.380 y, bác sĩ mắc Covid-19 là con số được PGS Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, đưa ra tại tọa đàm Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu, tổ chức ngày 19/8. Số liệu trên mới được tổng hợp từ đầu đợt dịch đến hết ngày 9/8 và theo bà Bình, số liệu "có lẽ còn tăng".

Bà Bình bày tỏ sự xúc động khi nhắc về những hy sinh của cán bộ y, bác sĩ đang chống dịch ở các tỉnh phía Nam, trong đó đã có người không qua khỏi do mắc Covid-19. Trong 2 tháng qua, hơn 13.000 y, bác sĩ từ các bệnh viện tuyến Trung ương, địa phương, sinh viên trường y đã tăng cường vào miền Nam chống dịch.

Áp lực ở bệnh viện tuyến cuối

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội phụ trách quản lý chất lượng Bệnh viện K, cho biết gần một tháng qua, ông cùng nhiều đồng nghiệp ở bệnh viện tuyến Trung ương, địa phương được điều động, tăng cường hỗ trợ cho bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP.HCM. Đây là bệnh viện tuyến cuối, điều trị cho các bệnh nhân nặng.

"Ở bệnh viện hồi sức Covid-19, gần như không có bệnh nhân nào thở 'khí trời'. Chúng tôi phải điều trị, chăm sóc để giành giật sự sống cho người bệnh, mục tiêu là làm thế nào để bệnh nhân hít thở được bình thường", bác sĩ Tĩnh nói.

Theo ông, trong đoàn nhân viên y tế công tác tại bệnh viện, số bác sĩ có chuyên môn về hồi sức cấp cứu không nhiều. Do đó, khi tiếp nhận công việc ở đây, ông và đồng nghiệp bị choáng ngợp vì số bệnh nhân nặng quá đông. Đồng thời, áp lực cũng đến từ việc có các bệnh nhân tử vong vì đây là bệnh viện tuyến cuối.

"Ngoài gặp áp lực khi làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ nóng nực, chúng tôi còn gặp áp lực về mặt tâm lý khi phải bảo đảm an toàn cho chính mình. Trong môi trường điều trị bệnh nhân nặng, các kíp trực phải rà soát từng khâu, đảm bảo khẩu trang và đồ bảo hộ đạt tiêu chuẩn vì có thể gặp rủi ro như việc bệnh nhân ho thẳng vào mặt", bác sĩ Tĩnh cho biết.

Chúng tôi áp lực trước số lượng bệnh nhân nặng quá đông, cũng áp lực khi có bệnh nhân tử vong

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh.

Vì tính chất công việc nguy hiểm, ông cho biết "khi chiến đấu thì sẽ có người không may bị thương". Tại bệnh viện nơi ông đang làm việc, một số cán bộ y, bác sĩ đã bị nhiễm bệnh. Những người này sẽ tự cách ly và điều trị ngay tại bệnh viện.

Lúc này, khối lượng công việc ở các kíp trực lớn hơn nhiều, cũng không thể xin thêm nhân sự ở các bệnh viện khác vì "ở đâu cũng thiếu". Riêng với cán bộ y tế bị nhiễm, hầu hết đã được tiêm vaccine nên triệu chứng nhẹ.

"Ngay sau khi điều trị xong, lượng virus trong cơ thể đảm bảo an toàn, y bác sĩ từng nhiễm bệnh sẽ trở lại công việc. Đó là sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ y tế đang ở trong tâm dịch", bác sĩ Tĩnh nói.

Làm việc 500% cường độ bình thường

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, trong khó khăn, các y, bác sĩ nhận được nguồn động viên lớn đến từ các cấp công đoàn, địa phương, đặc biệt là từ chính sách tiêm vaccine cho người thân của cán bộ y tế đang chống dịch.

"Ở bệnh viện hồi sức, chúng tôi phải chứng kiến những điều dưỡng vừa điều trị cho người bệnh, vừa điều trị cho cả bố và anh trai của mình bị nhiễm bệnh nặng. Vì vậy, việc bảo vệ thân nhân sẽ giúp y bác sĩ tuyến đầu yên tâm công tác, làm nhiệm vụ", Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện K chia sẻ.

nhan vien y te tuyen dau chong dich anh 4

Việc thiếu hụt bác sĩ có chuyên môn hồi sức cấp cứu làm tăng áp lực khi điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Được tăng cường vào miền Nam chống dịch gần hai tháng qua, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, cho biết ông đang phụ trách điều phối việc chữa trị bệnh nhân Covid-19 ở 3 tỉnh miền Tây là Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang.

Theo bác sĩ Cấp, dịch bệnh quét qua đã gây một cuộc khủng hoảng cho cán bộ y tế ở các tỉnh miền Tây, dù tình hình tại đây không nghiêm trọng và nặng như TP.HCM. Sự thiếu hụt bác sĩ có chuyên môn hồi sức cấp cứu khiến khối lượng công việc lớn hơn, có người phải làm việc 500% so với cường độ làm việc thông thường vì "không ai có thể thay thế họ".

Bác sĩ Cấp kể chuyện ông từng cố gắng sắp xếp chỗ ở tiện nghi hơn cho các bác sĩ, điều dưỡng để họ có điều kiện nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi. Nhưng họ lại từ chối và xin ở lại bệnh viện để túc trực, tiện cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

"Đây là tinh thần hy sinh nhưng cũng thể hiện sự vất vả của các y, bác sĩ tuyến đầu. Tất cả đi với tinh thần tự nguyện, không tính toán quyền lợi", bác sĩ Cấp nói.

Đề xuất 3 phụ cấp cho y, bác sĩ chống dịch

Ghi nhận đóng góp của cán bộ, nhân viên y tế, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó ban Dân vận Trung ương, cho biết trước mắt, cơ quan đã kiến nghị Chính phủ và được đồng ý về chính sách tiêm vaccine cho người thân của lực lượng đang tham gia chống dịch, kể cả lực lượng vũ trang, nhân viên y tế và tổ Covid-19 cộng đồng.

Ngoài ra, ông Lộc kiến nghị về việc tăng cường tập huấn lực lượng công đoàn, tình nguyện viên để tham gia lấy mẫu, truy vết, giảm áp lực công việc cho nhân viên y tế. Bên cạnh chính sách hỗ trợ, theo ông, cán bộ y bác sĩ tham gia chống dịch cần có được 3 phụ cấp gồm phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ.

nhan vien y te tuyen dau chong dich anh 5

Phó ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cho biết cán bộ y, bác sĩ tham gia chống dịch cần có được 3 chế độ phụ cấp. Ảnh: Minh Khôi.

Trong khi đó, PGS Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết đã đề nghị với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về việc cần coi nhân viên y tế tham gia chống dịch như người thi hành công vụ. Trường hợp cán bộ y, bác sĩ tử vong do Covid-19 cần được đề xuất truy tặng liệt sĩ.

"Đề xuất này đã được Bộ trưởng Y tế đồng ý và chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để phong liệt sĩ cho những cán bộ y tế hy sinh trong quá trình chống dịch", bà Bình nói.

Trường hợp cán bộ y, bác sĩ tử vong do Covid-19 cần được đề xuất truy tặng liệt sĩ

PGS Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam

Ngoài ra, Công đoàn Y tế đề xuất hỗ trợ thêm 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ tăng cường chống dịch và triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn với giá trị 50 triệu đồng, nếu cán bộ tham gia chống dịch gặp rủi ro từ việc khám chữa bệnh, các bệnh nền cũ, nguy cơ tai nạn trong quá trình làm việc.

Tiếp thu những ý kiến của các y bác sĩ, Công đoàn Y tế và Ban Dân vận Trung ương, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết các ban, ngành sẽ nghiên cứu về đề xuất phong tặng liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong do Covid-19. Việc này sẽ được căn cứ theo quy định pháp luật và mối tương quan với các lực lượng khác.

"Cuộc chiến có thể kéo dài, phức tạp hoặc khốc liệt hơn. Chúng ta mong những điều tốt đẹp nhưng cũng dự liệu những điều không thuận lợi", ông Hiểu nói và cho biết trong thời điểm ngành y tế căng mình như hiện nay, tổ chức công đoàn cùng các chuyên gia sẽ nghiên cứu để đề xuất chính sách phù hợp, giúp cán bộ y, bác sĩ tuyến đầu yên tâm chống dịch.

Đề xuất cấp 130.000 tấn gạo cứu đói 8,6 triệu người

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ xem xét cấp hơn 130.000 tấn gạo hỗ trợ 8,6 triệu người có nguy cơ thiếu đói do ảnh hưởng của dịch bệnh tại 24 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Lao động: 'Một triệu túi an sinh' là sáng kiến quan trọng

Ngoài đề xuất TP.HCM đẩy mạnh "túi an sinh" vì đây là sáng kiến quan trọng, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết sẽ trình Thủ tướng để gỡ khó khăn trong thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm